Dù thời thế có thay đổi đến đâu, 3 thứ này chính là “bảo hiểm” cho hành trình kiếm tiền.
Trước đây, tôi vốn nghĩ rằng muốn kiếm tiền thì chỉ cần chăm chỉ là đủ. Nhưng sau khi trải qua những năm tháng suy thoái kinh tế vào năm 2008 và gần đây hơn, là giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19, tôi thấm thía một điều: Chăm chỉ thôi là không đủ. Ngoài sự cần mẫn, chúng ta còn phải trau dồi và duy trì 3 thứ này.
Với tôi, 3 yếu tố này cũng tựa như “bảo hiểm” cho hành trình kiếm tiền.
1 – Lối sống lành mạnh và tư duy tích cực
Chỉ khi cuộc sống có biến cố, ví dụ như ốm đau bệnh nặng hay đột nhiên giảm thu nhập hoặc thất nghiệp, bạn mới nhận ra tầm quan trọng của lối sống lành mạnh và một tư duy tích cực.
Nói cách khác, khi mọi sự trong đời bạn đều ổn, công việc thuận lợi, sức khỏe không có vấn đề, bạn có thể thức khuya, ăn ngủ không đủ bữa đủ giấc, lười tập thể dục,… bạn cũng chẳng cảm thấy vấn đề gì. Nhưng khi cuộc sống chệch khỏi đường ray xưa giờ nó vẫn chạy, cộng thêm lối sống không đâu vào đâu, ngay tức khắc, bạn sẽ nhận ra sự lo lắng, tiêu cực bủa vây lấy mình.
Một người thất nghiệp có thể thức thâu đêm tới 4-5h sáng mới đi ngủ, và thức dậy vào lúc chập choạng tối, ngày chỉ ăn 1 bữa, không giao lưu với ai,… Tất cả những điều đó đều là biểu hiện của lối sống không lành mạnh, tôi đã chứng kiến rất nhiều người bạn của mình rơi vào tình cảnh ấy. Và rồi, họ dần rơi vào tuyệt vọng, hoài nghi năng lực của bản thân vì mãi chẳng tìm được việc.
Lối sống lành mạnh và tư duy tích cực giống như 2 mặt của 1 đồng xu, không thể tách rời. Chúng có tác động thuận chiều lên nhau. Bạn sống lành mạnh, bạn sẽ có tư duy tích cực. Ngược lại, bạn càng bê tha, tư duy và tinh thần của bạn càng đi xuống, rồi sẽ kéo tất cả các khía cạnh khác trong đời tuột dốc.
2 – Có tầm nhìn xa
Tôi luôn tin rằng người có tầm nhìn xa sẽ không bao giờ là người bị tụt lại so với sự phát triển của thời đại. Nhiều người nghĩ rằng có tầm nhìn xa nghĩa là phải có khả năng đánh giá, phán đoán các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc có tầm nhìn xa, thực tế, không hề vĩ mô hay phức tạp đến vậy.
Tôi sẽ kể câu chuyện về 1 người đồng nghiệp cũ, người từng khiến tôi rất nể phục, cũng là người dạy cho tôi tầm quan trọng của việc có tầm nhìn xa với sự phát triển của chính bản thân mình.
Cách đây khoảng chục năm, khi khái niệm AI gần như còn chưa xuất hiện, tôi đã thấy cô ấy kể về việc đang đi học lập trình, với mục tiêu có thể tạo ra một người “trợ lý ảo”, giúp cô ấy sắp xếp và nhắc lịch các đầu việc cần xử lý trong tuần. Điều đáng nói chính là công việc cô ấy đang làm tại thời điểm ấy hoàn toàn chẳng liên quan gì tới việc lập trình. Cô ấy là một nhân viên kế toán của một doanh nghiệp nhỏ.
Song song với việc học lập trình, cô ấy cũng học các nghiệp vụ cần thiết khác cho công việc là kế toán viên của mình. Từ một nhân viên kế toán thông thường, cô ấy được thăng chức trở thành trưởng nhóm, rồi tới trợ lý kế toán trưởng và bây giờ là kế toán trưởng.
Cô ấy vẫn thăng tiến đều, bất chấp thị trường lao động có nhiều biến động đến đâu. Tầm nhìn xa, nếu để kể ra, có lẽ nó sẽ rất dài rộng. Nhưng cơ bản nhất, người có tầm nhìn xa chính là người không ngừng học hỏi, và quan trọng hơn, là họ biết mình cần phải học thứ gì để bản thân có thể phát triển.
3 – Luôn sợ mình sẽ nghèo đi
Tôi không phải là kiểu người YOLO, và thú thật, tôi cũng không mấy ủng hộ quan điểm “sống hết mình cho hiện tại”. Đương nhiên, sống cho hiện tại là việc nên làm và cũng không phải điều gì sai trái. Nhưng vì sống cho hiện tại mà coi thường việc chuẩn bị, nỗ lực cho tương lai, thì khác.
Một vài người bạn của tôi luôn tiêu hết sạch tiền, vì họ đề cao tinh thần “sống hết mình cho hiện tại”. Sau đó, khi gặp những biến cố nhỏ trong cuộc sống, họ lại bắt đầu vật vã và cho rằng cuộc đời đối xử với họ quá bất công.
Tôi thì không như vậy. Tôi luôn sợ tương lai mình sẽ nghèo, sẽ không đủ tiền để tự lo cho bản thân. Bởi thế, tôi luôn đề cao việc chi tiêu có kiểm soát và tiết kiệm tiền. Tôi nghĩ rằng những người biết sợ “tương lai mình sẽ nghèo” là những người không bao giờ chi tiêu bừa phứa. Ngược lại, họ rất có ý thức duy trì và phát triển tình hình tài chính ổn định của bản thân.
Việc đó đương nhiên không giúp họ giàu có lên trong phút chốc, nhưng chí ít, họ cũng hiếm khi rơi vào cảnh túng thiếu đến mức túng quẫn.
Theo Ngọc Linh-Theo ĐSPL