Trước đây, kể cả khi căng thẳng thương mại có leo thang đến mấy, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “người bạn” của ông…
Tuy nhiên, vào hôm thứ 6 vừa qua (23/8), vị Tổng thống Mỹ đã bất ngờ gán cho người đồng cấp của mình một nhãn mác mới: “kẻ thù”.
Cụ thể, trong số những dòng tweet được đăng tải ngày 23/8, ông Trump đã đặt câu hỏi dành cho hơn 60 triệu người theo dõi mình, rằng giữa ông Tập và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, ai là “kẻ thù lớn hơn” đối với nước Mỹ.
Dòng tweet trên được đăng tải chỉ ít lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ áp thuế bổ sung từ 5-10% đối với số hàng hóa nhập khẩu Mỹ trị giá 75 tỉ USD, đồng thời tái áp đặt thuế quan đối với mặt hàng ô tô Mỹ.
Thời điểm đòn trả đũa trên chính thức có hiệu lực cũng được chia ra trùng với hai đợt áp dụng lệnh thuế quan mới nhất của Mỹ đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc – với đợt 1 là ngày 1/9 và đợt 2 là ngày 15/12 năm nay.
Trong những dòng tweet sau đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng ông đã yêu cầu các công ty Mỹ lập tức tìm đối tác thay thế cho Trung Quốc, và nói rằng Mỹ “không cần Trung Quốc”.
Những động thái leo thang mới nhất từ hai phía đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ có mở đầu hết sức ảm đạm trong ngày 23/8, sau khi vừa mới khởi sắc trong thời gian rất ngắn. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm đến hơn 500 điểm, tương đương 2%. Chỉ số S&P 500 cũng giảm đến 1,8%, theo CNBC.
Điềm xấu trong cuộc thương chiến
Theo CNBC, thoạt nhìn, dòng tweet trên của Tổng thống Trump gây chấn động mạnh vì lời chỉ trích của ông đối với Chủ tịch FED – nhân sự do chính ông Trump lựa chọn và bổ nhiệm.
Tuy nhiên, chi tiết nhắc tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không thể bỏ qua. Theo CNBC, việc ông Trump so sánh Chủ tịch FED và Chủ tịch Trung Quốc trên khía cạnh “kẻ thù” cho thấy mối quan hệ giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung đang ở trong tình trạng tồi tệ – đây có thể coi là một điềm xấu trong cuộc thương chiến đã kéo dài đến hơn 1 năm nay.
Trước đây, ông Trump từng khẳng định rằng mối quan hệ giữa hai vị nguyên thủ là con đường tốt nhất để hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại lớn, có tiềm năng khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đoàn kết lại.
“Chủ tịch Tập và tôi có mối quan hệ cá nhân rất mạnh mẽ” – ông Trump từng viết trên Twitter như vậy hồi tháng 12 năm ngoái. “Ông ấy và tôi là hai người duy nhất có thể đem lại thay đổi lớn lao và tích cực trong thương mại và hơn thế nữa, giữa hai quốc gia vĩ đại của chúng tôi”.
Cho đến tháng này, ông Trump vẫn có lúc gọi ông Tập là “bạn”.
“Chủ tịch Tập là một người tốt, ông ấy là bạn của tôi”, ông Trump phát biểu tại một buổi vận động cử tri ở bang Ohio.
Ông Trump cũng thường xuyên nói rằng ông không hoàn toàn trách cứ Trung Quốc về mối quan hệ thương mại bất công giữa hai nước.
“Một lần nữa, tôi xin nói rằng tôi không trách Chủ tịch Tập. Tôi trách các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm vì đã để cho điều đó diễn ra”, ông Trump phát biểu trước báo giới hồi tháng 7 vừa qua.
Xét trên một mức độ nhất định, thì ông Tập cũng có thái độ tương tự với ông Trump. Tại diễn đàn kinh tế St. Petersburg, Nga, được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi ông Trump là “bạn”, và nói rằng “thật khó mà tưởng tượng Mỹ hoàn toàn xa rời Trung Quốc và ngược lại”, theo Reuters.
Hơn nữa, trước đây ông Trump từng có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tại Bắc Kinh và được đón tiếp long trọng.
Mặc dù vậy, trong một sự kiện tại Nhà Trắng tháng trước, ông Trump đã bắt đầu thay đổi thái độ và câu chữ khi nói về mối quan hệ “bạn bè tốt” với ông Tập.
“Có lẽ bây giờ chúng tôi không còn thân thiết như vậy nữa“, Politico dẫn lời vị Tổng thống Mỹ. “Nhưng tôi phải [bảo vệ] đất nước mình. Ông ấy bảo vệ Trung Quốc, còn tôi bảo vệ Mỹ, và mọi việc sẽ diễn ra như thế”.
Hiện Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về những phát ngôn mới của ông Trump, cũng như những diễn biến gần đây trong cuộc thương chiến.
theo Trí Thức Trẻ