Trung Quốc đang gây sức ép đồng thời lên các láng giềng bằng những chuyến bay quân sự, các cuộc tuần tra trên biển và cả tàu hút cát – theo NBC News (Mỹ).
Chiến thuật sức ép không ngừng
Các quan chức chính phủ Mỹ và các chuyên gia khu vực cho biết Trung Quốc đang nỗ lực làm suy yếu các láng giềng bằng các chiến thuật gây sức ép không ngừng nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình và sử dụng máy bay quân sự, tàu dân quân biển và tàu hút cát để chiếm ưu thế tiếp cận ở các khu vực tranh chấp.
Các quan chức và chuyên gia nhận định, những cuộc đối đầu này là những hành động quân sự tuy không có tiếng súng, nhưng sự hung hăng của Bắc Kinh đang dần làm thay đổi hiện trạng, tạo nền tảng cho quốc gia đông dân nhất thế giới kiểm soát lãnh thổ tranh chấp trên khắp Thái Bình Dương.
Kể từ tháng 6, các máy bay quân sự Trung Quốc, đôi khi gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, thường xuyên bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà đảo Đài Loan thiết lập.
Không lực Đài Loan – với quy mô nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc Đại lục – phải chật vật để bắt kịp các chiến dịch hàng ngày của quân đội Trung Quốc. Giới chức trên đảo thừa nhận điều này đang gây ra sự căng thẳng cho lực lượng vũ trang của họ.
Hai máy bay chiến đấu của Đài Loan bị rơi vào tháng trước, đánh dấu tai nạn hàng không thứ ba đối với lực lượng Đài Loan kể từ tháng 10/2020.
Tháng trước, lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chang Che-ping nói “Chúng tôi đang đối phó cuộc chiến về tiêu hao lực lượng” với Đại lục.
Ông Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết mặc dù Đài Loan có một lực lượng không quân hiện đại và được đào tạo bài bản, nhưng các quan chức kết luận rằng xác suất thất bại của Đài Bắc rất lớn. Trung Quốc có nhiều máy bay và phi công hơn Đài Loan, và sự mệt mỏi đối với các phi công và sự hao mòn của máy bay sẽ chỉ tăng lên theo thời gian.
“Nếu đây là một trò chơi về các con số, Trung Quốc sẽ thắng,” ông nói.
Biển Đông và biển Hoa Đông tăng nhiệt
Kịch bản tương tự xảy ra cả trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Các láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á, cũng như đảo Đài Loan, đang phải vật lộn để chống đỡ nhiều tàu dân quân biển, tàu hải cảnh và tàu hải quân của Bắc Kinh hoạt động dày đặc trên các vùng biển tranh chấp.
NBC News trích lời một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ tố Trung Quốc đang “cố gắng hạ gục các láng giềng”.
Khủng hoảng ngoại giao đã bùng lên giữa Philippines và Trung Quốc từ cuối tháng 3, khi Manila tung ra ảnh vệ tinh cáo buộc 220 tàu thuyền được cho là “dân quân biển Trung Quốc” tập trung gần đá Ba Đầu – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong khi Bắc Kinh từ chối rút tàu. Mới đây nhất, một tàu hải cảnh và hai tàu hải quân Trung Quốc bị ghi lại hình ảnh truy đuổi tàu chở các phóng viên Philippines trên Biển Đông ngày 8/4.
Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc sự hiện diện của các tàu Trung Quốc gây “lo ngại và nguy cơ tạo ra một bầu không khí bất ổn”.
Theo NBC, Philippines có quân đội rất nhỏ bé so với Trung Quốc, và toàn bộ binh chủng hải quân chỉ vượt qua số lượng các tàu tuần duyên lớn của Bắc Kinh. Nhưng Manila đã cố gắng tập hợp sự ủng hộ của quốc tế và nhắc nhở Trung Quốc rằng họ vẫn duy trì một hiệp ước phòng thủ với Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trích dẫn rõ ràng các nghĩa vụ của nước mình đối với Philippines trong hơn một tuyên bố bằng lời lẽ đanh thép, lên án hành động của Trung Quốc mới đây.
“Như chúng tôi đã tuyên bố trước đây, một cuộc tấn công vũ trang chống lại các lực lượng vũ trang, tàu hay máy bay dân sự của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.
Thái độ cứng rắn của Washington đi kèm cuộc phô trương sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương, với việc Hải quân Mỹ công bố sự hiện diện của một tàu ngầm lớp Virginia USS Illinois, tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island, hoạt động cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Trung Quốc không đe dọa nổ súng vào tàu hải quân hoặc máy bay quân sự của Philippines. Trong các cuộc chạm trán trước đây, Trung Quốc đã tránh giao chiến và dựa vào cái mà các nhà phân tích gọi là “chiến thuật vùng xám”, hạ thấp ngưỡng chiến tranh nhưng tuy nhiên, các điều kiện vẫn dần dần thay đổi có lợi cho họ theo thời gian.
Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines, cho biết, việc trụ vững ở rạn san hô là một ví dụ hoàn hảo về kịch bản mở rộng quyền kiểm soát và ảnh hưởng của Trung Quốc, dựa vào hoạt động dân sự ban đầu như đánh bắt cá – vốn sớm được hỗ trợ bằng sức mạnh từ các tàu hải cảnh và hải quân với số lượng áp đảo, bên cạnh tuyên bố chủ quyền phi lý từ Bắc Kinh.
“Họ đang âm thầm và từng bước phát triển năng lực của các căn cứ trên các đảo [nhân tạo trái phép] để kiểm soát Biển Đông,” ông Batongbacal nói.
“Thông qua chiến lược này, họ đã biến phía nam Biển Đông thành một khu vực mà họ hiện đang thống trị về mặt quân sự và dân sự, khác xa so với những năm đầu thập niên 2000 khi họ về cơ bản ngang bằng với các nước Đông Nam Á khác.”
Đối thủ của Bắc Kinh hao mòn
Trong cuộc đối đầu riêng rẽ với Đài Loan, Trung Quốc đã triển khai một loạt tàu hút cát gần quần đảo Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát, buộc giới chức hòn đảo triển khai tàu tuần duyên để hộ tống các tàu hút cát ra khỏi khu vực.
Chiến thuật của Đại lục đã đẩy Đài Loan vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chuyên gia Poling nói, nếu Đài Bắc bỏ qua các động thái trên, họ sẽ gửi một tín hiệu rằng Bắc Kinh có quyền kiểm soát trên thực tế đối với khu vực này. Nhưng nếu họ cố gắng đối đầu với các tàu hút cát, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Đài Loan sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ.
“Trung Quốc không bao giờ đưa ra bất kỳ mối đe dọa quân sự công khai nào, nhưng rõ ràng tình trạng này đang dần ăn mòn sự sẵn sàng của lực lượng Đài Loan và ảnh hưởng đến cán cân quyền lực.”
NBC cho hay, Trung Quốc đang triển khai một mô hình tương tự trên Biển Đông khi đẩy tranh chấp lên tối đa mà không bao giờ vượt qua ranh giới đỏ.
“Bắc Kinh không bao giờ thực sự đưa ra một cái cớ rõ ràng để [đối phương] sử dụng vũ lực. Bạn chỉ thấy mệt mỏi và từ từ bỏ cuộc,” ông Gregory Poling nói.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị