Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Uỷ ban Dân tộc nêu rõ nguyên tắc Ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025.
Theo đó, Nội dung 03 về chính sách “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” nêu rõ, đối tượng áp dụng thuộc 4 nhóm:
Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Thứ 2, các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ 3, các trường đại học có đông sinh viên dân tộc thiểu số theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các xã đặc đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ 4, hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc: Mỗi xã đặc biệt khó khăn có ít nhất 1 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ;
Đặc biệt “ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình”.
Về nội dung, định mức hỗ trợ được “thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 15/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính”, trong đó quy định về “Hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể:
Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 05 khóa/mô hình;
Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 05 hợp đồng/mô hình; Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.
Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc nhóm được hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh. Ảnh minh hoạ L.T
Về Hỗ trợ chi phí vận hành các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, tại các trường đại học và Văn phòng điều phối Chương trình thuộc Ủy ban Dân tộc. Cụ thể như: Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng kết nối điện tử hỗ trợ trực tuyến theo dự án hoặc đề cương chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa 01 tỷ đồng/trung tâm;
Hỗ trợ gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi và thu hút đầu tư (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp), mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/trung tâm (không bao gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng);
Hỗ trợ triển khai các khóa tập huấn khởi sự kinh doanh cho người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp, hợp tác xã tại khu vực đặc biệt khó khăn. Nội dung và mức chi theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, nhưng tối đa 150 triệu đồng/lớp và không quá 05 lớp/năm;
Hỗ trợ tổ chức hoạt động chợ phiên kết nối sản phẩm và thu hút thường niên (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp) với mức hỗ trợ là 45 triệu đồng/phiên chợ và không quá 02 phiên chợ trong 01 tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 48 tháng…
Theo PNVN