Trong một chương trình về khởi nghiệp cách đây vài năm, doanh nhân Bùi Quang Minh hay còn gọi là Minh Beta đã có những chia sẻ rất chi tiết về hành trình khởi nghiệp hệ thống rạp chiếu phim Beta.
Shark Minh Beta mở rạp chiếu phim đầu tiên hết 10 tỷ đồng trong khi chỉ có 5 tỷ bằng cách nào?
Năm 2014, khi mở cụm rạp Beta đầu tiên tại Thái Nguyên, Shark Minh Beta khi ấy chỉ có tổng cộng 5 tỷ đồng vốn ban đầu, là tiền tích cóp sau 2 năm anh làm việc tại Singapore và khởi nghiệp với chuỗi bánh Donuts ở Việt Nam.
5 tỷ đồng là một số vốn không nhỏ tại thời điểm đó với người mới bắt đầu khởi nghiệp, tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa số tiền mà Shark Minh Beta đầu tư cụm rạp chiếu phim Beta đầu tiên ở Thái Nguyên.
Cụ thể, theo Shark Minh chia sẻ, cụm rạp đầu tiên ở Thái Nguyên chỉ có 3 phòng chiếu nhỏ, tổng chi phí hết khoảng 10 tỷ đồng.
Vậy bằng cách nào vị doanh nhân sinh năm 1983 này có thể khởi nghiệp trong tình trạng thiếu vốn?
Đầu tiên là tiết kiệm mọi thứ. Shark Minh Beta cho biết, với cụm rạp đầu tiên, anh và cộng sự tự tay tìm kiếm các nhà cung cấp cho từng hạng mục nhỏ.
Thứ hai là biện pháp chiếm dụng vốn. Đây là một con đường kinh điển của những nhà khởi nghiệp, khi sử dụng nguồn lực từ các nhà cung cấp. Tất nhiên, không dễ gì để nhà cung cấp cho khách hàng mới một hạn mức tín dụng. Nên quan trọng là phải cho họ hiểu về tính khả thi của hoạt động kinh doanh, khả năng tạo ra dòng tiền cũng như năng lực của người điều hành doanh nghiệp.
Shark Minh Beta kể lại, anh đã nói chuyện rất lâu, thuyết phục nhà cung cấp máy chiếu rằng tôi mới khởi nghiệp, cho tôi trả chậm. Thực chất giống như một hình thức thuê tài chính.
“Lúc đó em không có đủ tiền để mua máy chiếu. Em thuyết phục ở Thái Nguyên chưa có rạp chiếu phim nào, tôi là cái rạp duy nhất nên ông không sợ tôi làm ăn thua lỗ đâu. Tôi xây lên cái khung nhà còn ông mang máy đặt vào đó cho tôi. Hàng tháng tôi trả ông từ tiền doanh thu.”
Ngoài nhà cung cấp máy chiếu, Shark Minh Beta cũng sử dụng phương thức tương tự với các nhà thầu để trả góp được chi phí thi công.
Cuối cùng, để có nhân rộng nhanh mô hình, xây dựng thương hiệu không phải chờ tới khi có lợi nhuận tích lũy mới tái đầu tư mà chủ động phương án gọi vốn. Shark Minh cho biết, sau khi mở xong cụm rạp đầu tiên đã có nhà đầu tư rót tiền để làm những cụm rạp tiếp theo.
“Việc mình có ít tiền đầu tư lĩnh vực kinh doanh nào đó không quan trọng bằng việc tìm đúng tiềm năng. Vì nhà đầu tư họ đầu tư vào do tiềm năng chứ không vì mình có bao nhiêu tiền”, Shark Minh chia sẻ.
Shark Minh Beta Làm sao để thuyết phục các nhà sản xuất bán phim cho mình đồng thời với các “ông lớn”?
Chọn phân khúc rạp chiếu phim giá rẻ, với định hướng phong cách vui vẻ trẻ trung năng động, với chất lượng tốt, Shark Minh Beta hướng tới thị trường đang bị bỏ ngỏ là nhóm khách hàng học sinh sinh viên và người thu nhập trung bình. Đặc biệt là tại các khu vực huyện nhỏ, ngoại ô – nơi người dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các loại hình giải trí hiện đại như ở các thành phố lớn.
Mặc dù có giá vé thấp hơn các đối thủ nhưng Shark Minh Beta cho biết hệ thống rạp Beta chiếu các bộ phim trên thị trường cùng thời điểm so với các rạp khác. Về nguyên nhân tại sao lại có thể thuyết phục các nhà sản xuất, doanh nhân sinh năm 1983 cho biết:
Thứ nhất, khi Beta mở ra phân khúc mới chính là mở rộng thị trường. Tuy một khách hàng đến Beta trả giá vé thấp hơn, tương đương chủ phim nhận được doanh thu từ một người thấp hơn, nhưng bù lại bằng số lượng khách hàng nhiều hơn. Nên về tổng quan thì chủ phim vẫn được lợi tương đương.
Thứ hai, khi khai phá những vùng đất mới như Thái Nguyên, Beta không bị vấp phải sự cạnh tranh từ các “ông lớn” và mở rộng thị trường cho cả ngành công nghiệp. Đó là lý do tại sao chọn “ngách” nhưng Beta vẫn có đầu vào tương tự như các rạp phim đối thủ khác.
Sự thành công và mở rộng của Beta sau đó được trợ lực bởi nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Cụ thể, chưa đầy 1 năm sau khi khai trương rạp chiếu phim đầu tiên tại Thái Nguyên, năm 2015, Beta Media – đơn vị vận hành Beta Cinemas đã nhận được vốn đầu tư từ VIG (Vietnam Investment Group).
Năm 2017, Beta Media lại tiếp tục nhận được khoản vốn đầu tư từ tập đoàn tài chính Blue HK (Hồng Kông) năm 2017 với mức định giá DN 600 tỷ đồng. Đến năm 2020, với khoản đầu tư góp vốn 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partners (Nhật Bản), Beta Media cán mức định giá doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng.
Trọng Nghĩa-Theo An ninh Tiền tệ