Ông Mai Văn Quốc, nông dân nuôi tôm-lúa ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã áp dụng giải pháp ngâm ủ lúa mọc mộng (lúa mọc mầm) làm thức ăn bổ sung cho tôm nuôi, mang lại kết quả hết sức khả quan và được ngành chuyên môn đánh giá cao, khuyến cáo nông dân áp dụng.
canh trong ruộng lúa đang được bà con nông dân vùng sản xuất lúa – tôm trên địa bàn huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) nhân rộng.
Ðể giúp tôm nuôi phát triển tốt, thu hoạch đạt năng suất cao và tiết kiệm chi phí sản xuất, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã áp dụng giải pháp ngâm ủ lúa mộng (lúa mọc mầm) làm thức ăn bổ sung cho tôm nuôi, mang lại kết quả hết sức khả quan và được ngành chuyên môn đánh giá cao, khuyến cáo nông dân áp dụng.
Cách nay khoảng 5 năm, ông Mai Văn Quốc tình cờ phát hiện lúa mọc mộng là nguồn thức ăn khoái khẩu đối với các đối tượng thuỷ sản, trong đó có tôm càng xanh, tôm sú và cua nuôi.
Theo lời ông kể, trước đó, trong quá trình gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm, không may gặp mưa lớn kéo dài làm cho ruộng lúa – tôm sau khi gieo sạ bị ngập úng cục bộ.
Sau nhiều ngày bơm tát cạn nước, lúa mộng bị tôm ăn gần như hoàn toàn. Nhận thấy điều này, ông tiến hành thử nghiệm dùng lúa mọc mộng (lúa mọc mầm) làm thức ăn bổ sung cho tôm càng xanh, kết quả mang lại hết sức khả quan, tôm nuôi nhanh lớn, tỷ lệ đạt đầu con cao và năng suất cải thiện hơn so với trước đây.
Từ đó đến nay, ông Quốc duy trì giải pháp ngâm ủ lúa mộng làm thức ăn bổ sung cho tôm càng xanh, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng tôm nuôi, tiết kiệm chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), cho biết: “Khi hạt lúa nảy mầm, có rất nhiều chất dinh dưỡng, tôm càng rất thích.
Ðây là một trong những giải pháp giúp nông dân tự tạo nguồn thức ăn tự nhiên bổ sung cho tôm nuôi, với giá thành thấp, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Qua đây, khuyến cáo bà con vùng sản xuất lúa – tôm kết hợp, khi áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, có thể ngâm ủ lúa mộng làm thức ăn bổ sung cho tôm”.
Cái hay của giải pháp nói trên là khi đưa vào vuông tôm trong điều kiện môi trường nước ngọt thì lúa mộng tiếp tục phát triển, tôm càng xanh có thể sử dụng liên tục trong nhiều ngày, không phải lo ngại ô nhiễm môi trường như thức ăn công nghiệp bị dư thừa.
Thêm nữa, về mặt chi phí, giá thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi được bán trên thị trường từ 35-40 ngàn đồng/kg; còn áp dụng giải pháp ngâm ủ lúa mộng làm thức ăn cho tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa thì chỉ với 7-8 ngàn đồng/kg lúa sẽ tạo ra hơn 1 kg lúa mộng, tiết kiệm chi phí rất nhiều.
Không dừng lại đó, ông Mai Văn Quốc còn ngâm ủ lúa mộng làm thức ăn cho tôm sú quảng canh cải tiến, cải tiến 2 giai đoạn và thức ăn cho cua nuôi.
Ngoài thành phần dinh dưỡng protein có sẵn trong tinh bột hạt lúa, trong quá trình ngâm ủ lúa mộng, hạt lúa chuyển hoá còn tạo ra hàm lượng kali và canxi, giúp các đối tượng nuôi phát triển.
Trong điều kiện giá thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm trên thị trường thường xuyên ở mức cao, việc ngâm ủ lúa mộng làm thức ăn bổ sung cho tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa, tôm sú quảng canh cải tiến, cải tiến 2 giai đoạn và cua trở thành giải pháp canh tác thông minh và sáng tạo, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Việt Huỳnh (Báo Cà Mau)