Bạn yêu thích siêu xe Lamborghini và muốn sở hữu một cái, nhưng lại không có đủ tiền để hiện thực giấc mơ? Câu trả lời là hãy tự chế cho mình một chiếc, và làm ra những chiếc khác để kiếm lời. Câu chuyện sau đây kể về Mike Vetter, một triệu phú đang sống ở bang Florida nước Mỹ.
Chuyện bắt đầu 20 năm trước với một ý tưởng điên rồ chợt nảy lên trong đầu Mike: Nếu mình tự chế chiếc xe mơ ước kia thì sao nhỉ?
Con đường đến với nghiệp “kit car”
Là con trai của một phái viên công tác tại nước ngoài của Bộ Quốc Phòng Mỹ, tuổi thơ của Vetter là những chuỗi ngày chu du khắp miền Nam và Tây Âu. Trong thời gian ở lại nước Đức, anh đã ấp ủ trong mình niềm đam mê cháy bỏng với những chiếc xe hơi thời trang bóng bẩy.
“Con mê những chiếc siêu xe Lamborghini“, Vetter thổ lộ với cha mình và nhận được câu trả lời: “Thứ đó còn đắt hơn cả một ngôi nhà của người ta; con sẽ phải làm việc rất chăm chỉ để có một cái.”
Sau khi tốt nghiệp trung học, Vetter thử sức mình với khoá về khoa học máy tính nhưng trượt gần hết các môn. Anh chấp nhận hồi hương về Florida sống cùng chị mình đầu những năm 90 rồi tham gia vào một lớp học kinh tế cho cộng đồng tổ chức tại địa phương.
Rồi ngày thay đổi cuộc đời Vetter tới khi anh quyết định tới thăm một trong những triển lãm xe cổ lớn nhất nước Mỹ – Daytona Turkey Run – và bắt gặp bộ vỏ bằng sợi thuỷ tinh của chiếc Lamborghini Countach.
Vetter không hề biết mình đã bước chân vào thế giới của ngành công nghiệp kit car, đây là một cộng đồng những người làm nhái các xe sang cao cấp bằng cách chế lại lớp vỏ thép từ bộ vỏ bằng sợi thuỷ tinh rồi lắp lên khung gầm và máy móc của những chiếc xe rẻ tiền hơn.
“Tôi chẳng biết tí gì về những chiếc xe nhái này, hay sợi thuỷ tinh, hay những thứ đại loại như vậy. Nhưng có cái gì đó chợt nảy lên trong đầu. Tôi ngắm nhìn bộ vỏ Lamborghini tuyệt đẹp và hạ quyết tâm phải có được nó.”
Vetter mua lại bộ vỏ với giá 2500 đôla và trong garage ngôi nhà nhỏ của chị gái, anh bắt đầu tìm cách chế tạo chiếc Lamborghini mơ ước của mình.
“Siêu xe” khởi đầu từ mớ sắt vụn
Mặc dù không biết chút gì về chế tạo xe hơi, nhưng với niềm đam mê kỹ thuật và cơ khí từ nhỏ, cộng với sự tò mò, tháo vát và quyết tâm, Vetter bắt tay ngay vào công việc. Anh bắt đầu đi tìm chiếc xe có khung gầm phù hợp cho chiếc Lamborghini của mình. Sau khi tham khảo tạp chí Kit Car, anh tìm được một chiếc xe thể thao tầm trung ưng ý hiệu Pontiac Fiero với giá chỉ 1700 đô.
Bước tiếp theo là phải bỏ lớp vỏ cũ đi rồi kéo dài khung gầm ra cho giống xe thật. Vetter phải mang ra cửa hàng để nhờ làm giúp với giá 800 đô.
Chưa biết gì về máy cưa, máy hàn, nhưng Vetter không ngần ngại mua chúng về rồi học cách sử dụng. Anh mày mò hoàn thiện từng chi tiết của chiếc Lamborghini Countach, một trong những chiếc kit car khó chế nhất. Thậm chí anh phải học cách sơn xe và tự làm lấy, vì thợ sơn chuyên nghiệp từ chối động đến bộ cánh phức tạp này.
Vừa đi học, vừa đi làm thêm để nuôi dưỡng đam mê, Vetter miệt mài đêm hôm suốt 18 tháng trời. Và sau 2.000 giờ lao động, anh cuối cùng cũng hoàn thành chiếc xe mơ ước của mình.
“Tôi chế ra chiếc xe đầu tiên mà không có tí dụng cụ nào, không có chút kiến thức nào, mà chỉ có động lực và niềm khao khát có được chiếc xe đó mà thôi.”
Năm 1996, chàng thanh niên Vetter mới ra trường lâm vào cảnh thiếu thốn tiền bạc và buộc phải nghĩ đến chuyện bán xe kiếm lời. Tổng cộng anh đã bỏ vào đó 12.000 đôla.
Chiếc xe nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người dân trong vùng nhưng lại không mấy ấn tượng với dân sành xe chuyên nghiệp. Chỉ đến khi bỏ ra 40 đôla để quảng cáo trên một tạp chí xe hơi, Vetter mới bán được xe với giá 28.000 đôla, hơn gấp đôi tiền vốn.
Sau thương vụ này, chàng trai nhận ra rằng mình có thể sống đàng hoàng với nghề chế và bán xe hơi thay vì chỉ trông chờ vào đồng lương 18.000 đô một năm cho thợ chiếu phim. Đã đến lúc chơi tất tay.
Ngành chế xe kit car
Với một bồ kinh nghiệm thu được từ chiếc xe đầu tiên, Vetter có thể hoàn thành xong chiếc siêu xe thứ hai của mình, mô phỏng theo chiếc Ferrari 355 màu vàng đình đám lúc bấy giờ, chỉ với chi phí 7.000 đô và hết vỏn vẹn 4 tháng.
Anh bán được chiếc xe với giá 21.000 đô và nhận được một đơn đặt hàng khác có giá 20.000 đô. Cờ đã đến tay và Vetter nhận ra rằng anh có thể biến thứ này thành kế sinh nhai của mình.
Ngành công nghệp kit car lúc bấy giờ còn rất non trẻ. Hầu hết các sản phẩm đều thô tháo và không mô phỏng chính xác những chiếc siêu xe. Nhưng hàng của Vetter lại rất khác biệt. Với sự tỉ mỉ của mình, Vetter nhìn ra cơ hội để vượt lên trước số đông và thay đổi quan niệm của mọi người về xe kit car.
Những phiên bản nhái xe Ferrari xuất sắc của Vetter nhanh chóng đưa anh lên trang bìa tạp chí Kit Car Magazine cùng vị thế của một trong những nghệ nhân tài năng nhất trong nghề.
Tới đầu những năm 2000, Vetter cùng vợ mình đã hoàn thiện đáng kể quy trình chế tạo của họ và rút ngắn thời gian xuống chỉ còn 45 ngày cho một chiếc siêu xe, với giá thành cao nhất chỉ 60.000 đô. Nhưng đúng lúc này, khó khăn xuất hiện.
Ferrari tới gõ cửa và…UFO ra đời
Vetter luôn cực kỳ thận trọng khi chào hàng những chiếc xe của mình. Anh không bao giờ gọi chúng là những chiếc Ferrari, mà thay vào đó là “những chiếc xe Pontiac Fiero kiểu châu Âu nhìn giống Ferrari“. Tuy nhiên hai ông lớn Ferrari và Lamborghini đều không nghĩ vậy. Họ lần lượt gửi cho Vetter thư yêu cầu anh chấm dứt ngay hành động nhái xe kiếm lời. Và nửa năm trời kiện tụng kết thúc với việc quan toà ra phán quyết Vetter đã vi phạm thương hiệu và cấm anh sản xuất thêm bất kỳ chiếc xe nào khác.
Việc này khiến Vetter cảm thấy đã đến lúc anh sẽ thiết kế và sản xuất những chiếc xe của riêng mình.
Năm 2008, Vetter bắt tay vào sản xuất xe sang theo yêu cầu của khách hàng – một thứ sẽ khiến “mọi người không thể tin được”, như UFO khi nhìn thấy nó trên phố.
Trước đó, công việc làm ăn thuận lợi giúp Vetter càng làm càng lớn. Anh chuyển xưởng của mình tới một kho chứa máy bay lớn ở Micco, Florida, thuê thêm 5 người làm và tự học tất cả mọi thứ từ thiết kế tới chế tạo để sản xuất được những chiếc xe của riêng mình.
Vetter bắt đầu lên bản vẽ phác thảo, mua xốp về rồi gọt giũa ra hình dáng chiếc xe mà mình mong muốn. Sau đó anh chế lớp vỏ xe rồi đặt nó lên trên khung gầm của một chiếc Chevy Cobalt cũ.
Anh đặt tên đứa con của mình là Extra Terrestrial Vehicle (ETV) rồi đem nó đi trưng bày. Chiếc xe nhanh chóng thu hút được vô vàn sự chú ý của đám đông khán giả tại các triển lãm xe.
Vetter sau cùng đưa chiếc xe lên eBay, biến nó trở thành một trong những chiếc xe được xem nhiều nhất nên nền tảng bán hàng này, và cuối cùng bán đi với giá 190.000 đôla. Sau này, anh còn làm ra 7 chiếc khác và bán hơn 100.000 một cái.
Một ngành kinh doanh hái ra tiền
Hiện nay, công ty của Vetter đã và đang bán hơn 30 mẫu xe cho các khách hàng trên toàn thế giới.
Giá xe của anh chạy từ 125.000 đến 225.000 đôla. Với chi phí sản xuất chỉ 47.000 đôla cho một chiếc xe 125.000 đô, Vetter kiếm được bộn tiền để trang trải cho cuộc sống sung túc của mình. Từ lúc phải mất 6 tháng để chế một chiếc xe, giờ với sự hỗ trợ của công nghệ in 3D, anh chỉ mất vài tuần để hoàn thiện nó.
Vetter có hàng trăm đơn đặt hàng. Nhưng anh không chạy theo doanh thu và số lượng, mà cố gắng kiểm soát chặt chất lượng của sản phẩm đầu ra. Khách hàng của anh phần lớn là những người giàu đã có đầy xe sang trong nhà, nhưng vẫn luôn muốn những chiếc xe độc đáo để tránh đụng hàng với bất kỳ ai.
Nhiều khách hàng của anh thường bị mỉa mai vì đi xe hàng hiệu. Nhưng với những chiếc xe được thiết kế riêng, người ta không mang tâm lý kỳ thị đó. Thay vì nghĩ “xem gã ngốc trong chiếc Ferrari kìa,” người ta sẽ nói “Wow, cái xe này thật ngầu.”
Tên tuổi anh còn lan tới tận Hollywood, khi các xưởng phim thỉnh thoảng nhờ anh chế cho họ vài chiếc xe bắt mắt cho các cảnh quay.
Người đàn ông 48 tuổi này đến nay làm việc 80 tiếng một tuần và vẫn đam mê công việc ấy.
Ngày nay, ở Florida, có một chiếc Extra Terrestrial Vehicle nằm đàng hoàng ngay phòng khách trong dinh cơ rộng rãi ngay cạnh xưởng chế tạo xe sang của Vetter.
Theo The Hustle, – Hạ Chi lược dịch