Người đàn ông này đã chấp nhận làm công việc đóng hàng với mức lương chưa đến 150 nghìn đồng/giờ dù có bằng MBA, tại sao?
Ryan Gellert – CEO của nhà bán lẻ thời trang Patagonia, chia sẻ trong một hội nghị trước đây rằng ông là “người cuối cùng mà mọi người nên xin lời khuyên nghề nghiệp”.
Ông nói rằng mình lớn lên trong một môi trường mà mọi người có đam mê của riêng mình và tập trung vào nó như lướt sóng chuyên nghiệp hay mở cơ sở kinh doanh dịch vụ lướt sóng. Vì vậy, Gellert luôn muốn tìm ra niềm đam mê của mình và biến nó thành công việc có thể kiếm tiền.
Theo thời gian, từ chỗ không chắc chắn về tương lai, từng làm nhân viên đóng gói trong nhà kho, giờ đây, Gellert đã trở thành CEO của thương hiệu trị giá 3 tỷ USD và là một trong những doanh nghiệp nổi bật nhất trong việc chống lại biến đổi khí hậu ở Mỹ.
Có bằng MBA…vẫn phải đi đóng hàng
Gellert cho biết ông không chắc mình muốn làm nghề gì nhưng đã học ngành tài chính ở đại học và sau đó lấy bằng kinh doanh tại Học viện Công nghệ Florida. Ông chuyển đến thành phố Salt Lake và bắt đầu sở thích trượt tuyết. Một ngày nọ, ông nộp hồ sơ xin việc tại Black Diamond – một công ty thiết bị leo núi có trụ sở tại đó.
Khi nhận được một cuộc điện thoại sau một tuần, Gellert “tin chắc” rằng với tư cách là một người có bằng MBA, họ sẽ sắp xếp cho ông một vị trí “ổn”. Tuy nhiên, thay vào đó, họ đề nghị công việc đóng gói các thùng trong nhà kho với mức lương 6 USD/giờ, chỉ hơn 147 nghìn đồng/giờ. Dù bất ngờ nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, ông vẫn quyết định nhận công việc này.
“Điều nhất quán duy nhất trong sự nghiệp của tôi là tôi luôn tự hỏi bản thân về cơ hội tiếp theo trước mắt: Nó có thú vị và có gắn liền với những gì mình thực sự đam mê không?”, Gellert chia sẻ
Trên thực tế, Gellert đam mê các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là môn leo núi. Vì thế, ông nhận ra rằng bằng cách làm việc với Black Diamond, ông có thể học hỏi nhiều hơn trong công việc và hoàn toàn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Sau này, quả thực vậy, Gellert đã giúp mở rộng thương hiệu sang châu Á, đưa công ty lên sàn chứng khoán và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch thương hiệu trước khi gia nhập Patagonia năm 2014.
Trở thành CEO công ty tỷ đô và quan điểm cần có trách nhiệm với xã hội
Gellert trở thành CEO của Patagonia năm 2020 – ngay giữa đại dịch. Ông nhớ lại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của mình với người sáng lập Patagonia – Yvon Chouinard, sau vài tháng giữ vai trò mới.
Gellert miêu tả Chouinard là người vừa có nguyên tắc vừa có tinh thần kinh doanh. “Nếu có một ý tưởng, điều đầu tiên ông ấy làm là tiến một bước theo hướng đó. Ông ấy không nhất thiết phải lập kế hoạch cho 10 năm tới mà chỉ đi dần theo lộ trình”, Gellert chia sẻ.
“Từng bước một, Chouinard tự hỏi mình đã học được gì và có đang đi đúng hướng không. Nếu có, ông sẽ tiếp tục tiến thêm vài bước nữa. Ngược lại, ông ấy sẽ thay đổi lộ trình”, Gellert cho biết.
Tháng 9/2022, Chouinard công bố kế hoạch quyên góp toàn bộ công ty trị giá 3 tỷ USD của mình cũng như khoảng 100 triệu USD thu nhập hàng năm của công ty để chống biến đổi khí hậu.
Gellert thừa nhận rằng với tư cách là một nhà bán lẻ, mô hình kinh doanh của Patagonia góp phần gây ra biến đổi khí hậu, nhưng điều quan trọng là phải giảm thiểu tác động của nó. Công ty đã dành nhiều thập kỷ để tăng tỷ lệ vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình, hỗ trợ các nhà máy trả lương công bằng và quyên góp 1% doanh thu cho các hoạt động xanh.
Gellert nói: “Chúng ta đã tạo ra các vấn đề của thế giới và chúng không thể giải quyết được nếu các doanh nghiệp không chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để giúp hành tinh trở nên tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau này”.
Tham khảo CNBC-Theo Bạch Linh-Theo Nhịp sống thị trường