Hình ảnh 4 người con nhỏ ủng hộ bán nhà để người mẹ khởi nghiệp khiến nữ doanh nhân này không bao giờ quên nhắc nhở mình phải nỗ lực hơn nữa trong công việc.
“Tôi thực sự không muốn làm CEO” là những gì mà nhà sáng lập Angie Cella của Blinger chia sẻ trên chương trình Shark Tank.
Người mẹ đơn thân nuôi 4 đứa con này đã dành 4 năm để phát triển một sản phẩm để rồi ngập trong khoản nợ 1,7 triệu USD. Bà Cella thậm chí đã phải bán nhà để giữ startup này vận hành.
Cuối cùng khi doanh nghiệp dần thành công với 4,2 triệu USD doanh số năm 2023, người mẹ này lại lên Shark Tank gọi vốn vì bản thân không có kinh nghiệm quản lý tài chính cũng như doanh nghiệp, mong mỏi sự trợ giúp về kiến thức hơn là tiền bạc từ các “Cá mập” (Shark)- những nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình Shark Tank.
Shark Kevin O’Leary và Mark Cuban đều từ chối dự án này vì nhà sáng lập Cella quá thiếu kinh nghiệm, trong khi Shark Robert Herjavec và Lori Greiner cũng không muốn tham gia.
“Wow, bạn đang có một mớ rắc rối phải giải quyết đấy”, Shark O’Leary nói.
“Bạn thậm chí chưa thể kêu gọi đầu tư ngay được vì mọi thứ vẫn còn quá rắc rối”, Shark Cuban cho hay.
Tuy nhiên nữ “Cá mập” duy nhất trong chương trình là Barbara Corcoran lại đề nghị đầu tư 200.000 USD đổi lấy 25% cổ phần với điều kiện Cella phải đến New York để vị Shark này có thể cùng tái cơ cấu lại bộ máy vận hành doanh nghiệp.
“Hãy đến New York với tôi, dành một vài tiếng để sắp xếp lại mọi thứ”, Shark Corcoran đề nghị.
Bà Cella đồng ý với thêm một điều kiện là Shark Corcoran phải tài trợ cho mọi chi phí bán hàng mới mà Blinger có được.
“Tôi sẽ trả tiền cho bất cứ gì bạn cần miễn là vẫn có đơn hàng”, nhà đầu tư Corcoran tự tin trả lời.
Chỉ 6 tiếng sau khi chương trình phát sóng, Blinger đã bán được 77.000 USD doanh số và doanh thu 1 tuần sau đó đạt đến 242.000 USD.
Chải đầu cho con gái
Năm 2014, bà Cella chải đầu cho người con gái nhỏ Cambria và nảy ra ý tưởng đính một số ngọc nhựa lên tóc của bé. Từ ý tưởng này, Cella bắt đầu phát triển nên sản phẩm thiết bị chải tóc kết hợp gắn ngọc nhựa tự động với giá 49,99 USD cho người lớn và 29,99 USD cho trẻ con.
Mặc dù vậy, ban đầu Cella chỉ có kỹ năng bán hàng mà không hề có kinh nghiệm về phát triển sản phẩm, quản lý tài chính cũng như bất kỳ kỹ năng mềm nào cho khởi nghiệp. Người mẹ đơn thân phải lên chợ trực tuyến Upwork để tìm những kỹ sư tự do và đặt hàng họ phát triển ý tưởng của mình thành sản phẩm.
“Vị kỹ sư đầu tiên đốt hết một nửa tiền tiết kiệm của tôi, vị thứ 2 thì tiêu hết số còn lại cộng thêm 200.000 USD tiền nợ”, bà Cella nhớ lại.
Thất bại này tưởng chừng như sẽ đè bẹp người mẹ đơn thân nhưng Cella vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp vì không muốn 4 người con thất vọng. Những lần phát triển sau đó liên tiếp khiến Cella lâm vào cảnh nợ nần.
Năm 2018, Cella tiếp tục tìm kiếm một vị kỹ sư thứ 5 để hoàn thiện sản phẩm đính ngọc nhựa như một dạng đồ chơi cho trẻ em. Thế nhưng lúc này Cella đã hết sạch tiền và gần như phải cầu xin vị chuyên gia này chấp nhận thanh toán sau.
“Tôi nghĩ rằng vị kỹ sư đó có chút thương hại mẹ con tôi”, bà Cella ngậm ngùi nhớ lại thời kỳ khó khăn đó.
Sau khi sản phẩm được hoàn thành, Cella đi đến một quyết định cực kỳ khó khăn là bán nhà để thanh toán chi phí cho kỹ sư cũng như khởi nghiệp với sản phẩm mới. Người mẹ đơn thân lúc này đang gánh trên vai khoản nợ 1,7 triệu USD.
“Tôi chẳng thể vay nợ từ đâu nữa bởi chẳng ai muốn đầu tư vào ý tưởng này”, bà Cella nhớ lại.
“Tôi nói với các con rằng: ‘Sẽ thế nào nếu mẹ bán nhà?’. Với phần lớn trẻ em thì đó thật là một câu hỏi kỳ lạ nhưng những đứa con nhà thôi thì chỉ nghĩ 1 lúc rồi trả lời: ‘Mẹ hãy làm đi mẹ ạ!’”, bà Cella nghẹn ngào cho biết bản thân đều đau lòng mỗi khi nhớ lại hình ảnh đó, qua đó tiếp thêm động lực làm việc bất chấp khó khăn.
Vậy là người mẹ đơn thân bán nhà cùng hầu như toàn bộ tài sản để chuyển đến vùng ngoại ô thuê một căn hộ. Ban ngày, bà Cella đi làm thêm và chăm những đứa con, đến khi con đi ngủ buổi tối, người mẹ này mới bắt đầu liên hệ với đối tác ở Trung Quốc nhằm đặt hàng sản phẩm từ các nhà máy tại đây.
Thành công của người mẹ
Cũng trong năm 2018, Cella ký hợp đồng với Wicked Cool Toys để đưa sản phẩm Blinger của mình lên các kệ hàng Walmart, Target và Amazon. Sản phẩm này đã đem về 20 triệu USD doanh số cho Wicked năm 2019.
Đến năm 2021, người mẹ đơn thân Cella đã mua nhà mới để chuyển 4 người con của mình về ở, thay thế cho những ngày tháng thuê nhà vùng ngoại ô, sống tằn tiện để khởi nghiệp. Đây cũng là lúc Cella vơi bớt sự áy náy với những người con khi từng phải bán nhà và để lũ trẻ sống kham khổ vì giấc mơ khởi nghiệp của mình.
Dẫu vậy, thách thức vẫn chưa chấm dứt khi Wicked Cool Toys bị bán lại và ông chủ mới không quan tâm lắm đến Blinger như trước. Hãng để hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường và buộc Cella phải đàm phán đòi lại bản quyền để tự kinh doanh.
Mặc dù sản phẩm vẫn bán được hàng và có lợi nhuận đến 2,5 triệu USD nhưng hiện cái Cella cần là vận hành bộ máy trơn tru cũng như phát triển theo đúng ý tưởng của mình. Phần lớn lợi nhuận của Cella đang phải bù vào chi phí lưu kho các sản phẩm thừa vì không có người lên kế hoạch dự trù.
“Chúng tôi không có giám đốc tài chính và cũng cần thêm kế toán. Tôi cần một người có thể biết cách vận hành doanh nghiệp cho tôi”, bà Cella than thở vì hoàn toàn bỡ ngỡ sau nhiều năm phó mặc cho Wicked phụ trách vận hành.
May mắn thay, sự tham gia của Shark Corcoran đã giúp đỡ cho Cella rất nhiều.
“Tôi có một thương vụ với một nữ doanh nhân tài giỏi thấy được tiềm năng trong tôi”, bà Cella tự hào nói.
*Nguồn: CNBC-Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ