‘Công nương đô la’ là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phương Tây, đánh dấu sự chuyển giao của một thời kỳ mới.
Những năm 1870 đến 1900 được biết tới là “Thời đại hoàng kim” ở Hoa Kỳ, với mức tăng trưởng thần tốc về kinh tế và mức sống. Sự tăng trưởng thần kỳ ấy tạo ra cả một lớp người giàu mới, sở hữu khối tài sản kếch xù và một tham vọng tột bậc.
Những “đại gia mới nổi” này nhận ra, mặc dù họ đã sở hữu gia tài là mơ ước của cả xã hội, họ vẫn thiếu một thứ quan trọng – một xuất thân danh giá.
Trong nhiều thế hệ trước đó, lớp người giàu có nhất và có ảnh hưởng nhất trong xã hội luôn là những nhà quý tộc châu Âu. Nhờ sự phát triển vũ bão của thời đại hoàng kim, bỗng dưng vị trí này thuộc về những người thuộc tầng lớp bình dân Hoa Kỳ.
Phần lớn trong số họ là hậu duệ của những di dân châu Âu nghèo khó sang Bắc Mỹ từ các thế kỷ trước và giàu lên từ các ngành công nghiệp như khai khoáng, sắt thép, dầu mỏ. Họ nhận ra mình bị xa lánh bởi lớp danh gia vọng tộc – những người đã quen sống trong nhung lụa từ thời cha ông.
Thèm khát sự chấp nhận, nhiều gia đình đại gia mới nổi tìm đường sang châu Âu với hy vọng được chào đón vào giai cấp thượng tầng xã hội. Thật vừa vặn, tại châu Âu khi đó, nhiều danh gia vọng tộc bắt đầu mất đi ưu thế do những biến chuyển của cấu trúc xã hội.
Khi phương tiện sản xuất dần biến đổi, việc sở hữu đất đai không còn tạo ra lợi nhuận như trước đây, khi họ còn là lãnh chúa và địa chủ phong kiến. Trái lại, việc điều hành các bất động sản càng ngày càng trở nên đắt đỏ.
Như tìm thấy “chân ái”, quý tộc Anh bắt đầu ngửi thấy mùi tiền từ những phụ nữ Mỹ trẻ trung tìm kiếm danh vọng. Họ mong chờ khoản hồi môn khổng lồ sẽ giúp họ thoát được những gánh nặng tài chính, và đạt được một tình huống “cùng thắng” – “win-win situation”.
Suốt thời đại hoàng kim, khoảng 350 phụ nữ Mỹ giàu có đã được gả vào các danh gia vọng tộc Anh quốc. Khoản hồi môn của họ đóng góp khoảng 40 triệu bảng cho nền kinh tế Anh vào thời điểm đó, tương đương khoảng 1 tỷ bảng theo thời giá hiện nay.
Cụm từ “công nương đô la” được xuất phát từ một vở kịch cùng tên công chiếu năm 1907 nhắm đến những người phụ nữ trên. Trong số các “công nương đô la”, Jennie Jerome có lẽ là người nổi tiếng nhất.
Là con gái của một tài phiệt giàu có, Jennie sinh ra và lớn lên ở Brooklyn, thành phố New York. Vào tuổi 19, Jennie gặp lãnh chúa Randolph Spencer-Churchill 24 tuổi trong một cuộc đua thuyền buồm tại đảo Wright. Cặp đôi được “mai mối” bởi Thân vương xứ Wales lúc đó – người sau này trở thành Vua Edward VII của Anh.
Hai người đính hôn chỉ sau 3 ngày gặp mặt, nhưng phải mất tới 1 năm sau họ mới chính thức tổ chức lễ cưới. Cha mẹ lãnh chúa Randolph phản đối cuộc thành hôn này. Họ cho rằng Jennie không xứng đáng với con trai họ, khi cô là một người Mỹ bình dân, đã vậy lại còn có hình xăm!
Mặc cho sự phật lòng của cha mẹ, cặp đôi vẫn thành hôn vào năm 1874. Vào tháng 11 năm đó, Jennie hạ sinh người con trai cả và đặt tên là Winston. Đúng vậy, Jennie chính là mẹ của Thủ tướng Anh huyền thoại – Winston Churchill. Vào năm 1880, em trai Winston là John ra đời.
Những “công nương đô la” thường bị xã hội chế giễu và bị coi là những kẻ “bú fame” – chỉ lợi dụng danh tiếng lâu đời của các gia đình quý tộc.
Tuy vậy, các sử gia đương đại đang nhìn nhận những người phụ nữ này dưới lăng kính có phần thiện chí hơn. Suy cho cùng, những “công nương” này sống trong một xã hội vô cùng nghiêm khắc về thứ bậc. Chúng ta đâu thể trách họ vì có áp lực phải cố gắng xây dựng vị thế cho bản thân và gia đình?
Một điều thường bị lãng quên là những người phụ nữ này cũng góp công lớn trong việc thúc đẩy sự tiến bộ trong xã hội Anh. Một số đã hoạt động chính trị từ trước cả khi phụ nữ có quyền bầu cử; số khác thì quyên tiền cho các mục đích từ thiện.
Nhiều người xây trường học cho trẻ em nghèo, hoặc gây quỹ cho các bệnh viện. Không ít “công nương đô la” thành lập các tờ báo và tạp chí, rồi thể hiện một lòng yêu nước nhiệt thành với tổ quốc mới của họ – thứ còn hiếm thấy ở nhiều quý tộc Anh.
Cuối cùng, họ đóng góp một phần lớn vào việc gìn giữ các bất động sản cho nước Anh và phát trển kinh tế.
Nguồn: HOY-Theo Tyler–Trí thức trẻ