Thương hiệu chả ống tre Cocimo, anh Trương Thanh Hiên dịch lại là “Có chi mô”, một cách nói của người xứ Quảng. Ngày đầu khởi nghiệp, không ai biết chả ống tre là gì, anh nghĩ đằng nào cũng nợ cả đống rồi, nên cứ mỗi đại lý tặng luôn 15 ký, dặn họ phải tổ chức mời bạn bè về ăn nhậu…
Từng giữ một vị trí lãnh đạo cấp trung của một tập đoàn lớn bên Lào, có tài xế, phiên dịch riêng, anh Trương Thanh Hiên (sinh năm 1986) quyết định khởi nghiệp.
Founder chả ống tre Cocimo tâm sự, trước khi khởi nghiệp startup này, anh lên Google tìm thử xem Việt Nam mạnh gì với quan niệm, chỉ cần mình thành công, giá trị mang lại cho Việt Nam cũng sẽ tăng theo.
Anh tìm ra 4 keyword: May mặc, gỗ, con tôm và cây tre.
Anh bắt đầu với gỗ vì mang lời nhiều, nhưng sớm từ bỏ vì không tìm thấy giá trị tăng thêm. May mặc thì anh thấy gần như nguyên liệu vải đều nhập hết, vậy giá trị mang lại đâu có ở Việt Nam? Anh lại thôi. Chỉ còn 2 keyword “con tôm” và “cây tre”.
Khởi nghiệp món “không ai biết là gì”, tiếp cận thị trường bằng cách tặng mỗi đại lý 15 ký ăn nhậu
Sinh ra ở Quảng Nam – nổi tiếng với bê thui Cầu Mống, lập nghiệp ở Đà Nẵng – vùng đất của chả bò, anh Hiên mày mò với những món đầu tiên là chả bê ống tre, chả bò ống tre, rồi chả tôm.
“Thời gian đầu đưa sản phẩm ra thị trường, không ai biết chả ống tre là gì đâu, cũng không biết chả tôm là gì, không ai chịu ăn”, anh Hiên chia sẻ tại “Diễn đàn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo miền Trung” mới đây.
“Thôi, đằng nào khởi nghiệp cũng nợ rồi”, anh Hiên tặc lưỡi. Anh lựa chọn tiếp cận thị trường bằng cách cứ mỗi đại lý tặng 15 ký, với điều kiện “anh cứ mời bạn bè từ 15 – 20 người về tổ chức ăn nhậu là em tặng”.
“Đằng nào cũng nợ rồi mà. Việc tặng này kèm điều kiện họ phải tổ chức mời bạn bè dùng thử. Cứ mỗi đại lý lại tặng 15 ký, thế là tôi tiếp cận thị trường được nhanh”, anh Hiên thẳng thắn.
Tên thương hiệu Cocimo, anh Trương Thanh Hiên dịch lại là “Có chi mô”, một cách nói của người xứ Quảng. Ngoài cửa hàng bán lẻ tại Đà Nẵng, Cocimo có cơ sở phân phối tại TPHCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
“Sau này nếu có ai đó mua lại thương hiệu chả ống tre của tôi và đưa sang thị trường nước ngoài thì hình ảnh về cây tre, biểu tượng của Việt Nam sẽ đi xa hơn nữa”, anh Hiên chia sẻ với Người Lao động.
Đặc tính của Founders miền Trung: Máu và lì!
“Người miền Trung có tinh thần cầu tiến và học hỏi vô cùng mãnh liệt”, Shark Lê Hùng Anh – Chủ tịch BIN Corporation Group – nhìn nhận.
Là người con Quảng Nam, Shark Hùng Anh đúc rút điểm mạnh của các nhà khởi nghiệp miền Trung là rất “máu” và “lì”. Tuy nhiên, rào cản ở khu vực này là thị trường nhỏ và mức tiêu dùng của khách hàng không cao như thành phố lớn.
“Cái khó khăn nhất là thị trường. Cho nên tôi hay khuyên các bạn khởi nghiệp miền Trung là phải vào thị trường lớn làm trước, trước khi vào thị trường nhỏ”.
“Làm thị trường nhỏ không thấm vào đâu, không kiểm tra được quy mô thị trường. Cho nên làm gì thì làm, sản phẩm thấy ổn thì mạnh dạn đưa vào thị trường lớn để khai phá nội lực bản thân”, Shark Hùng Anh nhắn nhủ.
Làm việc cùng hơn 4.000 startup, bà Lê Hạnh – Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam – chia sẻ thêm startup miền Trung có tính chịu thương chịu khó và rất yêu quê hương, có xu hướng khởi nghiệp với sản vật địa phương.
Nhìn lại sau 6 mùa phát sóng, bà Hạnh tổng kết bí quyết khởi nghiệp cho các startup trẻ là “mượn”. Bà khẳng định tuổi trẻ, ý tưởng, hoài bão, khát vọng chính là giá trị của các startup và các nhà khởi nghiệp trẻ hãy mạnh dạn, tự tin “mượn” các nguồn lực của xã hội để tiến nhanh hơn.
Bảo Bảo-Theo Đời sống Pháp luật