“Bí quyết là biết dựa thế kẻ mạnh”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái từng khẳng định trong một buổi chia sẻ về bí quyết kinh doanh, bài học thương trường và con đường dẫn đến thành công. Ông cũng đưa ra 10 gợi ý cho các doanh nghiệp Việt.
Bứt phá ra bên ngoài
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhiều hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực thi, một số hiệp định cũng đang trong quá trình chờ ký kết. Doanh nghiệp nước ngoài không ngừng ồ ạt tìm đến trong khi sức khoẻ của các doanh nghiệp Việt còn yếu.
Cạnh tranh trong nước trở nên khó khăn và gay gắt. Lúc này, muốn làm giàu, theo ông Đoàn chỉ có con đường xuất khẩu, tuy nhiên vẫn coi trọng thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ nên bắt đầu vươn ra nước ngoài khi đã thành công ở thị trường trong nước, hoặc các sản phẩm dịch vụ có chất lượng quốc tế, có khả năng cạnh tranh. Đặc biệt phải nghiên cứu và khẳng định tính phù hợp với một thị trường quốc tế nào đó.
Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tốt tiềm lực về tài chính và công nghệ cũng như nguồn nhân lực hoặc đối tác để triển khai một cách bài bản, chuyên nghiệp.
“Muốn xuất khẩu phải có tiêu chuẩn chất lượng tốt. Nhưng ít nhất trong đầu khi làm gì phải luôn nghĩ đến việc bứt phá ra bên ngoài”, Chủ tịch Phú Thái Holdings nhìn nhận.
Bỏ hết trứng vào một giỏ tốt
Ông Đoàn kể lại, một nhãn hiệu sản xuất các sản phẩm từ đậu nành của một gia đình ở Hong Kong sau 80 năm hoạt động đã xuất khẩu tới 40 nước khác nhau, đứng đầu thế giới về váng đậu.
Trong khi nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, theo đánh giá của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái là “như ếch vồ hoa mướp”, hay chao đảo. Có những người vốn không nhiều nhưng mảng nào cũng muốn làm, đầu tư bên này một ít, bên kia một ít cuối cùng chẳng đâu vào đâu.
Do đó, doanh nhân này cho rằng nên tập trung mọi nguồn lực để làm một việc, bỏ hết trứng vào một giỏ tốt. Cần bỏ bớt những mảng kinh doanh không có thế mạnh, tập trung công sức vào các ngành có tiềm năng tương lai.
Việc tập trung vào sản xuất sản phẩm đột phá, tốt nhất và tinh xảo nhất cũng là câu trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp sẽ bắt đầu như thế nào nếu đang thiếu năng lực sản xuất nội bộ.
Xác định quy mô để định hướng kinh doanh
Doanh nghiệp nên xác định quy mô hướng tới là ngách, ngõ hay đường lớn để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Theo nhận định của ông Đoàn, thành công thường do 99% copy và chỉ 1% sáng tạo. Tất cả bài học thành công đều có tính logic, ở thế giới đã thành công thì về Việt Nam có thể thành công hơn.
Điều quan trọng là dù làm lại nhưng phải làm tốt, tạo mô hình kinh doanh tốt như WeWork dù lỗ nhưng vẫn nhận được những khoản đầu tư hàng tỷ USD.
Như CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang từng nhận định, sẽ không sai nếu chọn một mô hình đã có ở đâu đó trên thế giới và ứng dụng nhưng điều quan trọng là đừng nói những điều không đúng, đừng cố tỏ ra sản phẩm của mình khác biệt mà hãy đầu tư vào con người. Điều cần chứng tỏ là khả năng thực hiện cao hơn những doanh nghiệp có cùng ý tưởng.
Ông Đoàn cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải định vị lại, chọn lựa cách đi. Cụ thể, phải chủ động thay vì thụ động phản ứng, phải biết tạo đột phá, đi từng bước mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, đổi mới tổ chức – quản trị, liên kết trong các chuỗi, cụm.
Cá nhanh nuốt cá chậm
Báo Bloomberg miêu tả: “Bước qua cánh cổng vào khuôn viên trụ sở Huawei ở phía nam Trung Quốc, bạn sẽ thấy một không khí sôi sục. Những chiếc xe màu xanh neon chạy như con thoi chở nhân viên di chuyển giữa các văn phòng. Những bóng đèn huỳnh quang thắp sáng suốt đêm. Căng-tin hoạt động tới gần nửa đêm”.
Thậm chí mới đây trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhân viên hãng này còn chia sẻ với nhau thông điệp trên một diễn đàn nội bộ “Các chiến binh áo giáp vàng sẽ không trở về nhà cho đến khi đánh bại Trump từ Mỹ”.
Sự quyết liệt trong hành động, “văn hoá chó sói” đã giúp Huawei vươn ra toàn cầu và thịnh vượng trong nhiều năm qua.
Ông Đoàn nhấn mạnh, trong kinh doanh, cần lưu ý là cá nhanh nuốt cá chậm, như văn hoá chó sói của Huawei, và cần biết dựa thế kẻ mạnh.
Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ và thích ứng nhanh
Doanh nghiệp đừng bao giờ cho rằng điều gì đó không bao giờ xảy ra với mình. Cần có tầm nhìn, sứ mệnh rõ ràng cho doanh nghiệp, trong đó, nghĩ lớn (think big), bắt đầu từ những việc nhỏ (start small) và thích ứng nhanh (adapt fast).
Samsung, Nokia từng dẫn đầu trong sản xuất điện thoại di động tại châu Á vào cuối thế kỷ trước. Về sau Samsung đã nhanh nhạy, nhìn thấy tầm quan trọng của việc kết hợp phần mềm với thiết kế.
HTC là người chơi đầu tiên sản xuất sản phẩm điện thoại di động Android. Samsung đã theo sát và kết hợp với Google, hiện đang là thương hiệu lớn nhất thế giới về điện thoại thông minh trên hệ điều hành Android.
Ông Đoàn cho rằng nghĩ lớn chưa chắc làm lớn được nhưng chắc chắn sẽ không làm nhỏ. Tuy nhiên phải suy nghĩ trong logic. Đặc biệt, làm khởi nghiệp cần tính đến kế hoạch dài hạn nhưng kết quả phải được tính toán trong ngắn hạn.
Nâng cao khả năng quản trị của đội ngũ quản lý
Chủ tịch Phú Thái Holdings cho rằng, doanh nghiệp cần tham khảo triết lý lãnh đạo phục vụ. Có những người lãnh đạo coi việc quản lý như một phương tiện để giúp đỡ người khác thay vì coi đó như cách thức để đạt được quyền lực cá nhân.
Nhân viên cấp dưới cũng cần được coi là lãnh đạo và được khuyến khích tự quyết vấn đề của họ và tự chịu trách nhiệm.
Cần có chiến lược nhân sự phù hợp với chiến lược doanh nghiệp, thu hút nhân tài theo lý thuyết nhân tài 3C (Talent=competence*commitment*contribution/ Nhân tài = năng lực*cam kết*cống hiến).
Cần xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, hợp tác và tôn trọng, xây dựng hành trình phát triển sự nghiệp cá nhân.
Có chế độ đãi ngộ và lương thưởng tiên tiến gắn với hiệu quả công việc đồng thời đẩy mạnh đào tạo chuẩn hoá, đào tạo nâng cao, coi trọng đào tạo cán bộ kế cận.
“Doanh nghiệp thành công không phải do máy móc hiện đại hay những quy định, quy trình khắt khe giám sát người lao động mà dựa trên sự cống hiến hết mình của người lao động, họ làm việc bằng trái tim”, ông Đoàn khẳng định.
Giá trị doanh nghiệp là thước đo lớn nhất sự thành công của doanh nhân
Theo chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, khi kinh doanh, đỉnh cao nhất của một doanh nghiệp là bán được nhiều tiền bởi những khoản lãi hữu hình chỉ chiếm một phần.
Giá trị vô hình có những khi lớn hơn những giá trị hữu hình, doanh nghiệp cần nhìn nhận được những giá trị đó.
“Doanh nghiệp đang lỗ mà vẫn được mua gấp 3-4 lần. Khi đầu tư, kinh doanh thì phải xác định sau 3-4 năm bán được nhiều tiền, đó mới là cái làm con người giàu lên”, ông Đoàn khẳng định.
Cần có văn hoá doanh nghiệp phù hợp
Nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, thì văn hóa doanh nghiệp là một trong những trụ cột vững chắc. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp.
Thiếu văn hóa, doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường.
Theo ông Đoàn, doanh nghiệp cần phải phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng văn hoá doanh nghiệp phù hợp. Mỗi doanh nghiệp cần tạo cho mình văn hoá riêng, nếu chưa có thì cần có đội tư vấn xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
Phát triển doanh nghiệp như chạy đua maraton
Không khác gì một cuộc chạy đua maraton, doanh nghiệp muốn phát triển sẽ luôn cần được tiếp sức. Do vậy, phải luôn chú ý đến việc huy động vốn, nhân lực…ở các giai đoạn khác nhau.
Khi hoàn thành từng chặng một cách xuất sắc, không được vội vàng “vỗ ngực” bởi cuộc đua còn dài, phải giữ vững nguồn năng lực.
Minh bạch, trung thực và tuân thủ pháp luật
Kinh doanh là để kiếm tiền tuy nhiên mục đích đó phải đặt song song với vấn đề đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ và kỹ năng sống. Cần minh bạch, trung thực và tuân thủ pháp luật
Một doanh nghiệp dù có doanh thu cao nhưng không minh bạch thì sẽ không bao giờ được các nhà đầu tư để mắt đến.
Ngoài ra, tri thức là giá trị vô hình của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có bộ máy lãnh đạo toàn những người giỏi sẽ được đánh giá cao hơn hẳn những doanh nghiệp có văn phòng đẹp, nhiều tiền nhưng gặp nhiều vấn đề trong chính những người lãnh đạo.
Quỳnh Chi (TL)