Lòng tốt không thể đo được bằng tiền nhưng câu chuyện của 2 người đàn ông khiến mọi người có thêm niềm tin vào điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Tôn Thắng Vinh (SN 1972) đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nên chỉ được học hết bậc Tiểu học. Sau đó, Tôn Thắng Vinh chuyển đến Từ Châu (Giang Tô) để học cắt tóc tại cửa tiệm của anh trai. Trong quá trình học việc, Tôn Thắng Vinh không những nhiều lần bị khách hàng mắng vì trình độ tay nghề không cao, mà còn bị một số khách từ chối cho phục vụ.
Một lần, Tôn Thắng Vinh cắt hỏng tóc của vị khách. Trước thái độ sợ sệt của chàng trai trẻ, đối phương nói lời động viên Tôn Thắng Vinh và hẹn sẽ quay lại tiệm. Vị khách tên Trương Ái Dân, lúc này mới 24 tuổi.
Một thời gian sau, đúng như lời hẹn, Trương Ái Dân quay lại và yêu cầu Thắng Vinh trực tiếp cắt tóc cho mình. Mặc dù lần cắt tóc này tốn gấp đôi thời gian so với bình thường, song Trương Ái Dân vẫn trả tiền đầy đủ, còn nói lời động viên Thắng Vinh lúc này mới hơn 10 tuổi. Kể từ đó, Trương Ái Dân trở thành khách quen quán của tiệm, lần nào anh cũng đề nghị Tôn Thắng Vinh cắt tóc cho mình.
Năm 1987, do việc kinh doanh không tốt, anh trai của Thắng Vinh dẹp tiệm về quê sống. Thắng Vinh không muốn về nên chuyển đến Ôn Châu (Chiết Giang) làm việc trong một nhà máy. Cuối mùa thu năm 1987, Trương Ái Dân cũng đến Ôn Châu trong một chuyến công tác. Trong một con hẻm nhỏ, Trương Ái Dân gặp lại Tôn Thắng Vinh khi anh ta đang cầm tờ rơi tuyển dụng của nhà máy.
Cả hai rủ nhau đến một quán ăn gần đó. Tôn Thắng Vinh kể về cuộc sống của anh sau 3 tháng rời khỏi Từ Châu. Đầu tiên, anh làm công nhân đóng gói trong một nhà máy nhựa, sau đó chuyển đến làm tại một nhà máy sản xuất kính. Cuối cùng, anh đang làm công nhân lắp ráp dây chuyền trong một nhà máy giày.
Tôn Thắng Vinh đã thay đổi 3 công việc trong 3 tháng, mức lương giảm từ 42 NDT (~147 ngàn đồng) xuống còn 38 NDT (~133 ngàn đồng). Tôn Thắng Vinh vẫn giữ ước mơ là tiết kiệm đủ tiền để mở tiệm tóc riêng, nhưng công việc ở nhà máy vất vả, đồng lương lại ít ỏi khiến anh rất phiền lòng.
Biết được ước mơ này của Tôn Thắng Vinh, lúc này Trương Ái Dân đã tặng 1.000 NDT (~3,5 triệu đồng) để giúp em hoàn thành ước nguyện. Đây là số tiền khá lớn ở thời điểm đó. Ban đầu, Trương Ái Dân định dùng chúng để trả học phí cho con trai, nhưng bây giờ anh ta lại cho bạn mượn hết.
Sau này Tôn Thắng Vinh cho biết: “Tôi không nghĩ rằng anh ấy lại đưa cho tôi cả một năm lương của mình và nói rằng tôi hãy cầm lấy mà mở tiệm cắt tóc. Ơn này cả đời tôi không thể nào quên được”.
Sau đó, cả hai chia tay. Dẫu có khoản tiền của Trương Ái Dân nhưng công việc của Tôn Thắng Vinh không dễ dàng. Lượng khách đến tiệm ít, lợi nhuận thấp nên năm 1989, Tôn Thắng Vinh buộc phải đóng cửa, nhập ngũ mà không nói với Trương Ái Dân một lời nào.
Trong quân ngũ, Thắng Vinh viết thư kể mọi chuyện cho Ái Dân nghe. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lá thư không tới được tay Ái Dân. Hai người mất liên lạc với nhau từ đó.
Báo đáp ân nhân
Hết 2 năm nghĩa vụ, Thắng Vinh trở về quê hương. Sau đó, anh quyết định đi thành phố Madrid (Tây Ban Nha) kiếm tiền theo lời giới thiệu của chị gái. Trước đó chị gái anh đã chuyển đến Tây Ban Nha từ năm 1986, điều hành một công ty thương mại nhỏ, chủ yếu kinh doanh hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sau nhiều nỗ lực, Tôn Thắng Vinh đã tiết kiệm được một khoản tiền và bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cửa hàng bách hóa. Tiếp đó, anh thành lập công ty riêng và gặt hái được nhiều thành công ở xứ người. Đầu năm 2000, công ty của Tôn Thắng Vinh đã trở thành một trong những công ty thương mại châu Âu thành công nhất ở Madrid. Ngoài rượu vàng đỏ, công ty còn bán dầu ô liu, giăm bông và các món ăn đặc sản khác của Tây Ban Nha.
Trong khi sự nghiệp không ngừng phát triển, Tôn Thắng Vinh vẫn luôn nhớ đến ân nhân cũ. Anh đã nhiều lần nhờ bạn bè hỏi thăm tung tích Trương Ái Dân. Tuy nhiên, do điều kiện liên lạc còn hạn chế vào thời điểm đó, nhà máy nơi Trương Ái Dân từng làm việc, cũng đã thay đổi cơ cấu nên khó tìm kiếm thông tin về anh Trương.
Năm 2008, Tôn Thắng Vinh trở về Trung Quốc và đến Từ Châu để tìm lại anh Trương Ái Dân nhưng không thể tìm được. Đến tháng 7/2012, Tôn Thắng Vinh phải tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát và cuối cùng đã tìm được ân nhân.
Ngày 23/7/2012, Tôn Thắng Vinh đáp chuyến bay từ Tây Ban Nha về Trung Quốc để gặp người anh ân nhân sau 25 năm xa cách.
Vừa nhìn thấy Trương Ái Dân, Tôn Thắng Vinh đã chạy đến ôm chầm anh. Sau khi đoàn tụ, Tôn Thắng Vinh hỏi thăm tình hình của anh Trương và biết rằng anh vẫn ở nhà cũ, cuộc sống cũng bình yên qua ngày. Lúc này, Tôn Thắng Vinh muốn tặng anh Trương căn nhà nhưng bị đối phương kịch liệt phản đối.
Để trả lại ân tình năm xưa, Tôn Thắng Vinh đã nói với Trương Ái Dân hãy cân nhắc về việc đầu tư cho một khu công nghiệp về rượu vang ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc – quê nhà của anh Trương. Khu công nghiệp này cách nhà anh Trương chưa đầy 3km. Bên trong khu công nghiệp không chỉ có khu vực sản xuất rượu mà còn có bảo tàng rượu, trung tâm nếm thử rượu và trường đào tạo kỹ thuật để đào tạo kỹ năng nghề miễn phí cho thanh niên địa phương.
Tôn Thắng Vinh sẵn sàng bỏ 10 triệu NDT (~35 tỷ đồng) để anh Trương trở thành chủ tịch, điều hành toàn bộ nhà máy. Số tiền 10 triệu NDT này bao gồm tiền gốc 1.000 NDT vay trong năm đó, cũng như lãi suất và phí gia tăng qua từng năm. Tấm lòng chân thành này của Tôn cuối cùng đã khiến anh Trương động lòng. Tháng 4/2013, khu công nghiệp chính thức khởi công xây dựng. Cho đến nay, khu công nghiệp vẫn được phát triển tốt, hàng năm tạo ra nhiều công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Nói về quyết định tặng 10 triệu NDT năm nào, Tôn Thắng Vinh bày tỏ: “Đây chỉ là mối liên kết của tôi và Trương đại ca, chỉ cần anh ấy sống bình yên thì đối với tôi đã đủ rồi”. Sau khi đoàn tụ với Trương Ái Dân, Tôn Thắng Vinh thường xuyên về Trung Quốc hơn.
Còn về phía Trương Ái Dân, có lẽ anh cũng không ngờ rằng một hành động nhỏ của bản thân lại đổi lấy món quà giá trị đến như thế. Tất nhiên, lòng tốt không thể đo được bằng tiền nhưng việc làm của Trương Ái Dân và Thắng Vinh khiến mọi người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Theo Sohu, Toutiao-Theo Nguyệt