Tỷ phú Wan Long, người đang sở hữu khối tài sản lên tới 1,7 tỷ USD, được mệnh danh là huyền thoại kinh doanh trong ngành thịt lợn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, xuất phát điểm của vị doanh nhân này chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Theo Forbes Trung Quốc, ở tuổi 79, Wan Long đã lọt TOP 200 người giàu nhất Trung Quốc năm 2019 với vị trí #186. Theo Hurun Report cùng năm thống kê, tài sản của ông lên tới 9 tỷ Nhân dân tệ.
Còn trên danh sách tỷ phú của Forbes hiện nay, ông Wan Long đang xếp ở vị trí #1664 toàn cầu và vị trí #372 trong Danh sách người giàu Trung Quốc 2020 với khối tài sản là 1,7 tỷ USD.
Xuất thân nghèo khó, tuổi thơ cơ cực
Ông Wan Long, sinh tháng 9/1940, quê ở La Hà, Hà Nam. Về trình độ học vấn, ông là Cử nhân đại học, chuyên gia kinh tế cao cấp và cán bộ chính trị cao cấp. Với những thành tựu nổi bật cùng đế chế WH của mình, ông được mệnh danh là “cha đỡ đầu” của ngành công nghiệp thịt Trung Quốc. Thế nhưng, nếu nhìn lại xuất phát điểm của ông, không ít người sẽ phải bất ngờ khi biết đó chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Wan Long sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Vốn dĩ, tên của ông được đặt với mong muốn đem tới sự may mắn và thịnh vượng nhưng cha ông đã mất sớm. Gia đình không có trụ cột kinh tế càng trở nên vất vả, cơ cực hơn. Thuở thiếu thời của cậu thiếu niên Wan Long là những ngày tháng phải tự bươn chải, bới rau rừng, nhặt ve chai và đi dán bao diêm thuê để kiếm cái ăn.
Còn chưa kịp tốt nghiệp cấp 3 thì Wan Long quyết định nhập ngũ, trở thành người lính đường sắt, giảm gánh nặng cho gia đình. Sau này, ông xuất ngũ thì được chỉ định làm việc trong nhà máy thịt Luohe Meat Union đìu hiu, một doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ không thể trả nổi lương cho nhân viên.
Tại đây, Wan Long đã dùng chính tầm nhìn xa trộng rộng và khả năng nắm bắt xu hướng mạnh mẽ của mình để đề xuất những ý kiến táo bạo với các lãnh đạo. Chẳng hạn như, khi công cuộc cải cách giá cả tại Trung Quốc nổ ra vào năm 1983, giá thịt lợn được đẩy lên rất cao. Mọi người trong nhà máy đều cho rằng nên tích trữ thịt với số lượng lớn, đợi đến Tết mới bán ra với giá còn cao hơn gấp nhiều lần.
Chỉ riêng Wan Long có suy nghĩ khác. Ông chia sẻ với các quản lý về dự đoán của mình rằng, nếu đợi càng lâu, chỉ sợ giá thịt sẽ giảm mạnh. Quả thật, chỉ sau nửa tháng, giá thịt lợn giảm tới 20%.
Sau nhiều lần như vậy, ông Wan Long giành được sự tin tưởng từ đông đảo mọi người với những ý tưởng thông minh, đầy táo bạo. Đây chính là tiền đề để mở ra một bước ngoặt quan trọng trong con đường thăng tiến.
Đến năm 1984, ông được mọi người bầu làm giám đốc của Nhà máy Liên minh thịt Luohe, nghênh đón thời kỳ phát triển và mở rộng của toàn ngành sản xuất sản phẩm thịt.
Bản lĩnh để dựng nên “gã khổng lồ” ngành thịt
Dưới sự lãnh đạo của Wan Long, nhà máy Luohe không ngừng nâng cấp công nghệ, chú ý đến chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị chuyển đổi của thịt trong ngành công nghiệp truyền thống. Ngay trong năm đó, đơn vị đã tăng lợi nhuận lên 8.000 Nhân dân tệ.
Năm 1989, ông thành lập thương hiệu “Shuanghui”. Vào tháng 2 năm 1992, sản phẩm xúc xích giăm bông thương hiệu “Shuanghui” đầu tiên được tung ra thị trường. Thương hiệu được đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc và dần vượt qua người dẫn đầu ngành Chundu với thị phần lên tới 70%.
Năm 1997, vị doanh nhân họ Wan tiếp tục tung ra các sản phẩm cao cấp “Shuanghui King Zhongwang” – sử dụng thịt lợn tươi từ địa phương làm nguyên liệu và sở hữu hàm lượng thịt thật lên đến 90%. Việc này đã giúp cho doanh nghiệp xác lập vị thế mạnh mẽ của mình, đứng vững giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từng khiến hầu hết các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Chỉ một năm sau, Shuanghui đã ghi nhận doanh thu tăng mạnh, vượt 2 tỷ Nhân dân tệ và trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành. Vào tháng 12 năm 1998, Shuanghui Industrial (nay được gọi là Shuanghui Development) đã trở thành đơn vị chế biến thịt đầu tiên lên sàn giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, hành trình trở thành “gã khổng lồ” của ngành thịt thế giới không hề dễ dàng và phủ đầy hoa tươi. Năm 2011, Shuanghui đã suýt bị “quật ngã” vì sự cố “Clenbuterol” trong các sản phẩm thịt của hãng bị phanh phui. Clenbuterol là một chất tạo nạc cho động vật, có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh ung thư hoặc các bệnh lý khác ở người như ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… nếu sử dụng với số lượng quá liều.
Sự việc đã khiến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bị tổn hại nghiêm trọng. Ông Wan Long đã quyết định chi hơn 200 triệu Nhân dân tệ mỗi năm để thực hiện một loạt cải cách nhằm nâng cao an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra nghiêm ngặt mọi con lợn sống nhập vào Shuanghui.
Nhờ có sự thay đổi kịp thời, ông đã dần dần tìm lại được niềm tin của người dùng và vực lại doanh nghiệp. Tới năm 2014, ông thành công đưa Wanzhou International ra mắt thị trường tại Hồng Kông và 2 năm sau đó, doanh nghiệp lọt vào TOP 500 doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, ông Wan Long đã từ chức Giám đốc Điều hành và sẽ chỉ tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng như Chủ tịch một số Ủy ban quan trọng tại WH Group.
Những quyết sách để đời làm nên huyền thoại của một doanh nhân
Năm 1999, ông Wan Long là người đầu tiên giới thiệu và đưa dây chuyền sản xuất thịt mát xuất hiện tại Trung Quốc. Quyết định này của ông đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc quản lý thương hiệu thịt mát, đồng thời mở rộng các chuỗi cửa hàng thịt mát, thay đổi mô hình truyền thống từ trước tới nay.
Nhờ có những bước đi tiên phong này, ông đã giúp Shuanghui phát triển mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vị thế tuyệt đối trong ngành công nghiệp thịt và tạo ra một khoảng cách lớn với các đối thủ cạnh tranh khác.
Vị tỷ phú cũng được chính các nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Goldman Sachs Group hay CDH Investment nhận xét là một “bậc thầy về thủ thuật”. Ông sở hữu câu nói nổi tiếng là “Hãy sử dụng vốn chứ đừng kiểm soát vốn”.
Bản lĩnh này được thể hiện rõ nét nhất vào thời điểm năm 2013. Vị tỷ phú đã đưa ra một quyết sách táo bạo, gây chấn động thị trường toàn cầu lúc bấy giờ khi chi 7,1 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield. Tại thời điểm đó, đây là thương vụ M&A có giá trị nhất Trung Quốc.
Năm 2014, hơn 100 công ty từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu được WH Group “quy thành một mối” để niêm yết tại Hồng Kông, chính thức trở thành doanh nghiệp thịt lợn có quy mô lớn nhất toàn cầu. Năm 2016, công ty là cái tên duy nhất đại biểu cho ngành thực phẩm nội địa Trung Quốc được lọt vào danh sách Fortune Global 500 với doanh thu 140 tỷ Nhân dân tệ.
WH Group cũng tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Mỹ bằng thương vụ mua Clougherty Packing, hãng chế biến thịt lợn lớn nhất của California, vào năm 2017. Tới thời điểm này, không gì có thể thay thế vị trí “gã khổng lồ” ngành thịt của WH Group trong tay tỷ phú Trung Quốc.
Có thể thấy rằng, sau chặng đường dài nhọc nhằn, Wan Long từ cậu thiếu niên nhà nghèo, phải bỏ học mưu sinh, nay đã trở thành một trong những huyền thoại kinh doanh nổi tiếng. Ông chính là nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ mong muốn vươn lên trong tương lai.
Phương Thuý-Theo Nhịp sống kinh tế