Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales – Úc), khẳng định, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Trung Quốc không được tự ý khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
PV: Ngày 19/7, người phát ngôn Việt Nam nêu rõ: Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
-Theo UNCLOS, Trung Quốc không được khảo sát thủy văn, địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nếu không được Việt Nam cho phép trước khi khảo sát.
Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền của mình theo UNCLOS.
Ngoài các hành vi vi phạm đã và đang diễn ra trên thực địa, cần lưu ý rằng, Trung Quốc luôn tìm cách để Việt Nam tham gia các liên doanh với Trung Quốc vì họ coi đây là cách đi đường vòng, tránh các tuyên bố pháp lý của Việt Nam về quyền tài phán đối với tài nguyên biển và đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
PV: Truyền thông nhiều nước gần đây nhắc đến bãi Tư Chính trên biển Đông. Với tư cách là chuyên gia về biển Đông, ông nói gì về địa điểm này?
-Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô chìm nằm cách cảng Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) 200 hải lý về phía đông nam và là điểm mút phía nam của biển Đông. Vùng biển xung quanh bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Người ta ước tính khu vực này có trữ lượng dầu khí lớn, khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ foot khối (gần 4,9 tỷ mét khối) khí gas, đủ để khai thác thương mại trong 10 năm.
Hiện nay, Việt Nam quản lý khu vực bãi Tư Chính nhưng đầu tháng này Trung Quốc điều hai tàu hải cảnh lớn (lớn hơn tàu cảnh sát biển Việt Nam) để hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến hành khảo sát địa chấn ở vùng biển ở phía đông bắc bãi Tư Chính và phía tây đảo Trường Sa Lớn. Họ muốn khảo sát hydrocarbon ở vùng biển gần bãi Tư Chính.
Ở đây phải lưu ý thêm rằng, Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện của các lực lượng hải cảnh, dân quân biển, tàu cá trên biển Đông. Trung Quốc cũng tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự của họ trên bảy đảo nhân tạo trên biển Đông để mở rộng việc triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không và chống hạm trên đó.
Ba điều Trung Quốc muốn hiện nay
PV: Vậy theo ông, hiện nay, Trung Quốc thực sự muốn gì trên biển Đông?
-Thứ nhất, Trung Quốc muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với những điều khoản có lợi cho họ như loại bỏ “các nước bên ngoài” ra khỏi hoạt động thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự ở biển Đông. Trung Quốc đang thúc đẩy việc cùng phát triển giữa các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc và các thành viên ASEAN. COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đóng vai trò nền tảng pháp lý chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của các siêu cường bên ngoài khu vực.
Thứ 2, Trung Quốc cũng đang dần dần nâng cao năng lực quân sự của họ để thực sự thách thức vị thế của Mỹ ở biển Đông.
Cuối cùng, Trung Quốc muốn ASEAN tôn trọng cái gọi là các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc sẽ gây sức ép về ngoại giao, chính trị và gây hấn trên biển để từng thành viên ASEAN phải nghe họ.
Thông qua các kênh chính trị và ngoại giao, Trung Quốc đã thành công trong việc ép hầu hết các nước ASEAN tránh công khai đề cập phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vụ Philippines kiện Trung Quốc. Thay vào đó, họ chỉ dùng cụm từ chung chung là “tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Ba năm trước (tháng 5/2016), ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống Philippines và chọn cách gạt phán quyết sang một bên để nghiêng về Trung Quốc. Hành động của ông Duterte đã làm ảnh hưởng cả cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế.
theo Tiền Phong