Giữa tâm bão bị cáo buộc nhập khẩu hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt của Asanzo, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế doanh nghiệp được làm những điều pháp luật không cấm.
Vậy lối thoát nào cho doanh nghiệp này? Chia sẻ với DĐDN, chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang nhận định, sự thật là vẫn có những khe hở hay “bất cập” trong hành lang pháp lý hiện tại.
PV: Việc thiếu quy định rõ ràng về “Made in Vietnam” gây tác động thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp, thưa ông?
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa đều phải ghi nhãn cho hàng hóa (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng.
Thực tế là “theo mục tiêu quản lý nhà nước đặc thù của các bộ ngành, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam”.
Và liệu có một quy định hay công thức cho “made in Vietnam” hay không? Xin thưa rằng không. Bởi thế giới đã trải qua hiện trạng này và thế giới đã trải qua một cuộc cách mạng, đó là xuất xứ của thương hiệu. Thực tế vai trò của thương hiệu đã thay thế vai trò của sản phẩm hay sản xuất vì không còn mang ý nghĩa trong thời đại hội nhập, toàn cầu hoá, phân công lao động, hay chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
PV: Vậy với trường hợp của Asanzo sẽ được hiểu như thế nào, thưa ông?
Hãy nhìn rộng hơn đi. Từ Vietronic, Mitsustar, Funiki, VTB… hàng loạt thương hiệu Việt ngành điện tử từng sinh ra rồi chết yểu. Nay chúng ta có Smarthome, B-phone, Vsmart, Mobiistar và Asanzo… xét toàn cục, đất nước chúng ta cần những thương hiệu do doanh nhân Việt gây dựng và sở hữu.
Asanzo có một số sai luật như thay nhãn của linh kiện “made in China” sang “made in Vietnam”. Sai thì phạt, nhưng không thể có “mệnh lệnh” triệt tiêu một thương hiệu. Ngay khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì thương hiệu vẫn có giá trị… Nhà nước có thể mua lại “zero đồng, nhưng không phải giá trị thương hiệu bằng “0”. Ngay như Khaisilk sau một thời gian bị cấm, họ vẫn có thể kinh doanh miễn là ghi rõ cái nào “made in China”, cái nào “made in Vietnam” và tuyệt đối cấm lừa dối khách hàng. Chứ chưa có một phán quyết nào cấm hay triệt tiêu nhãn hiệu Khaisilk.
PV: Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhanh chóng hoàn thiện hơn nữa các quy định và những hành lang pháp lý cần thiết để quan trọng nhất là cởi trói cho doanh nghiệp.
Trong kinh doanh ngày nay thương hiệu rất quan trọng. Xuất xứ thương hiệu vì vậy nó tồn tại song song với xuất xứ sản xuất.
PV: Ông nói “xuất xứ của thương hiệu” mới có vai trò quyết định trong bối cảnh hội nhập, xin ông phân tích cụ thể hơn?
Mỹ họ sở hữu nhiều nhất các thương hiệu toàn cầu (global brand) bất kể sản xuất ở đâu. Từ Coca-Cola, Pepsi, Ford, Jeep, Boeing, Walmart… cho đến những Apple, Amazon, Fecebook, AirBnB, Tesla… Đối với Mỹ khái niệm “made in …” không quan trọng lắm vì họ biết tạo supply chains -chuỗi cung ứng và giám sát chất lượng. Cụ thể như I-phone thì “made in USA” hay “made in China”, hay “made in India” thì họ có thể quản lý được chất lượng.
Các đế chế Zara, H&M, Adidas, Nike, Columbia (trang phục thể thao)… đều như vậy cả. Trong khi Vinatex Việt Nam thì vẫn còn luẩn quẩn với chiến lược gia công với giá nhân công rẻ mạt (không có thương hiệu riêng), đời sống hàng triệu công nhân lao động may mặc đang sống ở mức thoi thóp.
Do đó, xây dựng sở hữu thương hiệu Việt là con đường tất yếu. Câu chuyện thương hiệu như chúng tôi đã đề cập cách đây 20 năm rồi, nhưng 20 năm sau nó vẫn còn nóng hổi chứ không đơn giản như một số người nghĩ.
PV: Như vậy, doanh nghiệp có thể đặt hàng gia công, nhập khẩu hàng hoá về và gắn thương hiệu của mình, thưa ông?
“Đúng hay sai” chỉ theo thời điểm, trong kinh doanh không có giáo điều. Nếu trong một ngành hàng chưa có ai kinh doanh, bạn chỉ cần làm như vậy tôi bảo đảm bạn thành công. Nhưng người thứ 3, thứ 4 bắt chước như vậy chưa chắc đã thành công… Khi đó bạn phải đầu tư sáng tạo thêm 5% 10% hay 20% giá trị khác biệt thì mới hy vọng thành công.
Vì vậy nếu ban đầu nhờ ăn may thì đừng lấy đó làm điều tự đắc vì sẽ có người khác nhảy vô làm, cướp mất miếng bánh của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn kinh doanh có nắm những bí quyết được bảo hộ, một bản quyền, một nhãn hàng, thì cơ hội thành công của bạn lớn hơn, chắc chắn hơn, thậm chí được luật pháp bảo vệ. Cần hết sức xem trọng sáng tạo và sở hữu trí tuệ hay thương hiệu. Nhiều bạn start-up đang nói về chiến lược nhượng quyền mà quên rằng muốn nhượng quyền (tạo chuỗi) thì trước tiên bạn phải sở hữu tác quyền hay thương hiệu.
PV: Tạm gác lại cáo buộc chưa ngã ngũ, những đóng góp của Asanzo là không thể phủ nhận, vậy lối thoát nào cho doanh nghiệp này, thưa ông?
Cũng may là Asanzo không phải là nhãn hàng về thực phẩm. Với hàng điện tử, việc Asanzo nhập linh kiện về lắp ráp và bán hàng có bảo hành trên toàn quốc thì cũng có những lợi điểm, cân bằng lợi ích giữa (1) nhà nước (thu thuế), (2) doanh nghiệp (tạo việc làm cho bộ máy sản xuất và kinh doanh) và (3) người tiêu dùng thu nhập thấp (giá rẻ hơn so với nhiều nhãn hàng khác).
Sai phạm của Asanzo không đủ và không có căn cứ để “tước quyền kinh doanh” của họ. Vì sự thật là có những khe hở hay “bất cập” trong hành lang pháp lý hiện tại. Về phía doanh nghiệp cũng phải hiểu biết pháp luật và tự bảo vệ chính đáng khi cần thiết. Rất cần sự tham vấn công tâm của giới chuyên gia.
Riêng về việc hoàn thiện các quy định liên quan về ghi xuất xứ và “made in Vietnam” cần nhanh chóng tổ chức hội thảo chuyên đề để thống nhất những quy định (dù là tạm thời) để cới trói cho doanh nghiệp. Điều cần làm tham khảo hệ thống quy định của các quốc gia phát triển như EU và Mỹ để có những tham khảo thực tế và rút ra những quy định thích hợp. Vì đây là vấn đề thuần tuý kinh doanh của một nền kinh tế thị trường.
– Xin cảm ơn ông!
THY HẰNG thực hiện