Chàng trai bị từ chối visa 8 lần mới sang được Silicon Valley, nhưng đi làm chẳng thấy vui, bèn bỏ việc mức lương 6 con số để thành lập startup và trở thành 1 trong 500 tỷ phú giàu nhất thế giới
Tháng 4 vừa qua, Zoom chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và đây là một trong những thương vụ IPO thành công nhất 2019 tính đến thời điểm hiện tại.
Sau khi nghe Bill Gates thuyết trình về tiềm năng của internet trong tương lai tại một sự kiện ở Trung Quốc, chàng trai trẻ Eric Yuan đã ấp ủ ước mơ rời quê hương để đến Thung lũng Silicon lập nghiệp. Và giờ đây, ông đã trở thành 1 trong 500 tỷ phú giàu nhất thế giới theo danh sách của Bloomberg với khối tài sản 5,6 tỷ USD.
Để đến Mỹ, Yuan đã mất hơn 2 năm do bị từ chối visa đến 8 lần. Năm 1997, ở tuổi 27, ông mới có thể đặt chân tới Mỹ. Tuy không nói được tiếng Anh nhưng Yuan biết viết mã máy tính và được nhận làm nhân viên kỹ thuật của công ty cung cấp dịch vụ hội nghị trực tuyến WebEx.
10 năm sau, Cisco thâu tóm WebEx với giá 3,2 tỷ USD và Yuan trở thành phó chủ tịch kỹ thuật của công ty mới, nhận mức lương 6 con số rất cao. Nhưng ông không hề cảm thấy vui! CEO của Zoom chia sẻ với CNBC Make It: “Mỗi ngày khi thức dậy, tôi đều không thấy vui vẻ. Tôi thậm chí còn không muốn đi làm”.
Mặc dù một vài năm đầu tiên của Yuan ở Cisco khá tuyệt vời nhưng sau đó ông phát hiện khi trò chuyện với khách hàng của công ty về sản phẩm, họ đều không hài lòng. Theo quan điểm của mình, Yuan cho rằng sản phẩm của Cisco phát triển không đủ nhanh.
Là một kỹ sư phần mềm lâu năm sở hữu nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ thời gian thực, Yuan cảm thấy sự phát triển của smartphone và máy tính bảng đã tạo ra những cơ hội mới giúp hội nghị trực tuyến trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Đến năm 2011, Yuan nhận ra rằng nếu muốn tạo ra một sản phẩm theo cách mình muốn, ông phải nói lời tạm biệt công việc điều hành được trả lương cao hiện tại để tự mình gây dựng công ty mới. Ông quyết định rời Cisco và bắt đầu phát triển nền tảng phần mềm hội nghị trực tuyến của riêng mình đồng thời huy động vốn đầu tư.
Khi được hỏi tại sao lại bỏ vị trí phó chủ tịch với mức lương hậu hĩnh bởi đó là một sự mạo hiểm lớn, Yuan giãi bày: “Tôi đã không thấy vui vẻ, hạnh phúc với công việc ở Cisco. Vì vậy, về mặt tinh thần, đó không phải là rủi ro. Chẳng phải mục đích của cuộc sống là để được hạnh phúc hay sao?”.
8 năm kể từ khi Yuan thành lập Zoom, đến nay công ty đã có hơn 1.700 người, doanh thu tăng gấp đôi lên hơn 330 triệu USD trong năm ngoái. Tháng 4 vừa qua, Zoom chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và đây là một trong những thương vụ IPO thành công nhất 2019 tính đến thời điểm hiện tại. Cổ phiếu tăng hơn 50% kể từ khi IPO đã nâng mức định giá của Zoom lên 25,5 tỷ USD. Nhờ sở hữu 22% cổ phần công ty, Yuan đã trở thành tỷ phú mới nhất của làng công nghệ thế giới.
Khi Yuan thành lập Zoom, thị trường hội nghị trực tuyến khá đông đúc và bị chi phối bởi những gã khổng lồ công nghệ như Cisco, Google và Skype (được bán cho Microsoft năm 2011 với giá 8,5 tỷ USD).
Điều đó khiến Yuan gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty đầu tư mạo hiểm ủng hộ startup của mình. Dù vậy, ông đã được bạn bè và một số nhà đầu tư thiên thần như cựu giám đốc Cisco – Dan Scheinman, người đã đầu tư cho Zoom 250.000 USD. Không lâu sau, Yuan huy động thành công 3 triệu USD để tập trung phát triển công ty.
Zoom giới thiệu sản phẩm chính thức đầu tiên năm 2013 và nhanh chóng trở nên phổ biến với các khách hàng doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 5 tháng kể từ khi ra mắt, dịch vụ này đã được hơn 3.500 doanh nghiệp sử dụng.
2 năm sau, con số đó đã tăng lên khoảng 65.000 công ty với hơn 40 triệu người sử dụng. Một trong những yếu tố tạo ra sự phát triển đó là Zoom cung cấp sản phẩm miễn phí mà mọi người có thể sử dụng để truyền phát các cuộc gọi video trên thiết bị di động hoặc đồng bộ hóa với thiết bị hội nghị truyền thống trong không gian văn phòng. Một số dịch vụ cơ bản của Zoom miễn phí, tuy nhiên khách hàng doanh nghiệp có thể đăng ký hàng tháng với mức phí nhất định để sử dụng được nhiều tính năng và cho phép nhiều người sử dụng phần mềm hơn.
Yuan cho biết, phần lớn sự tăng trưởng thời kỳ đầu của công ty là qua chiến lược marketing truyền miệng và đến năm 2015, Zoom mới có đội ngũ marketing chuyên nghiệp.
Đồng thời, Yuan cũng quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ông thậm chí còn dành thời gian để đích thân trả lời email trong một số trường hợp. Ví dụ như khi một khách hàng hủy dịch vụ, Yuan sẽ liên lạc qua email để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Nhờ đó, nhiều khách hàng từng có ý định ngừng dịch vụ đã trở thành khách hàng trung thành lâu năm của Zoom.
Tuy gặp rất nhiều cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn hơn như Cisco, Google và Microsoft nhưng Yuan tin rằng vẫn có nhiều cơ hội để Zoom phát triển. Mục tiêu của CEO 50 tuổi là trong tương lai không xa, công ty của ông có thể đạt tới hơn 1 tỷ người dùng cá nhân.
Ông chia sẻ: “Có nhiều hơn 1 tỷ nhân viên văn phòng trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là kết nối tất cả những nhân viên tri thức đó với nền tảng Zoom. Vì vậy, với những gì chúng tôi đã đạt được đến hiện tại, tôi cho rằng chúng tôi thực sự mới chỉ đang bắt đầu”.
Gia Vũ – Theo Trí Thức Trẻ/CNBC