Ngày tôi còn bé, ở làng, hàng năm đến ngày mồng một tháng bảy thì nghe người nhà nói: “Hôm nay tế Đức thánh Nghĩa vương chắc giời sắp có mưa”. Quả thực, chiều lại, mây đen kéo đầy giời, chớp lòe…
“Chính khí trong trời đất, đối với người lớn lao thay. Khí ấy không khuất, không quanh. Gặp tiết lớn, không thể lẩn mất. Vậy những người xưa đã quên sống để giữ nghĩa, liều mình để gây nhân, tiếng truyền lại cùng vũ trụ mà không tàn hư. Nay kính nhớ tới đức tôn thần Nghĩa vương họ Nguyễn. Ngài sinh ở huyện Chi La, làng Bà Hồ xưa. Khoa, đậu Thái học sinh; quan, làm Thị ngự sử.Tính ngài cương trực, vào triều dám can. Gặp lúc nhà Trần vận hết, giặc Bắc vừa sang. Đắp thành đối lũy giặc, tìm mưu giữ nước nhà. Triều đình chọn người sang trại giặc. Ngài không ngần ngại, không sợ hãi, xin đi. Tới nơi không run không sợ, nét mặt vững vàng, lời nói mạnh bạo. Giặc biết rằng không thể lấy uy mà bức hiếp, đã lấy lẽ mà mời về. Bèn có Liêu, Hựu là bọn gian thần, thầm quen với giặc; bảo sai chắn đường về mà bắt lại. Ngài trở lại qua Yên quốc; cãi lại không kiêng, lấy chết mà chắc với lòng. Thế mà giặc Phụ vẫn cam tâm ư!
Đến ngày chết, Ngài đề chữ ở cầu, mắng giặc ba ngày không dứt. Thực là hùng tráng thay !
Khí lớn lao sáng láng của Ngài, là lòng nghĩ tới vua mắt xem không giặc. Gan trung, phủ nghĩa, trải bao nắng gắt sương thu. Nước triều lên xuống, mà tiết Ngài không theo chìm nổi; cầu cũ đổ nát mà tiếng Ngài không phải hư tàn. Giặc Bắc sao giết nổi Ngài được! mà lại còn dâng Ngài tiếng hay. Ấy là, vì sống dã rạng thì ắt chết phải thiêng. Nghịch tặc chung quy đều chết mà nước nhà nhờ đó mong còn. Danh tiếng thiêng của Ngài chắc có ngầm giúp vậy. Ngàn đời tiếng ngợi, một vùng khói hương. Các quan to, nho giỏi đời đời đều vui chuyện bàn khen. Cái phong vận Ngài để lại ngàn đời sau còn đủ làm hưng khởi lòng người. Thực là, khí mông mênh, lẫm liệt vạn đời còn.
*****
Trên đây chính là bài bia của ông Hoàng Xuân Phong, một vị quan cuối đời vua Tự Đức, viết về một tấm gương liệt nghĩa cuối đời Trần.
Đức thánh Nghĩa vương
Ngày tôi còn bé, ở làng, hàng năm đến ngày mồng một tháng bảy thì nghe người nhà nói: “Hôm nay tế Đức thánh Nghĩa vương chắc giời sắp có mưa”. Quả thực, chiều lại, mây đen kéo đầy giời, chớp lòe, sấm động làm cho ai cũng chắc là uy linh Đức thánh đã làm chuyển trời động đất. Vẫn biết ấy chỉ là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng đủ chứng lòng tôn kính của dân chúng đối với một vị trung liệt thờ ở làng bên cạnh.
Bên con đường quan lộ đi từ Vinh lên Lào qua miền Na Bẹ, cách Vinh chừng 13 cây số (xem bản đồ) có một ngôi đền nấp sau một đám cây cao. Người đi đường ai qua đó cũng đều ngả nón và dẫu đương nói chuyện ồn ào cũng nín hơi. Thế không phải là vì đền đẹp lộng lẫy đâu. Sân đền tuy rộng nhưng từ cửa vào cho đến tường trong đều rêu phủ lem nhem. Dân trong miền Nghệ Tĩnh không hay cúng bái xằng xiên. Nhưng lúc nào có việc quan hệ như kỳ yên, cầu đảo cũng thường tới cúng ở đền này. Đó là đền thờ Đức thánh Nghĩa vương.
Vậy Đức thánh Nghĩa vương là ai, sự nghiệp đã có gì mà dân gian sùng bái như vậy?
Ngài họ Nguyễn, húy là Biểu, người làng Bình Hồ huyện Chi La, tức bây giờ là làng Yên Hồ, huyện La Sơn đồng lỵ với phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Làng này lúc đời Lê cũng có tên là Bà Hồ. Từ thành phố Vinh đi, thì phải qua cầu Cửa Tiền trước dinh Công sứ, qua đò Phú Thạch (cũng có tên là Rum) cách Vinh 10 cây số ; đi hai cây số lại đến đò Hào, đi thêm một cây số nữa thì qua làng Ngài, tức là chỗ có đền bây giờ.
Ngài sinh vào năm nào, ngày nào; cha mẹ ngài là ai, làm gì, bây giờ không biết. Gia phổ họ Nguyễn chỉ chép từ ngài giở xuống và tôn ngài là thủy tổ.
Người trưởng tộc họ Nguyễn bây giờ có giữ một bản chữ Hán viết tự tay người cụ thân sinh ra ông ấy. Ông ấy nay đã già hơn sáu mươi tuổi. Vậy bản chép này có đã gần một trăm năm nay. Trong bản chép có phần nói về câu chuyện của Đức thánh Nghĩa vương, gọi là “Nghĩa vương ký”.
Nghĩa vương ký
Đức Nguyễn Biểu, người huyện Chi La, làng Bình Hồ, đậu Thái học sinh. Về đời Trần Trùng Quang làm quan đến chức Điện tiền thị ngự sử. Tính Ngài rất cương trực, gặp việc gì thì quả quyết nói ngay. Trước hồi bấy giờ, giặc Minh sai Trương Phụ đắp thành trên núi Nghĩa liệt. Vua Trùng quang đắp thành ở Chi La về phía Nam sông, cùng giặc đối lũy.
Sau vua vào Hoá Châu. Trong khoảng đời vua Minh Thái tổ hiệu Vĩnh lạc có xuống chiếu tìm con cháu nhà Trần. Vua bèn sai Ngài sung chức đi cầu phong. Ngài bèn lạy trước bệ vua để lĩnh mệnh; tiện đường qua thăm nhà, yết tổ tiên và sắm sửa đồ lề, rồi mới ra đi. Khi tới trước quan Trương Phụ, bọn giặc bảo Ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc nhích. Nhân thế, giặc đặt tiệc thết, nấu một đầu người mà mời, cốt để dò cho rõ ý Ngài. Ngài tức thì lấy đũa, khoét hai mắt, hòa với giấm mà nuốt (trong bản chép có chua thêm rằng : Lúc tiệc bày ra, Ngài cười mà nói: “Đã mấy lúc mà người Nam được ăn đầu người Bắc”. (Ghi chú: Trong chính sử không chép chuyện Nguyễn Biểu ăn đầu người, chỉ chép đối đáp của Nguyễn Biểu với Trương Phụ, nên có người cho rằng đây chỉ là truyền thuyết dân gian.)
Trương Phụ than rằng: “Thực là một tráng sĩ, thấy thế mà không kinh sợ”. Giặc biết Ngài không chịu khuất, lấy lễ phép mà mời Ngài về.
Ngài về tới cầu Lam. Có tên Phan Liêu là con Phan Quý Hựu, người làng Bàn Thạch, huyện Thạch Hà, trước đã hàng với giặc, được làm tri châu Nghệ An và hay cùng giặc vào ra bàn bạc. Nhân đó, Trương Phụ hỏi Liêu rằng Ngài là người thế nào? Liêu vốn cùng Ngài không thích hợp, nên nói rằng: “Người ấy là một người hào kiệt nước An nam. Nếu Ngài muốn lấy nước An nam mà lại thả người ấy ra thì việc làm sao xong được”. Trương Phụ cho là phải, tức thì sai người đuổi bắt trở lại. Ngài tự đoán chắc là phải bị giết, bèn lấy tay đề vào cột cầu Lam rằng: “Thất nguyệt sơ nhất nhật Nguyễn Biểu tử” nghĩa là “ngày mồng một tháng bảy Nguyễn Biểu mất “.
Ngài bèn trở lại. Trương Phụ trách Ngài vô lễ, người hầu bắt Ngài lạy. Ngài càng không chịu khuất, và nghiêm sắc mặt mà mắng Trương Phụ rằng: “Bề trong thì lấy kế để mưu đánh lấy, bề ngoài thì phao rằng đem quân sang để làm việc nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, mà lại đặt bày ra quận huyện để cai trị. Không những cướp của cải quý báu, mà lại còn giết hại sinh dân. Bay thực là tụi giặc làm càn!”
Trương Phụ giận lắm, trói Ngài vào dưới cầu Lam, trước chùa Yên quốc, rồi đánh chết (bản chép có chua thêm : lúc ấy, ba ngày nước thủy triều không lên đến đó. Ngài vẫn mắng Phụ không dứt tiếng. Phụ cho là có thần giúp, bèn cởi trói và đem trói trước cửa chùa Yên quốc rồi đánh chết). Sau lúc Ngài mất (bản chữ Hán có chép thêm rằng : Phụ vì nghĩa mà lấy hậu lễ đem táng Ngài ở làng Bình Hồ. Bây giờ trước miếu là lăng đó). Vua nghe tin lấy làm đau đớn và than tiếc.
Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở núi Lam sơn, cùng quân Minh đánh nhau ở chùa Bình Than. Ngài báo mộng rằng sẽ đến giúp. Quả thực, quân Minh thua to. Sau lúc đã đại định rồi, vua hạ chiếu lập đền thờ ở làng cũ, sắc phong làm Nghĩa sĩ đại vương, sai quan mỗi năm về tế: cho cắt một người trong con cháu làm chức phúng lễ, hai người phụ tế, sáu tên hầu rượu để thờ Ngài.
Về sau, con cháu Ngài, đời đời quý hiển người ta cho là vì lòng trung nghĩa của Ngài mà trời báo đáp.
Ôi! lúc thời mạt, cúi đầu mà theo, bỗng nhiên không kẻ vì vua can gián; khi gặp nạn, tiết tháo thay đổi, ai là tôi giỏi, vì nghĩa chết trung. Chỉ có Ngài, gặp thời vận hết, nước nhà nghiêng đổ lìa tan mà hay vì nước hết lòng trung, bỏ thân giữ nghĩa. Làm như vậy, nghìn năm sau, nghe tiếng Ngài, người ta vẫn tưởng rằng sinh khí Ngài còn rõ ràng trước mắt. Hoặc là cuộc đời thay đổi, kẻ đã hàng giặc, thấy đó mà không thẹn lắm ru !
Tưởng nhớ
Nhân dân miền Nghệ An – Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn Nguyễn Biểu là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần.
Nguyễn Biểu mãi mãi được các thế hệ mai sau ngợi ca cùng câu đối ghi ở đền Nghĩa Liệt:
Tồn Trần kính tiết Thành sơn thạch.
Mạ tặc dư thanh Lam thủy ba.
Nghĩa là:
Tiết cứng phò Trần đá Nghĩa Liệt.
Tiếng vang mắng giặc sóng Lam Giang.
Trích lược và chỉnh sửa từ bài khảo cứu “Nguyễn Biểu, một gương nghĩa liệt, và mấy bài thờ cuối đời Trần”
Tác giả: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn – Đăng tải tại tạp chí Chim Việt Cành Nam