Trước khi “gây bão” trong phiên live của TikToker Hằng Du Mục, Nguyễn Thái Huyền vốn được chú ý nhờ “bỏ phố về quê” dựng nên cơ nghiệp với trái sầu riêng, nỗ lực vươn lên dù từng 2 lần vỡ nợ, trải qua nhiều bi kịch. Cô từng đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài chỉ sau 6 tháng vào làm việc.
Phiên livestream bán nông sản hôm 7/7 vừa qua của TikToker Hằng Du Mục đang là chủ đề được đông đảo cộng đồng mạng quan tâm. Sau khi gây ấn tượng với thành tích bán hết 12 tấn sầu riêng chỉ trong 5 phút, phiên live lại “gây bão” khi nhiều người kêu gọi nhau hủy đơn. Nguyên nhân đến từ một đại diện nhà vườn có mặt trong phiên live là Nguyễn Thái Huyền, hay còn được biết đến với tên “O Huyền Sầu Riêng”.
Cụ thể, O Huyền nhận về nhiều lời phàn nàn trên mạng xã hội vì nói quá nhiều, lấn lướt cả chủ kênh là Hằng Du Mục, đồng thời buông những lời “kém duyên” với Quang Linh Vlog – người đồng hành với Hằng Du Mục trong phiên live, khiến anh khó xử.
Đơn vị cung ứng sầu riêng cho phiên live là FoodMap Asia, một công ty công nghệ nông nghiệp chuyên thu mua, quảng bá và đưa hàng hóa từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng. Founder FoodMap Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết O Huyền là đại diện một trong số các nhà vườn tại Đắk Lắk cung cấp sầu riêng cho phiên livestream.
“Tại các phiên livestream nông sản tương tự, FoodMap Asia cũng mời nhà vườn hoặc người địa phương lên để tương tác với người dùng“, anh giải thích.
Bản thân O Huyền cũng là một TikToker với kênh TikTok hơn 104.000 người theo dõi. Nội dung kênh xoay quanh những kinh nghiệm trồng sầu riêng, hầu hết mỗi video đều thu hút hơn 100.000 lượt xem, thậm chí có video lên tới gần 1 triệu.
Nguyễn Thái Huyền sinh năm 1988 tại Hà Tĩnh. Do lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, Huyền quyết tâm học lên cao để thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và văn bằng 2 Luật thương mại, Huyền tới làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, chỉ sau 6 tháng đã lên vị trí Phó Giám đốc kinh doanh phụ trách thu mua đầu vào nguyên liệu.
“Đây cũng là cơ duyên để mình bén duyên với mảng xuất nhập khẩu sầu riêng“, Huyền cho biết.
Mặc dù đang trên đà phát triển sự nghiệp, Huyền quyết định chuyển hướng ra kinh doanh riêng, nhưng thất bại.
“Khi thành công đến quá nhanh, cộng thêm sự hiếu thắng của tuổi trẻ, mình đã ngủ quên trên chiến thắng. Tất nhiên điều gì đến cũng phải đến, mình vỡ nợ. Lúc này mình 24 tuổi, mất phương hướng và trầm cảm một thời gian khá dài“, Huyền chia sẻ với Tạp chí Đời sống & Pháp luật.
Nhờ sự động viên của gia đình, Huyền về Bình Phước làm rẫy cùng bố mẹ và xin vào biên chế nhà nước làm cho ổn định. Dưới áp lực cơm áo gạo tiền vì phải chăm lo cho gia đình, cô quyết tâm bắt đầu lại bằng việc xây dựng thương hiệu sầu riêng chín rụng tự nhiên từ mảnh đất Bình Phước, chấp nhận vay lãi cao để làm ăn. Để đảm bảo chất lượng nguồn hàng, Huyền trực tiếp làm kĩ thuật vùng nguyên liệu và trực tiếp bán.
Thời điểm năm 2017-2018, thành công lại đến với Huyền khi cô mở một chuỗi cửa hàng chuyên về sầu riêng tại Hà Nội. Mảng xuất khẩu cũng tiến triển tốt với những đơn hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cố lại xảy ra khi các lô hàng bị kẹt ở cửa khẩu, giá sập liên tục, được lô nào sang được chợ thì lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu nấm… Trong khi đó, chuỗi sầu riêng ở Hà Nội bị bỏ bê. Hậu quả là Huyền vỡ nợ lần thứ hai.
Nhận ra bản thân còn thiếu ở năng lực quản lý và tầm nhìn, lần này Huyền tới Sài Gòn mưu sinh bằng việc bán sầu riêng và học tiếp MBA.
“Ban ngày đi học, buổi tối bán sầu riêng để đảm bảo cuộc sống của 2 mẹ con, vừa học, vừa gồng lãi, vừa trả nợ, nhiều lúc tưởng chừng như gục ngã, bỏ cuộc… Nhưng bằng một sức mạnh vô hình nào đó, mình bây giờ luôn thầm biết ơn nhưng năm tháng đó đã rèn dũa thành một O Huyền của ngày hôm nay“, cô chia sẻ trên báo Dân Việt hồi tháng 5/2024.
Sau 2 lần vỡ nợ, Huyền quyết định làm lại từ đầu một lần nữa, “bỏ phố về rừng” và chọn Đắk Lắk để lập nghiệp. Cô xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất và phụ gia để chăm bón và thúc đẩy trái chín, mà dùng phân hữu cơ và bố trí hệ sinh thái cân bằng trong vườn cây. Để sản phẩm chất lượng hơn, cô cũng sang các nước bạn như Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm canh tác.
“Khí hậu và thổ nhưỡng Đắk Lắk rất thích hợp để cây sầu riêng phát triển, cho trái tốt, nên từ mảnh vườn nhỏ vài nghìn mét vuông mình đã mở rộng lên 1 ha, 2 ha rồi đến hàng chục ha như hiện tại“, Huyền chia sẻ.
Dựa vào kinh nghiệm trước đây, cùng với mong muốn cho bà con thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, Huyền thành lập công ty xuất nhập khẩu HTN Agrigreen hồi tháng 8/2022, hỗ trợ nông dân trong vùng kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Sầu riêng Đắk Lắk cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá luôn ổn định ở mức cao, góp phần cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Sau đó mỗi đợt vụ, công ty của Huyền thu mua hàng nghìn tấn sầu riêng, giao đi trăm container, đưa sầu riêng Việt tới tay người tiêu dùng thị trường quốc tế.
Minh Anh-Theo An ninh Tiền tệ