“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.
Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Nguyên văn:
Tình thắng dục giả xương, dục thắng tình giả vong.
Đại ý:
Người có tình cảm cao thượng chiến thắng được dục vọng thì hưng thịnh, ngược lại nếu dục vọng lấn át tình cảm thì sẽ diệt vong.
Lông vũ tích tụ đủ nhiều cũng có thể làm chìm thuyền, nhiều vật nhẹ đặt trên xe cũng có thể làm gãy trục xe. Vì thế người quân tử tuyệt đối không cho phép bản thân phạm vào những điều ác nhỏ nhặt, đây chính là điều người ta thường nói: “Quân tử cẩn thận từ những điều nhỏ nhặt.” Làm một việc tốt khiến người vui vẻ chưa đủ để hình thành đức hạnh, nhưng kiên trì làm việc tốt, lâu dần sẽ tạo nên phẩm chất tốt. Làm một việc xấu khiến người hối hận cũng chưa đủ để phá hoại đạo đức, nhưng nếu thường xuyên làm điều ác thì sẽ trở thành kẻ tiểu nhân. Vì vậy, chính sự và đức hạnh tốt đẹp của Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương được ca ngợi qua hàng nghìn đời, còn những hành vi tàn ác và bạo chính của Hạ Kiệt, Trụ Vương thì bị nguyền rủa muôn đời không dứt.
Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; con người cũng có bốn cơ quan hữu dụng. Vậy bốn cơ quan hữu dụng là gì? Một là mắt – không gì sáng hơn đôi mắt để nhìn rõ từng chi tiết. Hai là tai – không gì nhạy hơn tai để nghe rõ từng âm thanh. Ba là miệng – không gì kín đáo bằng miệng để giữ bí mật. Bốn là tâm – không gì sâu sắc hơn tâm để bao hàm điều vi diệu khó lường. Mắt có thể phân biệt hình dạng sự vật, tai nghe rõ âm thanh của sự vật, miệng có thể nói lời chân thực, tâm có thể thấu hiểu đạo lý sâu sắc. Nhờ đó, con người có thể nắm bắt được sự vận hành và biến hóa của vạn vật.
Lãnh thổ của một quốc gia được mở rộng nhờ vào chính trị nhân đức, uy nghiêm của một bậc quân vương cũng nhờ chính trị nhân đức mà được nâng cao – đó là đạo trị quốc bậc thượng.
Lãnh thổ quốc gia được mở rộng nhờ vào nghĩa, vào luật lý; uy tín của quân chủ cũng nhờ nghĩa lý mà được củng cố – đó là đạo trị quốc bậc trung.
Lãnh thổ được mở rộng bằng vũ lực và quyền thế, uy thế của quân vương phải dựa vào bạo lực để duy trì – đó là đạo trị quốc bậc hạ.
Vì vậy, người trị nước mà hoàn toàn dùng đức, có thể cảm hoá người trong thiên hạ, được thiên hạ kính phục, thì xưng là “vương”. Người trị nước bằng cách hỗn hợp nhiều phương pháp, khiến kẻ khác phải khuất phục, thì có thể xưng “bá”. Còn nếu cả đức lẫn tài đều không có, thì kết cục chỉ có thể là mất nước.

Xưa kia, thời Phục Hy và Thần Nông trị vì thiên hạ, chim phượng hoàng còn bay đến sân cung đình. Đến thời Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương trị vì, chim phượng chỉ bay đến trước cổng hoàng cung. Sau thời Chu, chim phượng chỉ bay đến đầm hồ ngoài thành. Điều này cho thấy, đức hạnh của quân vương càng kém thì phượng hoàng càng xa, đức hạnh của quân vương càng tinh túy thì chim phượng càng gần.
Người quân tử trong tâm có lòng nhân ái thì dù có ban ơn hay không cũng đều là hành vi xuất phát từ nhân ái. Còn kẻ tiểu nhân vốn không có lòng nhân, dù có thi ân cũng không thể gọi là nhân, huống gì là không thi ân thì lại càng không nhân. Người quân tử, cái thiện và mỹ đức nơi bản thân cũng chính là cái thiện mà họ thấy được ở người khác, vì họ có thể cảm hóa và ảnh hưởng đến người khác. Đó chính là sự vĩ đại của lòng nhân nơi người quân tử.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc biên dịch