Chuyên gia James Borton, một phóng viên nước ngoài độc lập, thành viên không thường trực mới được bổ nhiệm của Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts bày tỏ quan ngại trên tờ Washington Times về việc Trung Quốc đưa tàu đến Bãi Tư chính (Vanguard Bank), bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trong bài phân tích của mình, ông Borton đề cập đến việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã tổ chức một hội thảo vào tháng 7 về Biển Đông, với sự tham gia của các chuyên gia, trong đó các học giả đề xuất rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ cần lên tiếng phản đối Trung Quốc khảo sát đáy đại dương vì hoạt động này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và là giám đốc một dự án của CSIS chuyên nghiên cứu quyền lực của Trung Quốc, tuyên bố: “Nếu không có phản ứng nào đối với những vi phạm của Trung Quốc về UNCLOS, thì điều đó chứng tỏ rằng Bắc Kinh có thể vi phạm luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt”.
Ông Borton liệt kê việc Trung Quốc vi phạm UNCLOS, không chấp hành phán quyết của tòa án The Hague ba năm trước, xây dựng đảo san hô, quân sự hóa quần đảo Trường Sa, và phá hủy tràn lan môi trường sinh thái của các rạn san hô. Ông cho rằng tất cả những hành động này cho thấy Bắc Kinh đang tạo ra mối đe dọa an ninh toàn cầu.
Ông Borton nhận định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm của mình và Washington cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này.
Cuối tháng 5/2019, 13 Thượng nghị sĩ từ hai đảng Hoa Kỳ đệ trình một dự luật với tên gọi “Đạo luật trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông”. Nếu được thông qua, đạo luật sẽ cho phép Mỹ đóng băng, thậm chí tịch thu tài sản và thu hồi thị thực của các cá nhân tham gia vào các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định việc Trung Quốc xâm phạm các mỏ dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác như Việt Nam đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường tự do năng lượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Borton cho rằng Việt Nam cũng có thể lên tiếng với Washington về việc Trung Quốc gây áp lực, khiến Hà Nội phải cho đình chỉ một dự án dầu khí của công ty Tây Ban Nha Repsol trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nếu Việt Nam khoan nhượng, khả năng các nhà thầu lớn sẽ rút bỏ các dự án khoan dầu ngoài khơi, theo ông Borton. ExxonMobil có thể sẽ rút lại một dự án gọi là Cá voi xanh trị giá hàng tỷ đô la.
Chuyên gia Anders Corr đến từ công ty phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics tin rằng tình hình hiện tại này là cơ hội tốt để Washington bảo vệ nguyên tắc toàn vẹn về vùng đặc quyền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc và trở nên gần gũi với Mỹ hơn, không cho phép Trung Quốc tiếp cận với tài nguyên dầu mỏ trong khu vực.
TTVN