Chuyên gia quan hệ quốc tế Mỹ Poling cho rằng Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế.
Sau đây là nội dung trao đổi giữa ông Poling với phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ.
PV: Trung Quốc liên tiếp có các hành động gây hấn tại khu vực Biển Đông không chỉ với Việt Nam mà còn với Philippines và Malaysia, vậy đâu là những tính toán thực sự của Trung Quốc thưa ông?
Gregory Poling: Rõ ràng là Trung Quốc đang gửi đi thông điệp rằng nước này không chấp nhận các hoạt động thăm dò dầu khí mới của bất kỳ các nước ASEAN nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc có thể bỏ qua các dự án cũ. Những gì diễn ra ngoài khơi của Việt Nam và Malaysia chính là sự quấy rối của Trung Quốc đối với các hoạt động khoan dầu mới và Trung Quốc đã trả đũa với việc điều tàu thăm dò ở các khu vực này. Không chỉ có tàu thăm dò Hải Dương 8 ở vùng biển của Việt Nam mà còn có ít nhất hai tàu thăm dò khác, 1 ở vùng biển của Malaysia và 1 hoạt động ở khu vực giữa Việt Nam và Malaysia.
PV: Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam là một phần trong kế hoạch chiếm đóng trái phép một số thực thể ngầm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
Gregory Poling: Chúng tôi chưa có chứng cứ về điều này tuy nhiên chúng tôi có thể lý giải về các hoạt động của Trung Quốc. Tôi cho rằng hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương 8 rõ ràng là nhằm trả đũa việc Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí hoặc cho phép công ty Rosneft tiếp tục khoan ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn. Điều này là không thể chấp nhận được. Bắc Kinh cho rằng có thể sử dụng đe dọa, cưỡng ép và dọa sử dụng vũ lực nhằm buộc Việt Nam dừng các hoạt động khoan thăm dò của công ty Rosneft để từ đó Việt Nam sẽ không thể hợp tác với các công ty nước ngoài nào khác ngoài các công ty của Trung Quốc trong đầu tư khoan dầu khí.
Các công ty nước ngoài như Chevron, Conocophillips, BP, và mới đây nhất là Repsol đều đã ngừng hoạt động và chỉ còn hai công ty duy nhất còn đầu tư vào các dự án khoan dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam là Rosneft và Exxon.
PV: Cộng đồng quốc tế cần làm gì để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thưa ông?
Gregory Poling: Nếu chúng ta muốn Trung Quốc thay đổi hành vi của mình, cách duy nhất đó là phải làm Trung Quốc thấy rằng nước này sẽ phải trả giá.
Khi các nước thấy Trung Quốc là nước thực hiện các hoạt động bắt nạt, các nước sẽ không muốn trao vai trò quốc gia lãnh đạo cho Trung Quốc tại các thể chế quốc tế cũng như không muốn tham gia vào các sáng kiến do Trung Quốc đề xuất. Điều này chỉ có thể xảy ra khi không chỉ Mỹ mà cả châu Âu và các quốc gia khác cùng lên tiếng.
PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình trước những tham vọng của Trung Quốc?
Gregory Poling: Các biện pháp của Việt Nam dựa trên ngoại giao và có thể cả kinh tế. Việt Nam cần có được sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều hơn và tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác thông qua các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam có thể kêu gọi các nước khác đưa vấn đề Biển Đông ra tại các diễn đàn quốc tế như các cuộc họp của ASEAN hay hội nghị G7 hoặc các cuộc họp của Liên Hợp Quốc trong hai năm tới.
Còn một giải pháp nữa đó là năm 2014, Việt Nam đã cung cấp hình ảnh tại thực địa cho báo chí nước ngoài và nếu được chứng kiến những hình ảnh trực tiếp về các hoạt động quấy rối của tàu Trung Quốc, chắc chắn báo chí nước ngoài sẽ đăng tải ngay lập tức./.
theo VOV