Quan hệ giữa Napoléon Bonaparte và người đẹp Joséphine de Beauharnais được ca ngợi là mối tình của thời đại, một bức tranh hoàn hảo về sự tha thứ.
Mặc dù qua các bức thư, hoàng đế Pháp dành cho Joséphine tràn ngập những lời yêu đương say đắm, nhưng người phụ nữ xinh đẹp này gây cho ông nhiều phiền muộn trong tình yêu và hôn nhân.
Góa phụ còn xuân
Joséphine, tên thật là Marie-Josèphe-Rose Tascher de La Pagerie, lớn lên trong một đồn điền ở thuộc địa Martinique của Pháp ở vùng Caribe. Khi còn vị thành niên, bà bị gia đình ép gả cho một quý tộc bậc trung người Pháp, Alexandra de Beauharnais.
Thực tế, ông này là một kẻ giả dối và có nhiều nhân tình, dẫn đến vợ chồng ly thân theo lệnh của tòa án, khi họ có với nhau hai người con. Tuy nhiên, Alexandre lại đạt được thành công về mặt chính trị, trở thành Chủ tịch Quốc hội lập hiến.
Không may, trong “Triều đại khủng bố” vào thời kỳ đầu của Cách mạng Pháp (1793 – 1794), ông bị kết tội phản bội và bị đưa lên máy chém vào năm 1794. Joséphine cũng bị cầm tù nhưng may mắn thoát chết do sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ đầy bạo lực kể trên.
Được thả khỏi nhà tù Carmes, Joséphine lúc này là một góa phụ 32 tuổi, có hai con, không có tài sản, phải đi vay mượn nhiều nơi để sinh tồn trong một căn hộ trên đường Chantereine.
Nhằm hội nhập vào xã hội Pháp thời hậu cách mạng mới, bà đặt ra mục tiêu cụ thể và đã mang lại hiệu quả rõ ràng. Sau những mối quan hệ với một số nhân vật chính trị cấp cao, bà trở thành người tình của Paul Barras, thành viên trong liên minh lãnh đạo gồm năm người của quốc gia, được gọi là Hội đồng Đốc chính (Directoire).
Tuy nhiên, đến năm 1795, Barras đã chán nhân tình của mình và sẵn lòng giới thiệu bà cho một người lính trẻ đầy tham vọng tại một vũ hội do ông tổ chức. Barras không hề biết rằng, bốn năm sau, người lính này sẽ lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu chống lại Directoire, và 5 năm tiếp theo, anh ta tự phong làm hoàng đế. Đó là Napoléon Bonapartre.
Hôn nhân không hạnh phúc
Joséphine và Napoléon kết hôn chỉ vài tháng sau lần gặp đầu tiên vào tháng 3 năm 1796, mặc cho gia đình Napoléon phản đối. Chỉ hai ngày sau đám cưới, chú rể phải rời xa cô dâu theo đoàn quân Pháp vào nước Ý.
Trên đường hành quân, Napoléon liên tục viết thư cho vợ với những lời yêu thương thắm thiết. Đổi lại, Joséphine ít viết thư cho chồng, nếu có thì với giọng điệu lạnh lùng, thờ ơ. Vào thời điểm đó, Joséphine đã có mối quan hệ thân mật với Hippolyte Charles, một trung úy Kỵ binh trẻ tuổi bảnh bao.
Đến tháng 6 năm 1796, Joséphine sang Ý để sum hợp với Napoléon, nhưng đi cùng bà còn có người tình 23 tuổi. Khi Napoléon đến căn hộ của bà ở Milan vào tháng 11 năm 1796, ông không thấy ai ở đó cả và sự ngờ vực về lòng chung thủy của vợ bắt đầu.
Vào tháng 3 năm 1798, Napoléon nghe phong thanh chuyện ngoại tình của vợ và nổi cơn thịnh nộ, nhưng rồi Joséphine cũng khôn khéo giải quyết ổn thỏa mọi chuyện.
Nết cũ không chừa, bà vẫn tiếp tục qua lại với người tình và chuyện lại đến tai Napoléon khi ông đang chỉ huy chiến dịch Ai Cập vào tháng 7 năm đó. Ông viết thư cho anh trai mình, bàn bạc về việc ly hôn, nhưng bức thư đó đã bị chặn lại và đăng trên các tờ báo ở London, trước sự hả hê của người Anh.
Kết thúc một cuộc tình
Chinh phục Ai Cập thành công, Napoléon trở lại Pháp vào tháng 10 năm 1799, giúp lật đổ Directoire và được trao quyền lực đứng đầu chính phủ với tư cách là Tổng tài thứ nhất.
Một tháng sau, Joséphine sau khi hứa sẽ chấm dứt mối tình với Charles, đã thuyết phục chồng hủy việc ly hôn. Tuy nhiên, kể từ đó, mối quan hệ của họ không bao giờ hàn gắn được nữa và Napoléon bắt đầu công khai các tình nhân của mình.
Mặc dù có nhiều phụ nữ khác bên cạnh, Napoléon dường như vẫn dành cho Joséphine một vị trí quan trọng trong trái tim của mình. “Những người tình không thu hút được cảm xúc của tôi… Tình nhân của tôi là quyền lực”, ông viết vào năm 1804, cùng năm hai vợ chồng lên ngôi Hoàng đế và Hoàng hậu của nước Pháp.
Tuy nhiên, không lâu trước lễ đăng quang, Joséphine phát hiện Napoléon trong phòng ngủ của người hầu gái Elisabeth de Vaudey, và các cuộc tranh cãi lại nổ ra. Napoléon quyết định ly hôn, lần này với lý do Joséphine không sinh được người kế vị ngai vàng.
Cuộc hôn nhân của ông với Joséphine kết thúc. Tại buổi lễ ly hôn vào ngày 15 tháng 12 năm 1809, cặp đôi đã đọc những lời bày tỏ sự tận tâm dành cho nhau, khẳng định tình yêu giữa họ. Sau khi ly dị, Napoléon tuyên bố Joséphine vẫn có quyền giữ lại danh hiệu Hoàng hậu.
Sau đó, Napoléon kết hôn với Marie – Louise, công chúa nước Áo vào ngày 11 tháng 3 năm 1810. Gần đúng một năm sau, hoàng hậu sinh ra người kế vị được chờ đợi từ lâu, Napoléon II.
Joséphine sống tại Lâu đài Malmaison, gần Paris, và vẫn giữ quan hệ tốt với chồng cũ. Napoléon biết tin bà qua đời vì bệnh viêm phổi vào tháng 5 năm 1814, lúc ông đang sống lưu vong lần đầu ở Elba.
Khi ông qua đời trong lần lưu vong cuối cùng ở St. Helena, người ta cho rằng những lời cuối cùng của ông là: “Nước Pháp, quân đội, người đứng đầu quân đội, Joséphine”.
Bất chấp nhiều cuộc tình, những cuộc tranh cãi gay gắt và cuộc ly hôn công khai, có vẻ như tình yêu giữa Napoléon và Joséphine vẫn luôn bền chặt.
Vào năm 2007, một bức thư của Napoléon viết cho vợ được bán đấu giá ở Anh với số tiền 276.000 bảng Anh. Trong bức thư có câu tỏ tình nổi tiếng của ông: “Ta gửi đến nàng ba nụ hôn: Một nụ hôn dành cho trái tim nàng, một nụ hôn dành cho bờ môi nàng và một nụ hôn dành cho đôi mắt nàng”.
Theo History-Theo giaoducthoidai.vn