Triều Tiên đã không phản ứng với các hoạt động ngoại giao hậu trường kể từ giữa tháng 2 của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ngay cả khi phía Mỹ tiếp cận phái bộ Bình Nhưỡng tại Liên Hợp Quốc, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tiết lộ với Reuters.
Việc này đặt ra câu hỏi về cách ông Biden giải quyết vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Diễn tiến này cũng bổ sung một khía cạnh mới trong các cuộc thảo luận Mỹ-Hàn-Nhật, khi ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm hai nước này vào tuần tới, nơi mối quan tâm về kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên dự kiến sẽ là một ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Quan chức cấp cao của chính quyền Biden, đề nghị giấu tên, tiết lộ một số chi tiết về việc thúc đẩy ngoại giao, rằng đã có những nỗ lực liên hệ với chính phủ Triều Tiên “thông qua một số kênh, bắt đầu từ giữa tháng Hai, bao gồm cả ở New York (nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc-PV)”.
Quan chức này nói: “Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Bình Nhưỡng”.
Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc chưa trả lời trước đề nghị bình luận từ Reuters.
Chính quyền Biden cho đến nay vẫn thận trọng trong việc mô tả công khai cách tiếp cận của mình đối với Triều Tiên, nói rằng họ đang thực hiện đánh giá chính sách toàn diện sau một thời gian Tổng thống Donald Trump tỏ ra thân mật với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhưng ông Trump đã thất bại trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Vị quan chức chính quyền Biden nói có vẻ không có đối thoại tích cực giữa Mỹ và Triều Tiên trong hơn một năm qua, kể cả vào thời kỳ cuối của chính quyền Trump, “mặc dù trong thời gian đó Mỹ đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy”.
Vị quan chức Mỹ từ chối suy đoán về việc sự im lặng Bình Nhưỡng ảnh hưởng như thế nào đến các đánh giá chính sách về Triều Tiên của chính quyền ông Biden, dự kiến hoàn thành trong những tuần tới.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden đã mô tả ông Kim là một “kẻ côn đồ” và nói rằng ông sẽ chỉ gặp ông Kim “với điều kiện ông ta đồng ý giảm năng lực hạt nhân của Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu ra khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung, phối hợp với các đồng minh, để thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Các biện pháp trừng phạt cho đến nay vẫn không thuyết phục được ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc nói Triều Tiên duy trì và phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong suốt năm 2020.
Báo cáo của các nhà giám sát các lệnh trừng phạt độc lập nói Bình Nhưỡng “sản xuất vật liệu phân hạch, duy trì các cơ sở hạt nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo” trong khi tiếp tục tìm kiếm vật liệu và công nghệ cho các chương trình đó từ nước ngoài.
Theo Tiền Phong