Trong một cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam năm 2006, ông IL Houng Lee, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam lúc bấy giờ đã thử làm một phép tính đơn thuần về mặt toán học, với ẩn số là số năm Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển hơn trong khu vực về GDP đầu người như Singapore, Thái Lan, Indonesia… Kết quả cho ra rằng, Việt Nam có thể mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore.
Con số 197 năm mà Việt nam cần để đuổi kịp Singapore, được đưa ra vào thời điểm đó, không khỏi khiến nhiều người bất ngờ.
Khi trao đổi với ông IL Houng Lee, phóng viên trích dẫn dự báo của một số nhà nghiên cứu: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2005 đạt trên 600 USD (theo IMF chỉ là 552 USD). Một số nhà nghiên cứu Việt Nam đặt giả thiết, nếu các nước giàu có hơn ở ASEAN ngừng phát triển, Việt Nam sẽ mất khoảng 5 năm để đuổi kịp Indonesia và Philippines, 20 năm với Thái Lan, 24 năm với Malaysia, 38 năm với Brunei và 40 năm với Singapore.
Ông IL Houng Lee cho rằng, những phân tích đó là rất đáng quan tâm và có thể phản ánh một cách gần chính xác độ chênh lệch thực sự trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên chúng cũng có thể không phản ánh mức độ chênh lệch thực sự về phát triển giữa các nền kinh tế.
Còn nếu dựa trên giả thiết rằng tất cả các nước giữ được tỷ lệ phát triển trung bình như trong 10 năm qua, thì thời gian để Việt Nam đuổi kịp các nước có phần lâu hơn.
“Ví như Việt Nam có thể mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore. Khoảng cách với Singapore lớn như vậy vì tốc độ phát triển của nước này cũng rất nhanh trong 10 năm qua” – ông IL Houng Lee nói. Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 7 trong 10 nước thành viên ASEAN về mức thu nhập, sự phát triển kinh tế.
Nếu như vẫn tính toán theo công thức này, thì các con số đã thay đổi ra sao ở thời điểm hiện tại?
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt 3.743 USD (theo IMF). Nếu đặt giả thiết, các nước có GDP bình quân hơn ở ASEAN ngừng phát triển, Việt Nam sẽ mất khoảng 3 năm để đuổi kịp Indonesia, 13 năm với Thái Lan, 19 năm với Malaysia và 50 năm với Singapore.
Còn nếu dựa trên giả thiết rằng, tất cả các nước được đề cập ở trên giữ được tỷ lệ phát triển trung bình như trong 10 năm qua (tính giai đoạn 2012-2021), thì Việt Nam có thể mất 8 năm để đuổi kịp Indonesia, 22 năm với Thái Lan, 56 năm với Malaysia và 102 năm với Singapore.
GDP bình quân đầu người năm 2021 theo IMF: Việt Nam 3.743 USD, Indonesia 4.224 USD; Thái Lan 7.808 USD; Malaysia 11.124 USD; Singapore 66.263 USD.
Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines (3.492 USD).
Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2012-2021: Việt Nam 5,92%; Indonesia 4,29%; Thái Lan 2,3%; Malaysia 3,86%; Singapore 2,96%.
Tuy nhiên, ông IL Houng Lee và các chuyên gia IMF cũng giải thích rằng, khoảng thời gian trên là kết quả của những tính toán đơn thuần về mặt cơ học. Nó có thể không phản ánh đúng sự chênh lệch thực sự giữa kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực.
Hồi tháng 2/2022, tờ Business Times (Singapore) nhận định trong bài viết “Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới – Roar of a new Asian tiger”, nói về Việt Nam: “Từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nền kinh tế của quốc gia này (Việt Nam – PV) hiện đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á”.
Theo Thái Quỳnh–Theo Nhịp Sống Kinh tế