Đã 35 năm trôi qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một trong những doanh nhân Việt kiều tiên phong quay về đầu tư, xây dựng đất nước, vẫn nhớ như in nhiệm vụ quan trọng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao phó.
Phòng làm việc của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, tọa lạc ở tầng bảy một tòa nhà trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.
Bốn bức tường trong căn phòng đó treo đầy bằng khen, nhiều tờ đã ố vàng theo thời gian, thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những thành tựu ông đóng góp cho đất nước.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn gọi căn phòng này là phòng truyền thống để ghi nhớ về những thời kỳ, chặng đường phát triển của đất nước mà ông vinh dự được phần nào đóng góp.
Sứ mệnh mở đường bay lịch sử
Phóng viên: Có vẻ thời gian 35 năm không làm ông phai mờ ký ức về lời mời năm xưa. Ông có thể kể lại kỷ niệm về sự kiện đó chứ?
+ Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Một buổi sáng năm 1984, lúc đó tôi đang ở Mỹ thì đột nhiên nhận được cuộc điện thoại từ một quan chức cao cấp của Việt Nam (VN) mời tôi về thăm quê hương. Niềm vui sướng trào dâng của một người con xa xứ đằng đẵng cả chục năm đã khiến tôi nhận lời mời ngay lập tức. Khi đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là muốn được trở về thăm quê hương, đất nước.
Về VN, tôi được đưa đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại buổi trò chuyện, ngài Thủ tướng đã trao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng, đó là mở đường bay quốc tế kết nối với nhiều quốc gia, trong đó có các nước phương Tây.
Ông suy nghĩ như thế nào trước nhiệm vụ này?
+ Tôi rất tự hào, vì năm đó tôi chỉ mới 34 tuổi, còn quá trẻ để thực hiện nhiệm vụ lớn như vậy. Nhưng tôi cảm nhận được sự quan trọng đằng sau quyết định đó của Thủ tướng và tự nhủ lòng sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ này.
Một lý do nữa thôi thúc tôi nhận nhiệm vụ là vì khi trở về VN, nhìn từ trên máy bay xuống, tôi thấy những ngôi nhà mái tôn cũ kỹ toát lên vẻ nghèo nàn, xác xơ, những vết tích chiến tranh vẫn còn hiện diện. Tôi đi thăm một vòng TP thì quán xá, hàng ăn uống rất hiếm.
Đến 18 giờ, TP chìm trong bóng tối vì hồi đó điện cúp liên miên. Nhìn thấy nền kinh tế nước ta khi ấy còn chật vật, khó khăn quá, trong lòng tôi có một sự thôi thúc phải làm gì đó để đóng góp cho đất nước.
Chỉ hơn một năm sau, tôi đã bước đầu hoàn thành sứ mệnh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao phó. Ngày 4-9-1985, đường bay quốc tế VN – Philippines được Tổng thống Philippines Marcos phê duyệt. Và năm ngày sau, ngày 9-9-1985, VN đã thực hiện chuyến bay đầu tiên đến Philippines, mở toang một cánh cửa đầy hứa hẹn và nhiều tiềm năng cho đất nước.
Năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, VN công bố thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước. Trong suy nghĩ của tôi, việc mở đường bay mới cùng với cuộc đổi mới đất nước đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho VN, mà đầu tiên đất nước bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư của nước ngoài và tiến đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Chắc ông cũng đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình mở đường bay này?
+ Thời điểm đó Mỹ đang cấm vận VN nên việc mở đường bay tới Philippines không hề đơn giản. may mắn là tôi nhờ cậy vào những mối quan hệ cấp cao tại Philippines nên công việc xúc tiến nhanh hơn.
Có giấy phép mở đường bay là một chuyện lớn nhưng duy trì đường bay cũng quan trọng không kém. Tôi vẫn còn nhớ lời bác Phạm Văn Đồng hay nhắc đi nhắc lại: “Cháu cố gắng giữ đường bay”. Bác Đồng rất hiểu chuyện này vì thời điểm đó xin visa rất khó khăn nên không có mấy hành khách bay trên tuyến này. Nếu phải xóa sổ một đường bay quốc tế sẽ là điều rất đáng tiếc, xem như đóng lại những cơ hội rộng mở đầy tiềm năng cho VN sau này.
Để duy trì đường bay, tôi phải lấy việc vận chuyển hàng hóa nhập từ Philippines bù vào. Nhà nước VN cũng hỗ trợ dồn các đầu mối chuyên chở hàng hóa về tuyến bay này. Nhưng tôi vẫn lỗ, vì chiều bay từ VN sang Philippines toàn bay rỗng. Mấy năm đầu, để giữ được đường bay, tôi lỗ mất 5 triệu USD nhưng đến nay đường bay đã phát huy hiệu quả.
Sau đó, khi VN bắt đầu bắt tay với các nước trên thế giới, hội nhập quốc tế, từ đường bay này chúng ta đã mở rộng ra Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi trước đó, từ VN chỉ bay đến được Trung Quốc, Liên Xô hay quá cảnh tại sân bay Bangkok.
Từ thời điểm nhận nhiệm vụ mở đường bay ra thế giới, đến giờ ông nhìn lại đất nước phát triển ra sao?
+ Có thể nói tôi là một trong những nhân chứng lịch sử chứng kiến sự chuyển tiếp của đất nước từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tôi đã chứng kiến nỗi khổ có xe mà không có xăng, thực phẩm phải mua bằng tem phiếu… Đáng mừng là như một phép màu, sau công cuộc đổi mới với sự cởi mở về nhận thức, tư tưởng, nền kinh tế VN ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế càng sâu rộng.
Đặc biệt trong ba năm gần đây, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách cải cách mạnh mẽ về điều kiện kinh doanh. Ba ngành thuế, hải quan và công thương vốn bị kêu ca nhiều nhất lại đang nỗ lực đổi mới nhiều nhất.
Chúng ta nói nhiều về hội nhập nhưng quan trọng nhất là Chính phủ đã có những thay đổi quyết sách phù hợp với sân chơi quốc tế, tạo sự minh bạch và công bằng cho mọi giới kinh doanh.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, xuất khẩu tăng trưởng, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại tệ dồi dào… là những tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Đảng và Nhà nước quyết liệt với việc chống tham nhũng, không có vùng cấm khiến niềm tin và kỳ vọng của người dân vào tương lai đất nước ngày càng tăng cao. Nếu công cuộc đổi mới trước đó mang dấu ấn mở cửa thì đây là thời kỳ đột phá, mang ý nghĩa như một cuộc đổi mới của đổi mới.
Làn sóng doanh nhân Việt kiều về đầu tư
Được biết ông là cầu nối, giới thiệu nhiều doanh nhân Việt kiều về đầu tư, xây dựng đất nước. Theo quan sát của ông, những doanh nhân gốc Việt thành đạt đang nhìn về VN ra sao?
+ Tôi cũng xin nhấn mạnh, trước đây nhiều doanh nhân kiều bào cũng chưa tin tưởng lắm vào lời mời kêu gọi quay về quê hương đầu tư của Nhà nước. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì họ e ngại sự phân biệt đối xử, tệ quan liêu, hệ thống pháp luật chưa được minh bạch…
Tuy nhiên, như tôi đã nói, những năm gần đây môi trường kinh doanh của VN đã có những tiến bộ. Các điều kiện kinh doanh ngày càng thông thoáng và cởi mở hơn, Chính phủ cũng có hàng loạt chính sách đãi ngộ rất cụ thể cho giới Việt kiều. Điều đó được các doanh nhân gốc Việt đánh giá rất cao.
Vì đất nước trân trọng những đóng góp của Việt kiều, xem họ là một phần không thể tách rời nên tôi nhìn thấy một làn sóng các doanh nhân kiều bào đã và sẽ tiếp tục về quê hương đầu tư, đem lại lợi ích hiệu quả thiết thực cho đất nước.
Đây là thời điểm rất quan trọng, vì sau hàng chục năm sinh sống ở nước ngoài, các doanh nhân Việt kiều đã tích lũy nhiều kiến thức, nguồn lực tài chính và mối quan hệ mà một khi đóng góp cho đất nước sẽ đem lại những giá trị rất lớn.
Theo ông, chúng ta cần tạo thêm những điều kiện nào để các doanh nhân gốc Việt ở nước ngoài có thể đầu tư thuận lợi vào VN hơn?
+ Thực tế, các chính sách ưu đãi của VN dành cho giới Việt kiều đã rất tốt. Đặc biệt, VN đã công nhận hai quốc tịch cho giới Việt kiều nên việc kinh doanh của họ thuận lợi hơn rất nhiều, được hưởng nhiều ưu đãi hơn cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu có chỉnh sửa, tôi đề nghị khi giới doanh nhân Việt kiều mời bạn bè là chuyên gia về làm việc cho công ty của họ đầu tư tại VN thì thời hạn visa nên kéo dài hơn, thay vì chỉ cấp sáu tháng như hiện nay. Điều đó sẽ khiến giới chuyên gia an tâm cống hiến nhiều hơn cho công việc.
Xin cám ơn ông.
Minh Phương – Quang Huy (Pháp luật)