Nguyện vọng của rất nhiều người là tìm được một nơi phong thủy bảo địa cho người thân của mình, nhưng nếu vi phạm thiện tâm, vi phạm nguyên tắc đạo đức, thì kết cục điều gì sẽ xảy ra?
Vào thời nhà Thanh, có một phú ông họ Từ ở huyện Hấp, tỉnh An Huy, chuẩn bị chôn cất người thân của mình, đi khắp nơi tìm kiếm nơi phong thủy cát địa. Ông tìm được một thầy phong thủy, nhưng dù lặn lội khắp núi rừng nhưng vẫn không tìm được nơi nào tốt. Có một lần tình cờ đi ngang qua nhà một người tiều phu, thầy phong thủy nói: “Nơi đây có nhiều núi bao bọc, là nơi phong tàng khí tụ, thực sự là một nơi phong thủy tốt”. Từ Ông nghe xong liền hỏi: “Thế thì tại sao gia đình ở đây lại nghèo khó thế này?” Thầy phong thủy đáp: “Mảnh đất này chỉ thích hợp âm trạch, không thích hợp dương trạch”.
Từ Ông đã ủy thác một người đến gặp người tiều phu, và nói rằng muốn mua mảnh đất mà họ đang sống. Ông lão tiều phu nói: “Miếng đất này là của tổ tiên chúng ta để lại, dù có trả thêm bao nhiêu tiền cũng không bán được”. Trong gia đình Từ Ông có một vị thực khách họ Chu. Thực khách là người gửi thân vào những gia đình quyền quý, bàn công chuyện giúp chủ nhân vào thời cổ đại. Chu mỗ là người lắm mưu mô, giỏi ăn nói, đã cố gắng đi thuyết phục người tiều phu một lần nữa, nhưng cuối cùng cũng không thể thuyết phục ông lão.
Khi người họ Chu chuẩn bị rời đi, ông ta nhìn thấy một tiểu nữ có khuôn mặt thanh tú đang gánh củi vào cổng. Họ Chu hỏi: “Đây có phải là viên minh châu trong nhà lão không?” Ông lão tiều phu đáp: “Vợ chồng già của tôi không có con trai, chỉ có một đứa con gái này”. Họ Chu liền hỏi cô gái đã xuất giá chưa? Ông lão trả lời, chưa.
Sau khi Chu mỗ trở về, liền nói với Từ Ông: “Có một cách. Trong gia đình lão ấy có một cô con gái trạc tuổi tam công tử của ngài, nếu cưới cô bé về làm con dâu của ngài, thì có thể đắc được mảnh đất ấy”. Từ Ông nói: “Gia đình ông lão chỉ là tiều phu, làm sao có thể làm thông gia với gia đình tôi được!” Họ Chu nói: “Ngài hà tất phải câu nệ thủ cựu vậy, sau khi mảnh đất này lấy được rồi, thì việc lưu hay bỏ con bé kia, chẳng phải đều do ngài sao”.
Theo đó, Chu mỗ lại được phái đến làm mai mối, lúc đầu lão tiều phu cự tuyệt với lý do thân phận bất xứng, nhưng rồi Chu mỗ đi đi lại lại tới bốn lần, ngon ngọt dỗ dành, cuối cùng đối phương đồng ý. Đến cuối năm, nhà họ Từ vội vàng tổ chức hôn sự, giúp hai người thành hôn. Nhà họ Từ dù thực chất không muốn có hôn sự này, nhưng họ có mưu mô khác; còn gia đình nhà tiều phu thì cả đời nghèo khó, do vậy họ cũng không biết quy cách nghi thức của hôn lễ, cũng không kén chọn, chỉ cần con gái mình lấy được chồng tốt là họ nguyện ý.
Sau khi hai gia kết thân, Từ Ông nói với thân nhân người đốn củi: “Gia đình tôi còn rất nhiều phòng trống, hay là cả nhà lão chuyển đến đây, nữ nhi vừa kết hôn, vẫn có thể gặp cha mẹ ngày đêm, ở đây cũng đỡ tịch mịch hơn”. Lão tiều phu cảm động, e con gái đau lòng, hai vợ chồng liền cùng chuyển đến nhà Từ gia.
Ban đầu, Từ Ông tỏ vẻ đon đả với họ như thể những người bạn. Sau khi Từ Ông nhìn thấy cơ hội đã chín muồi, liền nói chuyện về mảnh đất này một lần nữa. Lão tiều phu không chút phàn nàn, vui vẻ nói: “Từ khi chúng ta trở thành thân gia, căn nhà dột nát của chúng tôi hiện nay không có người ở, vậy hãy coi nó là lễ vật tặng ông”.
Từ Ông cuối cùng đã có được mảnh đất trong mơ. Ông ta chọn ngày lành và tìm thầy phong thủy để động thổ, đào một cái hố, sau khi đào sâu mấy thước thì đào được một tấm bia đá không lành lặn với dòng chữ: “Cư thử tuyệt, táng thử cát”, ý tứ là sống ở đây thì tuyệt đường, chôn cất ở đây thì may mắn. Lúc đó ông ta mới ngộ ra lời thầy phong thủy đã nói là chân thực, đây là mảnh đất hợp âm trạch chứ không hợp dương trạch.
Một vài năm sau khi Từ gia hạ táng tại mảnh đất đó, tài phú của họ gia tăng từng ngày. Từ Ông chu cấp cho con trai trưởng học hành theo đường công danh, làm đến huyện lệnh ở Thiểm Tây; con trai thứ hai cũng đỗ lục thủ trong kì thi hương. Kết quả là chỉ một bước Từ gia đã thành thân phận quan chức địa phương. Nhưng người con trai thứ ba, con rể của lão tiều phu, thì trái lại rượu chè, cờ bạc, đón gái điếm từ phong nguyệt trường về làm vợ bé. Người vợ cả, con gái nhà tiều phu, chỉ cần hơi có ý kiến về việc này thì hắn liền trở mặt không công nhận thân phận, quan hệ vợ chồng giữa hai người đổ vỡ.
Con gái của người tiều phu sau đó đã nói với cha mẹ chồng về chuyện này, nhưng Từ Ông không chỉ không quản, mà còn nói: “Mày sinh ra là con gái nhà nghèo, kiến thức nông cạn, công tử nhà đại gia nay ngủ đông mai ngủ tây là chuyện bình thường, tam thê tứ thiếp cũng là bình thường, làm sao có thể tương bỉ với con nhà nông dân chưa giá thú đây?”
Cô vợ bé nghe được chuyện lại càng làm phách không kiêng nể, ngày nào cũng nói chuyện phòng the trước mặt chồng, rồi bịa đặt ra những sự tình nhằm vu hãm nàng. Con gái của lão tiều phu bị vu hãm không cách nào thanh minh, trong tâm vô cùng u uất, ít lâu đã qua đời. Người mẹ già của nàng thập phần thống khổ trước cái chết của con gái mình, sau đó cũng qua đời. Cuối cùng, lão tiều phu bị đuổi ra khỏi nhà, lão trở về nơi ở cũ và khóc lóc thảm thiết dưới ngôi mộ mới của nhà họ Từ, cuối cùng chết trong phẫn uất và bi thương. Cả nhà lão tiều phu đã bị người ta hại chết như vậy.
Vài ngày sau, có một trận mưa giông gió bão rất lớn. Một tia sét đã đánh trúng ngôi mộ nhà họ Từ, quật tung ngôi mộ lên và đánh vỡ quan tài trong mộ. Sau khi Từ Ông phát hiện, ông ta đã cho đặt lại quan tài và chôn cất lại. Lần này đào lên, ông ta lại nhận được một tấm bia bị vỡ có ghi: “Nghĩa tắc cát, bất nghĩa tắc tuyệt” – ý tứ là người có nghĩa thì may mắn, kẻ bất nghĩa thì tuyệt lộ. Nguyên lai nó nằm trên cùng một bia đá nhưng ở mặt sau.
Ngày cải táng, tam công tử chết thảm. Đến năm thứ hai, người con trai thứ hai đến Bắc Kinh để tham gia kỳ thi Bộ Lễ, nhưng cậu ta bị tai nạn và chết trên đường đi. Người con trai cả là một quan chức ở Thiểm Tây, vì chiếm hữu phi pháp quân lương, bị trừng phạt và kết án tử hình. Từ Ông không còn gì để nương tựa trong những năm tháng cuối đời, mất nhà mất cửa và chết trong đau khổ.
Còn vị thực khách họ Chu, một lần tình cờ đi ngang qua mộ Từ Ông, nhìn thấy lão tiều phu chắp tay làm lễ rồi chuyển thân mà nhập, ngôi nhà cũ vẫn còn chỗ đó, ông ta bàng hoàng, sợ hãi bỏ chạy về nhà kể lại chuyện vừa thấy với gia đình, chưa kịp nói xong bỗng hét lên: “Lão tiều phu lại đến rồi!”, nói xong thổ ra máu mà chết.
Có thể thấy, dù là nơi phong thủy bảo địa, thì cũng cần phải có phúc đức, có nhân nghĩa thì mới có tác dụng; Người không có phúc đức, không có nhân nghĩa, dù có tìm được phong thủy bảo địa thì cũng chỉ bại lạc mà thôi.
Như cư sĩ Đông Hồ thời nhà Minh, đã viết trong bài thơ “Tiền Nhân Phu” của mình: “Tầm sơn bản bất vi thân mưu, đại bán đa nhân phú quý cầu. Khẳng tín nhân gian hảo phong thủy, sơn đầu bất tại tại tâm đầu” , ý tứ là người ta đi tìm nơi phong thủy cát địa không phải vì tốt cho người thân, mà đa phần là vì cầu phú quý cho mình. Nhưng nơi phong thủy tốt nhất ở nhân gian không phải ở trên núi, mà ở trong tâm mỗi người. Lại có Kham Dư Gia viết: “Hành quá tiền sơn hựu hậu sơn, tầm long bất kiến hựu không hoàn; Tưởng ứng tương khứ vô đa lộ, chỉ tại linh đài phương thốn ‘[tâm] gian”, ý tứ là đi hết núi này lại đến núi khác tìm long mạch đều không thấy, nghĩ là hết đường tìm thấy rồi, mới biết phong thủy nằm tại chính trong tâm này mà thôi.
Theo Epoch Times-Hương Thảo biên dịch