Từng tự tin khi được so sánh với Elon Musk, vị đại gia nổi tiếng giờ đây phải vật lộn để duy trì dòng vốn cho đế chế của mình.
Năm 2021 là giai đoạn hoàng kim của Richard Branson, nhà sáng lập hãng hàng không Virgin Blue nổi tiếng.
Vị tỷ phú này đã bắt chước Elon Musk khi đổ tiền cho Virgin Galactic để phóng tàu vũ trụ vào không gian, tham vọng đi tiên phong cho mảng kinh doanh hàng không vũ trụ của mình. Nhờ những vụ phóng thử đưa người vào du lịch rìa không gian mà giá cổ phiếu Galactic đã phi mã.
Nhờ đó tổng tài sản của Branson đã tăng lên mức đỉnh 8 tỷ USD, thế nhưng mọi chuyện chẳng còn suôn sẻ từ đó.
Phần lớn số tài sản tăng giá của Branson là phụ thuộc vào cổ phiếu mà cụ thể là khoảng gần 2 tỷ USD theo ước tính của tờ Fortune. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà đầu tư đã đốt tiền “đánh cược” vào những startup công nghệ như Galactic của Branson với kỳ vọng chúng sẽ tăng giá mạnh sau này.
Thế nhưng khi công ty non trẻ của Branson gặp rắc rối và không thể tiên phong trong mảng du lịch không gian như đã cam kết, cổ phiếu nhanh chóng mất giá và biến số tài sản ảo của nhà sáng lập Virgin Blue thành bong bóng.
Vật lộn để tồn tại
Theo Fortune, sự sụt giảm nghiêm trọng của các cổ phiếu liên quan đến Branson đã làm bốc hơi 95% số tiền 2 tỷ USD của đại gia này. Khi Nationwide Building Society tuyên bố tiếp quản toàn bộ Virgin Money UK Plc, các nhà đầu tư đều dự đoán rằng hầu như toàn bộ tài sản dưới dạng cổ phiếu công khai của Branson tại đây sẽ biến mất.
Do lượng cổ phiếu nắm giữ sụt giảm nên theo ước tính của Fortune, tổng giá trị tài sản ròng của Branson đã mất một nửa kể từ giữa năm 2022 xuống chỉ còn khoảng 3 tỷ USD, tương đương gần 75 nghìn tỷ đồng.
Ngoài số cổ phần trị giá 413 triệu Bảng Anh, tương đương 520 triệu USD tại Virgin Money dựa trên các điều khoản trong đề nghị của Nationwide, số cổ phần được giao dịch công khai của Branson hiện còn chưa đến 75 triệu USD.
“Thật khó khăn. Đế chế của Branson đã có một cú sốc lớn”, giám đốc Claire Madden của hãng Connection Capital tại London nhận định.
Tài sản dưới dạng chứng khoán suy giảm khiến vị tỷ phú nhà Virgin Blue bị hạn chế các lựa chọn trong huy động vốn. Điều tồi tệ hơn là hãng bay giá rẻ này cùng nhiều mảng kinh doanh khác của Branson vẫn đang phải vật lộn để phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Tình trạng thiếu vốn đã khiến tỷ phú Branson, hiện 73 tuổi, buộc phải cầm cố cổ phiếu để lấy tiền bơm cho các mảng kinh doanh khác, thế nhưng do giá chứng khoán đi xuống nên việc vay nợ này chẳng khác gì bán tháo tài sản.
Trong năm 2020-2021, tỷ phú Branson đã bán hơn 1 tỷ USD cổ phiếu của Virgin Galactic và qua đó đủ vốn để bơm 1,2 tỷ Bảng Anh giải cứu hãng hàng không Virgin Atlantic, một mảng kinh doanh trong đế chế của vị tỷ phú này.
Ngoài ra, tập đoàn Virgin Group của Branson cũng đã bơm 50 triệu Bảng Anh cho một chuỗi phòng gym nằm trong đế chế kinh doanh này nhằm thúc đẩy sự phục hồi hoạt động của dự án hậu đại dịch.
Lên voi xuống hố
Năm 2021, tổng giá trị tài sản của Branson đạt đỉnh 8 tỷ USD nhờ lãi suất thấp kỷ lục đã thúc đẩy các thị trường đầu tư lên giá. Cổ phiếu của Virgin Galactic đã tăng gần 400% trong khoảng thời gian này và chiếm đến gần một nửa tổng giá trị tài sản ròng của Branson.
Tuy nhiên kể từ đó đến nay, cổ phiếu của Galactic đã giảm khoảng 98% so với mức đỉnh do kết quả tài chính không như kỳ vọng cũng như các vấn đề liên quan đến khâu tổ chức chuyến bay. Sự sụt giảm này khiến hàng loạt công ty niêm yết có liên quan đến Branson đều đi xuống.
Thậm chí, hãng dịch vụ vệ tinh Virgin Orbit Holdings còn rơi vào tình trạng phá sản năm 2023, tức chỉ chưa đầy 18 tháng sau khi hoàn tất việc sáp nhập với NextGen Acquisition Corp II. Cổ phiếu của công ty thử nghiệm di truyền 23andMe Holding và công ty thương mại điện tử Grove Collaborative Holdings cũng đã giảm hơn 90% kể từ khi sáp nhập vào đế chế Virgin Group năm 2022.
Theo Fortune, sự mạo hiểm của Branson đến từ những thành công trước đó khiến đại gia này sẵn sàng chơi liều.
Sau khi thành lập Virgin Money vào năm 1995, tỷ phú Branson đã đầu tư mạo hiểm nhiều hơn. Năm 2011, vị đại gia này dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư chi tới 747 triệu Bảng để mua lại công ty tài chính Northern Rock từ tay chính phủ Anh sau khi doanh nghiệp này phá sản vì khủng hoảng.
Chỉ 7 năm sau đó, Branson đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư 50 triệu Bảng ban đầu góp vốn trong thương vụ trên khi ngân hàng Clydesdale đồng ý mua lại Virgin Money với giá 1,7 tỷ Bảng để trở thành công ty cho vay lớn thứ sáu tại Anh.
Hiện Branson vẫn giữ lại khoảng 13% số cổ phần doanh nghiệp sau sáp nhập.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho thử thách mới”, tỷ phú Branson từng hùng hồn tuyên bố sau những thương vụ mạo hiểm của mình, thế nhưng có lẽ lần này vận may đã không mỉm cười với ông.
Theo Fortune, nhiều mảng tài sản khác đang phải “gánh” những khoản đầu tư thua lỗ cho Branson.
Ví dụ Virgin Group sở hữu một khách sạn 5 sao tại Mallorca, nơi giá bất động sản đang tăng vọt và có thể trở thành nguồn tiền mới hỗ trợ kinh doanh cho Branson.
*Nguồn: Fortune-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ