Không biết phải làm gì tiếp theo, Vinay Hiremath cứ thế đi leo núi dù chưa từng có kinh nghiệm. Kết quả, anh suýt chết. Ở tuổi 34, Vinay đang muốn bắt đầu lại, xin vào một vị trí thực tập sinh cơ khí cho một công ty robot. “Trở nên tầm thường thì có gì sai trái?”, anh viết trên blog.
Những nhà tuyển dụng sinh viên thực tập cho các công ty robot ở Thung lũng Silicon hãy chú ý. Sắp tới, rất có thể họ sẽ nhận được thư xin việc của một chàng trai 9x, có ảnh đại diện ngăm đen điển hình của một người Mỹ gốc Ấn, người viết trong CV rằng anh từng khởi nghiệp ở tuổi 23, bán công ty trị giá 1 tỷ đô của mình ở tuổi 32, nhưng rồi từ bỏ vị trí giám đốc công nghệ với mức lương 60 triệu USD để giờ đi xin một công việc thực tập như sinh viên, trong một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Đó là Vinay Hiremath, nhà đồng sáng lập của ứng dụng chia sẻ video màn hình Loom, công ty từng được Forbes định giá hơn 1,5 tỷ USD trước thời điểm nó được bán cho Atlassian vào năm 2023.
“Tôi đã rời công ty với một đống tiền, hàng chục triệu đô la. Số tiền đủ để tiêu đời đời kiếp kiếp”, Vinay nói với người dẫn chương trình Sam Parr trong số mới nhất của podcast Moneywise. Nhưng cũng vì thế mà cuộc sống của anh bỗng trở nên mơ hồ và vô định. “Tôi giàu nhưng tôi không biết làm gì với cuộc đời của mình”, Vinay viết.
Dưới đây là những dòng tâm sự của vị triệu phú 9x trong bài blog có cùng tiêu đề, kể về hành trình dài mà anh đã trải qua sau khi bán Loom, chia tay bạn gái, đi vào rừng để mong lắng nghe được lời mách bảo của cây cối, suýt chết khi 2 lần leo núi Himalaya, bỏ việc ở Bộ Hiệu quả Chính phủ DOGE để ra đảo Hawaii học vật lý.
Vinay cho biết anh đã đưa phần lớn tài sản của mình cho bố mẹ và hiện đang không có nguồn thu nhập nào. Với những kiến thức vật lý của mình, anh hi vọng sẽ tìm được một công việc thực tập ở một công ty robot nào đó.
Vị trí mà Vinay muốn nhắm tới là thực tập kỹ sư cơ khí hoặc kỹ sư điện, những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và khác hẳn công việc liên quan đến phần mềm mà anh từng làm trong toàn bộ sự nghiệp. Đó là cách mà Vinay chọn để bắt đầu lại từ đầu, với hi vọng giải quyết được sự mơ hồ và bất an trong cuộc sống “thứ không” của mình.
Tôi giàu nhưng tôi không biết phải làm gì với cuộc sống của mình
Cuộc sống suốt năm qua với tôi như một màn sương mờ. Sau khi bán công ty, tôi thấy bản thân mình bị rơi vào một tình cảnh lạ lùng, tình cảnh không bao giờ phải làm việc nữa. Mọi thứ đều giống như một side quest [nhiệm vụ phụ trong trò chơi điện tử], nhưng không có gì là hứng thú. Tôi không còn cái ham muốn cơ bản thúc đẩy mình phải kiếm tiền hay khẳng định địa vị. Thay vào đó, tôi đột nhiên có được sự tự do vô hạn, nhưng lại chẳng biết phải làm gì với sự tự do vô hạn này. Thành thật mà nói, tôi chẳng mấy lạc quan về cuộc đời lúc này.
Tôi biết. Đây hẳn là thứ mà ta gặp phải trong một thế giới thứ không [zeroth-world, nơi có cấp độ phát triển và thịnh vượng cao hơn cả các quốc gia Phương Tây có nền kinh tế phát triển thuộc thế giới thứ nhất].
Nhưng mục đích bài viết này của tôi không phải để khoe khoang hay tìm kiếm sự đồng cảm. Thực ra tôi cũng chẳng rõ mục đích của nó là gì. Tôi đã cố gán một mục đích cho nó, nhưng làm thế tôi thấy mình thật giả tạo. Rồi tôi nhận ra một sự thật trớ trêu rằng mình đang cố tạo ra một ý nghĩa cho bài blog này, trong khi bản thân mình chẳng có mấy niềm tin và mục đích vào cuộc sống.
Cho nên, tôi cứ thẳng thắn kể về tình trạng hiện tại của mình, vì những lý do ích kỷ của riêng bản thân tôi thôi. Để ép bản thân phơi bày hết mức (và có phần vụng về) trước một biển người vô danh trên internet. Chẳng cần kỳ vọng gì từ việc này cả.
Đi vào rừng gỗ đỏ và từ bỏ 60 triệu USD
Tháng Ba năm ngoái, tôi chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình. Tôi biết rằng ở lại công ty mẹ đã mua lại công ty của tôi không phải là lựa chọn dành cho mình, vì những lý do điển hình của một tập đoàn lớn mà bạn có thể đoán ra (đầy rẫy chính trị, mọi thứ diễn ra chậm chạp, đồng nghiệp như những nhân vật NPC trong game thật vô hồn…).
Nhưng thành thực mà nói từ bỏ một gói lương trị giá 60 triệu USD ở đó lại là điều vô cùng khó khăn. Tôi đã kiếm được nhiều tiền đến mức tôi chẳng biết tiêu chúng thế nào, nhưng tâm trí con người ta vẫn sẽ làm những trò kỳ lạ khi bắt đầu nghĩ đến những con số khổng lồ như vậy.
Cho nên tôi quyết định đến với rừng gỗ đỏ để tìm câu trả lời.
Ngay 5 phút đầu tiên ở trong rừng gỗ đỏ, tôi đã thấy những tán cây như mỉm cười với mình, chúng thì thầm những triết lý đơn giản:
Tiền bạc có ý nghĩa gì nếu không phải để đổi lấy tự do?
Tài nguyên quý giá nhất của bạn là gì, nếu không phải thời gian?
Tôi quyết định sẽ rời đi để làm một điều gì đó. Bất cứ thứ gì. Để sống lại một lần nữa. Tôi chẳng có ý tưởng cụ thể nào cả. Nhưng tôi lại cố chấp muốn mọi người nghĩ rằng tôi đã tìm ra hết mọi thứ. Vì cái tôi. Vì nỗi sợ phải bước vào một vùng đất chưa biết. Khi bạn dành cả thập kỷ cho một thứ chiếm trọn cuộc sống của mình, thật khó để buông bỏ sự chắc chắn và mục đích mà bạn đã quen thuộc bấy lâu.
Robot, hay giai đoạn gượng mình “cố trở thành Elon”
Hai tuần ngay sau khi rời bỏ hành trình căng thẳng kéo dài 10 năm, tôi đã làm những việc mà bất kỳ người bình thường nào cũng làm. Cộng thêm đó là gặp gỡ hơn 70 nhà đầu tư và nhà sáng lập trong lĩnh vực robot. Tôi đã tìm hiểu về robot từ khá lâu và chắc mẩm rằng mình muốn lao đầu vào việc trang bị tay chân cho máy tính. Tôi đã nghĩ ra đủ mọi khẩu hiệu để tự huyễn hoặc bản thân rằng đây là “tiếng gọi của đời tôi”. Mọi thứ dường như “đều dẫn đến chính xác khoảnh khắc này”.
“Thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng!”
“Chúng ta phải giữ vững sức cạnh tranh với Trung Quốc!”
“Thị trường cho lao động lặp đi lặp lại có giá trị hàng nghìn tỷ đô la”.
Nhưng đến cuối hai tuần đó, tôi rời đi với cảm giác hụt hẫng và ngớ ngẩn. Tôi không muốn thành lập một công ty robot. Thứ duy nhất khiến tôi hứng thú là robot hình người. Và rồi tôi dần nhận ra, điều tôi thực sự muốn là trông giống Elon Musk – một ý nghĩ thật sự quá đỗi ngượng ngùng. Gõ những dòng này ra thôi cũng đã thấy đau lòng rồi.
Chia tay bạn gái và nhận ra mình thực sự rất bất an
Sau khi quyết định không thành lập công ty robot, tôi thấy mình như lạc lối. Chẳng còn định hướng nào cho tương lai. Tôi đã đi du lịch đến nhiều nơi tuyệt đẹp cùng bạn gái (giờ là người yêu cũ), người luôn yêu thương và ủng hộ mọi quyết định của tôi. Khoảng thời gian 6 tháng này có thể viết thành vài bài riêng biệt, nhưng kết quả của giai đoạn ấy là chẳng có gì, chẳng có vẻ gì là đúng đắn.
Chúng tôi bắt đầu cãi vã thường xuyên, và tôi biết lỗi không phải ở cô ấy. Lỗi là ở tôi. Tôi dần đối diện với những bất an ngày càng chồng chất mà tôi đã cố chôn vùi suốt vài năm qua. Tôi không cảm thấy mình có thể giải quyết chúng một khi còn ở bên cô ấy. Thế nên, sau gần 2 năm yêu thương vô điều kiện, tôi quyết định chia tay. Điều đó vô cùng đau đớn, nhưng là lựa chọn đúng đắn. Tôi cần phải một mình đối mặt với chính mình.
Đến lúc này tôi mới bắt đầu nhận ra rằng, khi Loom còn ở giai đoạn đầu, tôi đã cảm thấy rất bình an với vị trí của mình trong cuộc sống, và phần lớn điều đó đến từ lòng biết ơn sâu sắc với hành trình tôi đã trải qua. Tôi hạnh phúc với mọi thứ như vốn có. Quỹ đạo phát triển của công ty vượt xa những gì tôi từng mơ tới. Tôi vui vẻ. Tôi thấy bình an. Dù mọi thứ có sụp đổ vào ngày hôm sau, tôi vẫn sẽ ổn.
Nhưng rồi, khi công ty tiếp tục vươn lên những đỉnh cao mới, tôi bắt đầu tự đặt kỳ vọng lớn hơn cho bản thân, và những người khác cũng bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn ở tôi. Khi chúng tôi trải qua đợt sa thải đầu tiên, công ty – nơi cái tôi của tôi bám víu – chịu một cú đánh mạnh, và tôi đã lạc mất chính mình. Toàn bộ chương này của Loom đã tạo ra một mạng lưới phức tạp của những bất an nội tại mà giờ đây tôi phải nỗ lực gỡ rối để tự giải thoát bản thân mình.
(Nếu người yêu cũ của tôi đọc được những dòng này: Cảm ơn em vì tất cả. Anh xin lỗi vì không thể trở thành người mà em muốn anh trở thành).
Chinh phục những đỉnh núi trên Himalaya, nhớ lại những khó khăn từng trải qua
Sau khi chia tay bạn gái, tôi đã làm điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng sẽ làm: giải tỏa cảm xúc bằng cách leo lên một đỉnh núi 6.800 mét ở dãy Himalaya, dù chẳng có chút kinh nghiệm hay huấn luyện leo núi nào.
Trên những đoạn đường đầu tiên mà tôi chỉ việc đi bộ vào thung lũng, tôi đã nghĩ ý tưởng này thật là tuyệt. Nhưng đó là trước khi chứng say độ cao, cái lạnh và viêm phế quản mạn tính bắt đầu hành hạ tôi. Mãi đến khi mọi người tôi gặp trên đường đều hỏi tôi đã tập luyện bao lâu, tôi mới dần nhận ra việc mình đang làm điên rồ đến mức nào.
Không cần nói cũng biết, hành trình ấy có những đoạn gập ghềnh. Tôi bị thiếu oxy nghiêm trọng trên một đỉnh núi và phải tụt xuống các vách đá trong trạng thái đầu óc quay cuồng. Cuối cùng, tôi vẫn vượt qua, hoàn thành được 2 đỉnh như kế hoạch, và tìm lại được cái cảm giác chinh phục những thử thách khó khăn như tôi vẫn từng lại.
Nó là nhịp đập cuộc sống của tôi, và tôi không hoàn toàn hiểu 100% tại sao, nhưng có lẽ điều đó liên quan đến tuổi thơ không mấy êm đẹp của tôi.
Khi trở về nhà và kể lại những câu chuyện chinh phục núi non cho bạn bè, một người bạn đùa rằng tôi nên làm việc cho Elon và Vivek ở Bộ Hiệu suất Chính phủ DOGE để giúp nước Mỹ thoát khỏi cú lao dốc hiện tại, tránh vỡ nợ. Thế là tôi liên lạc với vài người và được nhận vào làm. Sau 8 cuộc gọi với những người nói nhanh như gió và nghe có vẻ thông minh kiểu tự kỷ, tôi được thêm vào một loạt nhóm chat Signal và lập tức bắt tay vào việc.
Làm việc cho DOGE 4 tuần, tìm lại được sức mạnh của sự khẩn trương
Chỉ trong 2 phút nói chuyện với người phỏng vấn cuối cùng của DOGE, anh ta hỏi tôi có muốn tham gia không. Tôi trả lời “có”. Anh ta nói “tuyệt” và ngay lập tức tôi được thêm vào hàng loạt nhóm Signal. Tôi nhanh chóng làm quen với đội ngũ phần mềm, nhân sự và pháp lý, rồi lao từ 0 lên 100 với các cuộc họp và giải quyết đủ loại công việc. Đó là ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Bốn tuần tiếp theo của cuộc đời tôi tràn ngập hàng trăm cuộc gọi để chiêu mộ những người thông minh nhất mà tôi từng trò chuyện, làm việc trên các dự án mà tôi chắc chắn không thể tiết lộ, và khám phá ra chính phủ rối loạn đến mức nào. Thật sự là một trải nghiệm bùng nổ.
Tôi học được sức mạnh của sự khẩn trương và việc có một sứ mệnh không thể chối từ. Không phải qua sách vở, mà qua chính trải nghiệm của mình. Tôi nhận ra giai đoạn robot của mình trước đây thật nực cười so với điều này. Và tôi bắt đầu hiểu rằng, dù sứ mệnh của DOGE cực kỳ quan trọng, nó không phải là thứ quan trọng nhất mà tôi cần tập trung với sự khẩn trương cho bản thân.
Tôi cần trở lại với sự mơ hồ, đối diện với những bất an của mình, và chấp nhận điều đó trong một thời gian. DOGE không thể giải quyết chuyện đó cho tôi.
Vậy nên, sau 4 tuần căng thẳng và say mê, tôi hủy kế hoạch chuyển đến DC để bắt đầu hành trình cứu chính phủ cùng những người thông minh nhất tôi từng gặp. Thay vào đó, tôi đặt một vé một chiều đến Hawaii.
Học vật lý, tập trung vào sự bất an của chính mình
Giờ thì tôi đang ở Hawaii. Tôi học vật lý. Tại sao ư? Lý do tôi tự nhủ là để xây dựng nền tảng từ những nguyên lý cơ bản, để rồi tôi có thể bắt đầu một công ty sản xuất ra những thành phẩm thực tế trong thế giới này.
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng tôi đang học cách chấp nhận rằng mình hạnh phúc khi học vật lý. Đó là mục tiêu tự thân của nó. Nếu nó chẳng dẫn đến đâu, cũng chẳng sao. Nếu điều này có nghĩa tôi sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì hoành tráng như Loom, thì cứ vậy đi.
Đã quá lâu rồi tôi không hoàn toàn chân thật và sống thật với chính mình, nên giờ tôi sẽ tự khiêm tốn một chút với mọi thứ tôi nói và làm. Đó là điều duy nhất khiến tôi thấy chân thật.
Dẫu vậy, vẫn còn vài câu hỏi chưa có lời đáp.
Tại sao tôi phải làm mọi thứ đến mức cực đoan để đến được điểm này?
Tại sao tôi không thể chỉ rời Loom và nói “Tôi không biết mình muốn làm gì tiếp theo”?
Tại sao tôi lại cảm thấy chỉ đáng sống trong một cuộc đời vĩ đại?
Có gì sai khi trở nên tầm thường hay không?
Tại sao khiến người khác thất vọng về mình lại khó khăn đến vậy?
Tôi không biết. Nhưng tôi sẽ tìm ra mọi câu trả lời.
Vinay Hiremath, sinh năm 1991, là một doanh nhân khởi nghiệp người Mỹ gốc Ấn. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình như một kỹ sư phần mềm tại Backplane, một công ty khởi nghiệp từng nhận rất nhiều tài trợ ở Thung lũng Silicon, tập trung vào việc tạo ra các cộng đồng trực tuyến.
Tại Backplane, Vinay đã gặp Shahed Khan, một thực tập sinh sau này trở thành người đồng sáng lập với anh tại Loom.
Năm 2015, bộ đôi cùng với Joe Thomas thành lập công ty, Loom, cung cấp giải pháp quay lại màn hình làm việc và khuôn mặt người dùng cùng lúc trên thiết bị, lưu trữ video trên đám mây và chia sẻ liên kết để những người khác có thể xem được nó.
Ứng dụng phục vụ đắc lực cho các cuộc họp, buổi thuyết trình và công việc, cuối cùng đã thu hút 14 triệu người dùng, hơn 200.000 doanh nghiệp tại 230 quốc gia trên thế giới.
Loom được Forbes định giá 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Nhưng sau đó một năm, Vinay đã quyết định bán công ty cho Atlassian, một tập đoàn truyền thông đa quốc gia có trụ sở tại Úc.
Sau khi bán công ty, Vinay tiết lộ mình đã nhận được khoảng tài sản trị giá 60 triệu USD. Cùng với đó là một lời mời cho vị trí giám đốc công nghệ (CTO) tại Atlassian, công ty mẹ đã mua lại Loom với gói lương 60 triệu USD nữa.
Nhưng sau một chuyến đi vào rừng gỗ đỏ và nghe những lời mách bảo của cây cối, anh đã từ chối.
Vinay cho biết anh đã đưa tiền cho bố mẹ mình, những người “từng bò ra khỏi một con mương ở Ấn Độ để giúp tôi và chị gái có được cuộc sống như ngày hôm nay”. Sau đó, cuộc sống của anh bỗng trở nên vô định trước khi có được ý tưởng cho một khởi đầu mới.
“Tôi đã học một chút vật lý. Có khả năng tôi sẽ đi gõ cửa xin việc… phỏng vấn tại một vài công ty khởi nghiệp khác nhau … như một vài công ty robot để thực tập với tư cách là kỹ sư cơ khí, rồi sau đó tôi muốn thực tập cho vị trí kỹ sư điện”, Vinay nói. “Tôi thực sự không biết mình sẽ làm gì với điều này. Tôi thực sự không có ý tưởng nào cả… Nhưng tôi sẽ bắt đầu lại như một thực tập sinh”.
Theo Thanh Long-Theo Thanh Niên Việt