Khi số vốn ban đầu dần cạn kiệt, Jeff đã nhận được sự ủng hộ của vợ mình là Erica và anh đã đem quà cưới của hai người đi bán để có tiền cho Twilio hoạt động. Chỉ tới khi chơi khăm người khác, Twilio mới ổn
Ngày 15/9/2008, Jeff Lawson và hai người đồng sáng lập có một cuộc họp với các nhà đầu tư tiềm năng ở Thung lũng Silicon để huy động vốn cho startup mang tên Twilio của họ. Thế nhưng thật không may, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ là Lehman Brothers đã đệ đơn xin phá sản vào ngay tối hôm trước và ảnh hưởng rất lớn tới các bên liên quan. Đây là một trong những khoảnh khắc gây chấn động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tại thời điểm đó.
Jeff nhớ lại: “Ba người đều nghĩ rằng có lẽ ý tưởng của chúng tôi thật ngu ngốc và không biết có nên tiếp tục hay không“. Ý tưởng của Jeff, Evan Cooke và John Wolthuis là một doanh nghiệp phần mềm giúp các công ty tự động hóa việc liên lạc với người dùng của mình bằng tin nhắn văn bản hoặc những cuộc gọi thoại và video.
Twilio hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tự động hóa liên lạc với khách hàng.
Ngày nay, Twilio có giá trị khoảng 14 tỷ USD và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Năm 2018, công ty có trụ sở tại San Francisco của Jeff có doanh thu 650 triệu USD. Trong số hàng ngàn khách hàng của họ có một số công ty quen thuộc như Uber, WhatsApp, Coca-Cola, Twitter, AirBnB, eBay và nhà bán lẻ đến từ Anh Marks & Spencer.
Bạn nhận được tin nhắn văn bản tự động từ tài xế Uber là nhờ công nghệ của Twilio. Tương tự, nếu bạn gọi điện cho Marks & Spencer, công nghệ của Twilio sẽ định tuyến cuộc gọi.
Trở lại thời điểm tháng 9/2008 khi việc gọi vốn thất bại, Jeff chia sẻ rằng anh cảm thấy công ty mà họ thành lập cách đó nửa năm đã quay trở về vạch xuất phát. Cuối cùng, họ đã quyết tâm duy trì kinh doanh bằng việc vay mượn từ gia đình và bạn bè để phát triển sản phẩm. Khi số vốn ban đầu dần cạn kiệt, Jeff đã nhận được sự ủng hộ của vợ mình là Erica và anh đã đem quà cưới của hai người đi bán để có tiền cho Twilio hoạt động.
Khách hàng đầu tiên của Twilio là một người đàn ông thiết kế trang web để giúp mọi người tìm lại điện thoại bị mất. Sau đó, ba nhà đồng sáng lập đã làm cho quá trình tự động hơn.
Ba nhà sáng lập Twilio
Một bước ngoặt lớn đã xảy ra vào tháng 11/2008 khi Twilio quyết định “khoe” công nghệ của mình bằng việc chơi khăm blogger có ảnh hưởng nhất thời kỳ đó, người sáng lập trang web tin tức công nghệ Tech Crunch, Michael Arrington bằng bài hát Never Gonna Give You Up. Việc làm này của Twilio đã thu hút sự chú ý của hãng thu âm Sony Music và họ đã liên lạc với Jeff vào ngày hôm sau để hợp tác.
Với việc có khách hàng lớn như Sony Music, Jeff đã tự tin tìm đến các nhà đầu tư từng từ chối mình trước đây. Và lần này, họ đồng ý đầu tư 1 triệu USD cho Twilio. Tiếp đó, công ty đã gọi vốn thành công 261 triệu USD và tiến hành IPO năm 2016. Ở thời điểm hiện tại, Twilio có 16 văn phòng tại 10 quốc gia với hơn 1.200 nhân viên.
Twilio IPO năm 2016.
Mô hình kinh doanh của Twilio tính phí các công ty trong mỗi lần giao tiếp với khách hàng. Một tin nhắn văn bản đơn giản ở Mỹ có giá 0,0075 USD. Nghe có vẻ ít nhưng khi doanh nghiệp nhắn tin cho hàng chục triệu khách hàng, con số đó sẽ tăng lên đáng kể.
Lớn lên ở Detroit, năm 13 tuổi Jeff đã ra mắt một công ty sản xuất video. Sự kiện đầu tiên của anh là bữa tiệc của một em bé ba tuổi. Khi tốt nghiệp trung học, anh đã có thể quay video đám cưới và kiếm được 15.000 USD từ công việc này.
Ngoài ra, Jeff còn học lập trình và viết chương trình máy tính cho công ty của cha mình, nơi cung cấp phần mềm cho máy in công nghiệp. Lên đại học, anh theo học khoa học máy tính và tham gia khóa học về dựng video tại trường Michigan. Anh còn điều hành một công ty tên là Notes for Free giúp sinh viên chia sẻ ghi chú và tài liệu nghiên cứu trực tuyến. Sau đó, Jeff đảm nhiệm vị trí cao cấp tại công ty bán vé StubHub và Amazon trước khi ý tưởng về Twilio ra đời.
Thành công của Twilio một phần là nhờ thời điểm: Xuất hiện ngay khi các doanh nghiệp nhận ra rằng khách hàng của mình, đặc biệt là những người trẻ tuổi thích nhận được tin nhắn hơn là gọi điện thoại.
Tuy nhiên quá trình kinh doanh của công ty không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cổ phiếu của họ đã sụt giảm trong năm 2016 và 2017. Thậm chí còn có thời điểm Twilio mất hơn một nửa giá trị cho đến khi khởi sắc trở lại từ đầu năm 2018.
Kể từ đó đến nay, họ đã được đánh giá cao và nhận nhiều lời khen ngợi từ giới truyền thông cũng như các nhà đầu tư. Việc họ cần làm lúc này là chứng minh rằng doanh thu cao vọt của mình không bị thổi phồng và họ có thể tăng lợi nhuận khi công ty đang trên đà phát triển mạnh.
Theo Trí thức trẻ