Vị Giáo sư được mệnh danh là cha đẻ của lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục trong Toán học với hơn 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế.
Cậu học trò nghèo say mê Toán học
Giáo sư Hoàng Tụy (1927 – 2019) là 1 trong 2 người tiên phong xây dựng ngành toán học Việt Nam, cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm. Ông sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nho học và yêu nước ở tỉnh Quảng Nam.
Nhà đông con, bố mất sớm khiến gia đình khó khăn, các anh trai làm ăn tứ xứ nên GS Hoàng Tụy nhiều lần phải chuyển trường. Dù vậy, với thành tích học tập vượt trội, ông học nhảy cóc, vượt cấp và được nhận học bổng từ trường Quốc học Huế danh giá.
Sức khoẻ yếu cùng một trận ốm thập tử nhất sinh năm 15 tuổi khiến Hoàng Tụy phải bỏ học 1 năm về quê chữa bệnh. Trong thời gian này, ông tự học từ sách vở của các anh trai để lại. “Đây chính là thời điểm quyết định tương lai cuộc đời tôi. Vì cả hoài bão khoa học cùng với thói quen tự học đều đã hình thành trong những chuỗi ngày dài chiến đấu với bệnh tật và dưỡng sức khi bệnh đã qua khỏi nguy kịch”, GS Hoàng Tụy chia sẻ.
Vì đau ốm liên miên, ông vẫn phải bỏ cả học bổng toàn phần của Trường Quốc học Huế để xin học ở trường tư, sau đó “nhảy cóc” 2 lớp và thi đỗ đầu tú tài ban toán. Năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông về quê tham gia kháng chiến rồi vào Quảng Ngãi dạy học, viết cả SGK hình học trong thời gian này.
Năm 1951, nghe tin Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm về nước và sắp mở Trường Khoa học Thực hành Cao cấp ở Việt Bắc, Hoàng Tụy xin ra Bắc để học. Ông phải lần theo con đường mòn dọc dãy Trường Sơn, đi ròng rã mấy tháng trời nhưng đến nơi mới biết ngôi trường này không mở được.
Khi đó chỉ có Trường Sư phạm Cao cấp và Khoa học Cơ bản, đóng ở Khu học xá TW tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) để tránh máy bay địch. Vì kiến thức Hoàng Tụy tự học đã vượt quá chương trình đại học vài năm đầu tiên, ông được Bộ Giáo dục cử sang để dạy Sư phạm trung cấp. Thời gian này, ông tự học tiếng Nga và tự học xong chương trình đại học Toán của Liên Xô cũ trong 3 năm. GS Hoàng Tụy cho biết, trong cuộc đời mình, ông chưa từng học đại học một ngày đúng nghĩa.
Năm 1956, sau khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm được thành lập, Hoàng Tụy đi dạy cả hai trường. Một năm sau, ông được cử đi thực tập tu nghiệp tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ) để nâng cao trình độ và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào năm 1959.
“Cây đại thụ” làm rạng danh Toán học Việt Nam
Trở về nước, GS Hoàng Tụy làm Chủ nhiệm khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, chọn nghiên cứu chuyên sâu về Vận trù học. Năm 1961, Giáo sư đã khởi xướng và hướng dẫn phong trào ứng dụng Vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành giao thông vận tải rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác.
Năm 1964, phương pháp giải bài toán quy hoạch lõm của Hoàng Tụy gây tiếng vang. Thời điểm này các nhà khoa học trên thế giới chỉ nghiên cứu cực tiểu hoá các hàm lồi. Trong khi đó Giáo sư Hoàng Tụy nhận ra các bài toán cần giải quyết trong cuộc sống thường lại không phải là hàm lồi, mà là hàm lõm nên đã tìm cách xây dựng lý thuyết mới cho phép tìm cực tiểu các hàm lõm.
Công trình này được giới toán học quốc tế gọi là “Lát cắt Tụy” (Tuy’s cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành toán học Lý thuyết tối ưu toàn cục. Vậy nên Giáo sư Hoàng Tụy được coi là “Cha đẻ của Tối ưu toàn cục”. Cuốn sách toán Tối ưu toàn cục – tiếp cận tất định do GS Hoàng Tụy viết chung với GS người Đức Reiner Horst được coi là kinh điển trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.
GS Hoàng Tụy từng đảm nhận nhiều vị trí trong thời gian công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Khoa Toán (nay là Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội).
Là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989, GS Hoàng Tụy có đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam cùng với GS Lê Văn Thiêm.
“Đối với tôi, dù nghỉ hưu hay còn trong biên chế tôi vẫn làm việc đều đặn, vẫn nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu Toán học, đồng thời quan tâm thiết tha đến sự nghiệp chấn hưng giáo dục, khoa học của đất nước, chừng nào còn đủ sức, vì đó là điều thiết yếu, nguồn vui trong cuộc sống của tôi”, Giáo sư tâm sự.
Trong suốt sự nghiệp, GS Hoàng Tụy đã viết hơn 100 công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế, tham gia nhiều hội nghị quốc tế lớn và là uỷ viên ban biên tập của 4 tạp chí uy tín. Công trình nghiên cứu cuối cùng của giáo sư công bố năm 2018, lúc ông 91 tuổi.
Nhờ những cống hiến cho Toán học nước nhà, ông được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1 năm 1996. Trước đó, Trường ĐH Công nghệ Linkoping (Thuỵ Điển) tặng ông danh hiệu cao quý “Tiến sĩ danh dự”.
Năm 2011, GS Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory mang tên nhà toán học lừng danh người Đức. Đây là giải thưởng dành cho người xuất sắc có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.
Tham khảo: VNU -Kim Linh–Đời sống Pháp luật