Bằng cách tận dụng ảnh hưởng trên mạng xã hội, qua các phiên livestream, ‘chuyên gia tài chính’ này đã kêu gọi người theo dõi đầu tư những khoản tiền khổng lồ với hứa hẹn sinh lãi lớn.
Hơn 100 tỉ đồng “tiền đen”
Tháng 9/2022, Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc bất ngờ thông báo rằng Shanghai Lanling Asset Management, công ty quản lý tài sản do Từ Hiểu Phong sở hữu 90% cổ phần đã bị hủy bỏ tư cách hoạt động. Từ Hiểu Phong là một doanh nhân, chuyên gia tài chính nổi tiếng với gần 4 triệu người hâm mộ trên mạng xã hội Weibo.
Điều ít người biết là từ tháng 7/2022, Từ Hiểu Phong đã bị khởi tố vì bị tình nghi phạm tội lừa đảo. Theo điều tra, Từ Hiểu Phong đã sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là một người nổi tiếng trên mạng xã hội để lôi kéo hơn 350 nhà đầu tư gửi tiền, với số tiền liên quan vượt quá 30 triệu nhân dân tệ (hơn 105 tỉ đồng).
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc, Shanghai Lanling được thành lập vào ngày 17/4/2006 và đăng ký vào ngày 2/9/2015. Quy mô quản lý của công ty dao động từ 0 đến 500 triệu nhân dân tệ. Trước khi bị “sờ gáy”, Shanghai Lanling có tổng cộng 7 sản phẩm vốn cổ phần tư nhân được đăng ký với Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc, bao gồm Lanling Value Development, Lanling Chuzhou Daniu… Tuy nhiên, các sản phẩm cổ phần tư nhân do Từ Hiểu Phong quản lý đã bị thua lỗ nghiêm trọng và đều đã bị thanh lý.
Từ Hiểu Phong đã tận dụng tài khoản có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội của mình để trục lợi. Giả Chí, giám đốc điều hành của Hualin Securities Asset Management Tribe, nói với giới truyền thông rằng các “chuyên gia tài chính” nổi tiếng thường tận dụng mạng xã hội để nắm bắt điểm yếu và mối quan tâm của người theo dõi. Họ đăng tải những thông tin phạm pháp dưới vỏ bọc nội dung đầu tư tài chính, khiến không ít nhà đầu tư trở thành con mồi và bỏ tiền cho những dự án mà các chuyên gia hứa hẹn.
Chiêu trò của ‘chuyên gia tài chính’, ‘doanh nhân’ nổi tiếng
Thông tin từ trang web chính thức của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho thấy Từ Hiểu Phong đã bị nghi ngờ đăng thông tin quảng cáo nền tảng đầu tư sai sự thật trên Weibo và các sự kiện livestream, đồng thời lừa dối các nhà đầu tư giao dịch trên nền tảng đen về cái gọi là “đầu tư quyền chọn 50ETF”.
Việc này đã bị Viện kiểm sát quận Phố Đông của Thượng Hải truy tố vì nghi ngờ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, có liên quan tới các hoạt động tội phạm thông tin mạng và quảng cáo sai sự thật.
Kể từ năm 2021, Từ đã sử dụng ảnh hưởng của mình để đăng một số lượng lớn thông tin trên các phương tiện truyền thông, bao gồm những nội dung như “bạn có thể mở một tài khoản với vài nghìn nhân dân tệ để đầu tư quyền chọn”, “giao dịch hai chiều ngắn và dài hạn”, “đòn bẩy cao, lợi nhuận cao”.
Từ đã lừa người theo dõi tải xuống “Ứng dụng tùy chọn SSE ETF” để mở tài khoản và giao dịch quyền chọn mặc dù đây không phải là một nền tảng hợp pháp được Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc phê duyệt, mà là một nền tảng đen do Từ và những người khác xây dựng riêng.
Cụ thể, Từ Hiểu Phong lệnh cho nhân viên quảng cáo sản phẩm trên các phiên livestream và yêu cầu nhân viên dịch vụ khách hàng chào mời người mới đầu tư và tham gia kinh doanh giao dịch quyền chọn để kiếm tiền hoa hồng. Sau khi được Cục Giám sát Thượng Hải của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc xác minh, Từ và những đối tượng khác đã thiết lập một nền tảng giao dịch đen và thu hút hơn 350 nhà đầu tư trong vòng chưa đầy một năm, với số tiền phạm pháp vượt quá 30 triệu nhân dân tệ.
Trong thông báo liên quan, Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc nhắc nhở các nhà đầu tư phải chú ý đến độ uy tín của các nhà quản lý quỹ cổ phần tư nhân, đưa ra quyết định đầu tư quỹ một cách thận trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp và các quy định pháp lý liên quan.
Hiệp hội sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách cơ bản là “khuyến khích cái tốt và hạn chế cái xấu”, liên tục cải thiện cơ chế ghi nhận thông tin liêm chính của các quỹ đầu tư tư nhân và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành theo đúng quy định.
Theo Baijiahao-Tất Đạt-Nhịp sống thị trường