Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai (26/8) đã phát đi tuyên bố nói rằng Trung Quốc đang thực hiện “can thiệp cưỡng bức” đối với các hoạt động dầu khí tại vùng biển của Việt Nam. Bộ này cũng cáo buộc chế độ Bắc Kinh đang sử dụng “chiến thuật bắt nạt” Việt Nam.
Theo Reuters, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 có đoạn nói: “Gần đây, Trung Quốc đã sử dụng lại can thiệp cưỡng bức đối với các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.”
Ngũ Giác Đài nói rằng các hoạt động của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đưa ra trong bài phát biểu ở Singapore vào đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ “tuân thủ con đường phát triển hòa bình”.
“Trung Quốc sẽ không giành được niềm tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì chiến thuật bắt nạt,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Tuyên bố chỉ trích Trung Quốc bắt nạt Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ được phát đi chỉ vài ngày sau khi có thông tin cho biết tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc hôm thứ Bảy (24/8) đã mở rộng hoạt động gần bờ biển Việt Nam hơn.
Reuters dẫn thông tin từ trang Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu biển quốc tế cho biết tàu Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc cùng ít nhất 4 tàu hộ tống hôm 24/8 tiếp tục hoạt động khảo sát tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc ở vị trí cách đảo Phú Quý, Việt Nam khoảng 102km và cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185km.
Trung Quốc điều tàu Hải Dương Địa chất 8 vào EEZ của Việt Nam từ đầu tháng trước để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn kéo dài nhiều tuần. Động thái này của chế độ Bắc Kinh đã kích hoạt căng thẳng giữa các tàu quân sự và cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có thông tin rõ ràng về đụng độ thực tế giữa lực lượng chấp pháp biển hai nước.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc leo thang bắt nạt Việt Nam trên Biển Đông.
Hôm 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus bày tỏ quan ngại của chính phủ Mỹ đối với việc Bắc Kinh liên tục quấy nhiễu và gây sức ép lên hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam.
Trong thông cáo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Ortagus nói:
“Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động dầu khí lâu dài của Việt Nam trong khu vực được tuyên bố là Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này làm dấy lên một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Ứng xử của Các bên ở biển Đông, đối với giải pháp hòa bình trong các tranh chấp hàng hải.
Việc Trung Quốc tái diễn điều động tàu khảo sát chính phủ, cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính vào ngày 13/8 chứng tỏ Bắc Kinh đã leo thang nỗ lực đe dọa những nước có tuyên bố chủ quyền khác hòng ép họ từ bỏ phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông.”
Từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 vào EEZ của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải rút con tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Lần gần nhất, hôm 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 23/8 cũng lần đầu lên tiếng về tình hình Biển Đông. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Úc tại Hà Nội, Thủ tướng Phúc nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, và phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982…”
Như Ngọc