Từng được nghe rất nhiều đạo lý, từng trải qua rất nhiều khó khăn, thế nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn không khá hơn được bao nhiêu. Khi bình tĩnh và suy nghĩ lại, thì mới phát hiện, hóa ra lỗi sai chính là chúng ta đã luôn tiến về trước mà không biết “lùi về sau”.
Con người thường có xu hướng không thích nghỉ ngơi, họ luôn ép mình phải trong trạng thái hoạt động, tiến lên. Nên đôi khi tự ép mình đến vực thẳm cũng không biết.
Người thông minh thì khác, họ luôn “nhanh hơn người thường một bước”, không phải là họ đi nhanh, mà là họ giác ngộ kịp thời. Cuộc đời vẫn còn dài, chúng ta nên học hỏi những người thông minh, cái tốt nhất không phải chỉ luôn nằm ở phía trước, đôi khi nó còn nằm ở phía sau nữa. Chỉ cần bạn biết lui, bạn sẽ là người thắng cuộc.
- Liên tục mạo hiểm tiến tới, bạn sẽ tự ép mình vào đường cùng
Tôi là người thuộc thế hệ 7x, từ nhỏ gia đình đã rất nghèo, vì vậy tôi đã sớm lấy việc được ăn ngon mặc đẹp làm lý tưởng sống của mình. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, tôi không những có thể ăn ngon mặc đẹp mà còn mua được một căn nhà ở xã. Mặc dù công việc chưa ổn định lắm, nhưng chỉ cần tôi chịu khó làm việc thì cũng không đến nỗi thiếu cái ăn cái mặc.
Một ngày, tôi đột nhiên phát hiện có rất nhiều bạn bè xung quanh mình đã sớm có được cuộc sống giàu sang. Bản thân không khỏi tự cảm thấy xấu hổ. Vì thế, tôi quyết tâm, không ngừng thúc đẩy mình phải liên tục nỗ lực, phải trở nên giàu có.
Nhưng tiếc là dù có cố gắng đến đâu, tôi vẫn không thể nào trở nên nổi bật được ở công ty. Các dự án đầu tư khác thì lâm vào bế tắc, có lúc còn bị tổn thất một khoản lớn. Một hôm, tôi phát hiện ra một câu nói làm thức tỉnh chính mình: “Bạn vĩnh viễn sẽ không kiếm được số tiền nằm ngoài tầm nhận thức của bạn.”
Hóa ra năng lực của tôi không cao bằng nguyện vọng của tôi, nên tôi luôn cảm thấy kiệt sức. Kỳ vọng của bạn đối với bản thân và những người thân yêu càng cao, bạn sẽ càng thất vọng, sẽ càng cảm thấy lực bất tòng tâm.
Có rất nhiều người giống tôi, rõ ràng cuộc sống đã đầy đủ rồi, không tốt cũng không quá xấu, nhưng vẫn luôn cảm thấy không hài lòng. Có một câu nói xưa như thế này: “Nỏ mạnh thì hết đà.”
Khi chúng ta tiến về phía trước đến một mức độ nhất định, khi mà độ tuổi đạt đến tầm 50, 60, cuộc đua ở nơi công sở cũng đã chạm ngưỡng giới hạn. Lúc đó tìm việc sẽ khó hơn, mà duy trì vị trí hiện tại trong công ty cũng không dễ dàng.
Không lâu sau thì sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Khi này dù bạn có không nỡ thì cũng buộc phải nghỉ việc. Dù cho bạn có cố tìm công việc làm thêm khi về già thì cũng chỉ có thể kiếm được một ít tiền. Hoặc nếu vội vã đầu tư kinh doanh thì cũng sẽ dục tốc bất đạt, tổn thất luôn số tiền dưỡng lão.
Đồng ý rằng trên đời vẫn có những câu chuyện thành công ở tuổi xế chiều, nhưng những người như vậy không nhiều. Và bạn không nhất thiết là một trong số họ.
Khi xưa, Chu Noãn Vương kế thừa nhà Chu. Lúc đó đã vào thời Chiến Quốc, nhà Chu trên danh nghĩa thì còn, nhưng thực tế đã sớm mất. Chu Noãn Vương không chịu nhận thua, vẫn nghĩ mình là một quân vương, nên đã đi vay tiền của các vương công đại thần và các quốc gia láng giềng, cầm cố đất đai cho nhà Tần. Khi có tiền rồi, ông ta xây dựng cung điện uy nga, tận hưởng cuộc sống sang trọng.
Có một lần bị chủ nợ tìm đến, Chu Noãn Vương chỉ có thể trốn dưới gầm bàn, không có tiền trả nợ. Do đó mà lưu lại một câu tục ngữ dân gian rằng: “Nợ như chúa chổm.”
Người xưa có câu: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.”
Khi không còn nơi nào để đi, mà bạn vẫn cố chấp tiến về phía trước, bạn có thể sẽ tự đâm đầu vào ngõ cục, dính vào những cái bẫy không đáng.
- Lùi một bước trời cao biển rộng
Trong Đạo Đức Kinh nói: “Kẻ dũng sẽ chết vì chữ dũng. Kẻ không dũng mãnh thì sẽ sống nhờ điều đó.”
Những người quá cương thì giống như thân cây khô vậy, rất dễ gẫy. Những người có trí tuệ thì luôn khiêm tốn, họ chỉ mỉm cười và cúi đầu. Hành động này là để cho bản thân họ nhu lại, giúp họ có thể thích nghi với các môi trường và loại người khác nhau, từ đó, bình an mà sống tiếp.
Do đó, tùy vào dòng chảy của cuộc sống và sự biến hóa của hoàn cảnh, bạn nên chọn lựa lúc thích hợp, lui một bước, đó mới là trí tuệ.
Đầu tiên, khi thắng thì đừng đuổi cùng giết tận. Biết nhường một bước thì sẽ an toàn hơn.
Nhiều người khi giành được thắng lợi rồi thì rất thích thừa thắng xông lên, đắc ý không thôi, từ đó làm ra những hành động đuổi cùng giết tận kẻ địch. Nhưng bạn nên biết rõ một điều rằng, bản thân đã thắng thì cũng đã tiêu hao quá nhiều năng lượng rồi, hiện tại, điều cần làm chính là nghỉ ngơi, tịnh dưỡng.
Trong thời Bắc Tống, tướng quân Địch Thanh đóng quân ở Kính Nguyên, nên thường đụng độ với kẻ địch bên ngoài biên giới. Có một lần, quân địch bại trận, bỏ chạy để giữ mạng. Binh sĩ của Địch Thanh nắm chặt nắm đấm muốn đuổi theo, nhưng ông đã hạ lệnh lui quân.
Ông nói: “Lỡ như quân địch đột nhiên dừng lại, tiếp tục chiến đấu với chúng ta thì như thế nào? Lỡ như quân địch chỉ đang giả vờ rút lui thì sao?”
Chỉ một câu nói mà thức tỉnh tam quân. Các đại thần khen ngợi Địch Thanh hết lời: “Thấy lợi nhưng vẫn có thể nhịn được, đó chính là điểm nổi bật của Địch Thanh.”
Nếu đã thu được cái lợi mà mình muốn thì đừng nên tiếp tục tham, đó chính là cái hơn người của kẻ trí.
Thứ hai, khi tình hình hỗn loạn: đừng dại mà dây vào, âm thầm tránh đi mới là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân.
Nếu như bạn bị vây bên trong một vòng tròn toàn là những việc và người thị phi, thì không nên lên tiếng thuyết phục ai, cũng không nên nhúng tay vào. Người có trí sẽ biết âm thầm “bỏ đi”.
Nếu một lượng lớn người có trí rút khỏi nơi náo loạn, thì nơi náo loạn sẽ dần trở nên an tĩnh, cục diện sẽ được thay đổi. Cho nên, chỉ có một câu, nên lùi lại thôi, ít lo chuyện thị phi, dưỡng tinh thần.
Thứ ba, khi ta đạt đến đỉnh cao: đừng ngồi đó quá lâu, hãy học cách chủ động bước xuống.
Một núi không thể có hai hổ. Hầu như ai cũng biết đạo lý này, nhưng mọi người ai cũng đều muốn bản thân ngồi mãi trên đỉnh cao, không chịu đi xuống. Đợi cho đến một ngày bị người khác đuổi xuống, thì mới vừa tức giận lại vừa xấu hổ rời khỏi vị trí.
Phong thủy luân chuyển. Bạn đã dành được phong thủy tốt trong một thời gian, thế là đủ rồi. Khi này nhường một bước, người khác sẽ thấy bạn độ lượng.
Như câu: “Muốn tiến thì hãy nghĩ đến việc lùi, muốn nắm giữ thì nhất định phải học buông.” Sự lùi bước đôi khi lại hỗ trợ cho sự tiến lên sau này.
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật