Theo chuyên gia này, khi mới ra trường đã có mức lương cao chưa gọi là thành công, quan trọng là ở giai đoạn sau này.
Khi đến độ tuổi ngoài 30, bạn sẽ thường nghe nhiều lời than thở “không nhà, không xe, công việc bấp bênh” từ những người xung quanh và đôi khi đó là hoàn cảnh của chính bản thân mình. Cũng có người nói rằng tuổi tác chỉ là con số, không nên để tuổi tác giới hạn chúng ta làm bất cứ việc gì.
Tuy nhiên theo quan điểm của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn huấn luyện và Tư vấn triển khai TOPPION Loan Văn Sơn, cũng là thành viên Hội đồng tư vấn và thẩm định chương trình thực tế Cơ hội cho ai, mỗi người cần đặt ra cột mốc 30 tuổi trong sự nghiệp của mình.
Ông Văn Sơn chia khoảng thời gian trước tuổi 30 của mỗi người làm 2 giai đoạn, khi còn học đại học và khi đi làm. Việc rèn luyện bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp bạn vừa tốt nghiệp đã có vị thế tốt hơn nhiều người khác nhưng như vậy vẫn chưa đủ để thành công.
“Chúng ta ra trường khoảng 22-23 tuổi. Nếu như đã khổ luyện trong 4 năm đại học thì chúng ta sẽ rơi vào nhóm 3% trên thị trường lao động. Khi vừa ra trường bạn sẽ có được vị thế, giá trị CV cũng như năng lực phỏng vấn, dễ có cơ hội việc hơn. Đó mới gọi là vượt qua các ứng viên khác để rơi vào nhóm số ít, có cơ hội vào các tổ chức với mức lương cơ bản đầu tiên cao nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã thành công”, chuyên gia này cho biết.
Ở giai đoạn thứ 2, từ 22 tuổi đến 30 tuỗi mỗi người chúng ta có 7 năm mà ông Loan Văn Sơn đánh giá vô cùng quan trọng. Bởi trong khoảng thời gian này bạn phải luyện được 1 năng lực lõi ít ai có, nếu người khác muốn học theo phải mất rất nhiều thời gian. Chuyên gia này lý giải theo tâm lý học, để có 1 năng lực lõi trên thị trường lao động, “cái giá phải trả ít nhất là 3-5 năm trở lên nếu bạn thực sự tập trung”.
“Nếu bạn luyện được năng lực mà trên thị trường tìm và phỏng vấn đâu đó chỉ có vài người trên đầu ngón tay thì ngay lập tức khoảng từ 28,29,30, chắc chắn bạn sẽ được lên chức, bạn sẽ nắm vị trí key (chủ chốt) trong những tổ chức chuyên nghiệp, mức thu nhập của bạn sẽ rất cao”, ông Văn Sơn khẳng định.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia này chia sẻ nếu trước 30 tuổi, bạn không thể khẳng định mình là “đồ hiếm”, điểm mình có ngoài thị trường ai cũng có thì “chắc chắn lương của bạn siêu thấp”. Đó là chưa kể đến những áp lực phải đối mặt sau tuổi 30 khiến ít người khó tập trung cho việc phát triển bản thân.
Bởi sau 30 tuổi, tốc độ tiếp cận thông tin của nhiều người bắt đầu chậm lại, thời gian để rèn luyện sẽ không còn bởi quỹ thời gian phải dành cho gia đình, áp lực tài chính và “đáng sợ” nhất chính là “xung quanh đối thủ quá nhiều”. Từ những bạn trẻ mới ra trường đến những người cùng lứa với bạn đã chăm chỉ phát triển không ngừng trong suốt 7 năm qua, khiến tỷ lệ chọi trong công việc “ngày xưa 1 chọi 10 thì giờ 1 chọi 30”.
Vậy nên chuyên gia Loan Văn Sơn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trở thành phát triển năng lực lõi, nếu không “qua 30 tuổi khẳng định bạn cực kỳ khó khăn” để làm được việc này.
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta muộn. Nhưng nếu có giai đoạn vàng là 4 năm đại học và 5-7 năm sau khi ra trường – khoảng thời gian tuyệt vời nhất để khổ luyện với cường độ cao để trở thành ‘đồ hiếm’, bạn tự động sẽ thành công”, Chủ tịch Toppion nhận định.
Ông Loan Văn Sơn là chuyên gia Balanced Scorecard Master Professional được Hiệp Hội Balanced Scorecard Hoa Kỳ và Đại Học Washington Hoa Kỳ chứng nhận, chuyên gia huấn luyện thuộc mạng lưới Coaching toàn cầu Marshall Goldsmith Stakeholder. Chuyên gia này đã tư vấn, huấn luyện lãnh đạo cho nhiều doanh nghiệp lớn nhưu Vinamilk, Vinamilk, Sunhouse, VietinBank…
Theo Phương Linh-Theo thethaovanhoa