Chiếc Iphone thứ 11 đã ra mắt – nó có giá bằng cả gia tài của người nghèo, nhưng vẫn được chờ đợi như một cơn khát! Vì sao?
1. Mấy ngày trước, tôi tình cờ gặp một startup trong lĩnh vực dịch vụ tâm linh. Sản xuất nhang, trầm, nến, vàng mã. Người đó rất hứng khởi khi biết tôi làm nghề truyền thông. Đương nhiên, chúng tôi có thể bắt tay nhau để cả hai cùng có lợi.
Là một người khởi nghiệp vì áp lực của cái nghèo nơi vùng quê khó khăn, tất cả những gì anh ta có chỉ là lòng thiệt thành. Vài tháng học nghề, vay thêm ít vốn mua máy móc, tận dụng không gian trong nhà làm xưởng, kênh phân phối duy nhất là chở bằng xe máy đến cửa hàng tạp hóa một cách hên, xui!
Vì vậy mà cuộc nói chuyện của tôi và anh ta xoay quanh chủ đề làm sao để nhiều người biết tới sản phẩm này. Tôi đưa ra vài cách tiếp thị cổ điển để anh lựa chọn, như phát tờ rơi, tham gia hội chợ thương mại, hợp tác với truyền thông…
Anh băn khoăn chọn lựa và câu hỏi lớn nhất là chi phí bao nhiêu? Một câu hỏi quá hóc búa mà kể cả những chuyên gia marketing hàng đầu cũng không thể trả lời một cách chính xác cho từng doanh nghiệp.
Bởi vì theo lý thuyết, chi phí này có thể chiếm 50%, thậm chí 70% khoản đầu vào! Với startup non trẻ, điều đó quá khó. Nhưng đó là việc không thể khước từ nếu muốn doanh nghiệp tăng trưởng theo quy luật vốn có của thị trường.
Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng ở bài toán khó, chúng tôi chia tay và anh cũng không quên nhắn lại, một ngày nào đó gần nhất mời tôi đến thăm cơ sở mới hình thành của anh.
2. Sáng nay đọc tin tức thấy Apple sắp trình làng Iphone thế hệ thứ 11. Như thường lệ, cứ mỗi lần có Iphone mới, cộng đồng mạng lại sốt xình xịch khoe những hình ảnh đầu tiên một cách khiêm tốn, có nơi chào bán máy mới với giá hàng trăm triệu đồng.
13 năm nay, Iphone chưa từng thất bại khi cho ra đời 10 thế hệ sản phẩm, nói không ngoa, Apple đã biến sản phẩm của họ thành một thứ tôn giáo mê hoặc công chúng, mà tất cả những ai thờ ơ nhất cũng không thể không biết.
Điều gì làm cho Iphone trở nên có sức mạnh khủng khiếp đến như vậy? Chất lượng, cấu hình? Cũng không hẳn, bởi vì bên cạnh còn có Samsung, Oppo không hề thua kém. Mẫu mã đẹp? Không hoàn toàn đúng, bởi các đối thủ thậm chí còn phong phú hơn. Bình dân? Càng không đúng!
Đó là thương hiệu, trái táo khuyết sau lưng sản phẩm. Thương hiệu – thứ được cụ thể hóa bằng hệ thống hình ảnh đại diện (nhận diện) nó vốn dĩ không tự lớn lên được, mà phải bằng cách quảng bá.
Apple nổi tiếng với slogan “Think Different”, thoạt đầu công ty này đã mang tính “lập dị” khi “nghĩ khác” dẫn tới hành động khác và kết quả khác. Làm cho trái táo khuyết không bị trộn lẫn giữa hàng trăm thương hiệu điện thoại thông minh.
Điều đặc biệt hơn nữa, Apple không chạy theo thị hiếu đám đông mà họ biết cách tạo ra thị hiếu, tạo ra xu hướng, tạo ra nhu cầu cho khách hàng trước khi khách hàng biết tới.
Các sản phẩm của Apple không xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông bằng các hợp đồng chính thống, nhưng không vì thế mà truyền thông, mạng xã hội thôi nhắc đến họ. Đó là điều rất đặc biệt.
Apple biết cách chọn phân khúc khách hàng, biến họ thành cộng đồng “Ifan” vô thức PR cho Iphone mà không cần đòi hỏi một xu thù lao nào cả. Kể cả hàng chục triệu người Việt Nam đã ít nhất một lần bàn luận, khoe cái Iphone của mình!
“Nó giống như một sự sùng bái. Chính lòng trung thành của khách hàng đã cứu vớt Apple qua những thời khắc quyết định tồi tệ nhất trong kinh doanh mà tôi chưa từng thấy ở đâu khác.” – Gil Amelio cựu CEO của táo khuyết thừa nhận như vậy!
3. Không biết các nhà kinh doanh có để ý, nhưng gần đây xu hướng quảng cáo rộng rãi, tần suất dày đặc trên truyền hình bắt đầu gây ngán cho người xem. Thậm chí có người nghi ngờ tính năng “quăng bom” bạt mạng của sản phẩm! Phương cách makerting “nhảy xổm” vào tâm trí khán giả dường như đã tới hạn.
Một trong những yếu điểm của doanh nghiệp Việt Nam là cách xây dựng thương hiệu. Một phần vì bối cảnh, phần còn lại thuộc về thói quen kinh doanh. Đa số nghĩ rằng, khi giàu lên mới có điều kiện vung tiền làm makerting – điều đó không sai, nhưng không đúng nếu xét theo triết lý kinh doanh phổ quát.
Để lý giải về thành công của một doanh nghiệp người ta luôn bắt đầu với công đoạn marketing, nhìn vào lĩnh vực này đủ thấy vì sao Việt Nam không có nhiều thương hiệu lớn, đủ sức nhận diện trên phạm vi toàn cầu, mặc dù danh sách tỷ phú USD ngày một dài.
Không thể so sánh một startup tí hon và đại đế chế Apple, song triết lý kinh doanh, phương pháp marketing luôn có mẫu số chung. Dù doanh nghiệp lớn hay bé, họ phải tìm đường vào trái tim người tiêu dùng.
Đa số doanh nghiệp chết vì không bán được hàng, đa phần lý do không bán được hàng nằm ở nguyên nhân chưa tạo đủ niềm tin ở khách hàng. Chung quy lại bị quyết định bởi marketing.
Thời đại này, sẽ rất ngây thơ nếu nghĩ rằng, cứ sản xuất thật tốt, đến lúc nào đó sẽ thành công. Bởi ngoài thị trường không chỉ mỗi mình anh làm sản phẩm đó. Chinh phục thị trường ngày nay không đơn thuần là mang hàng ra chợ, mà nó song hành với cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần.
Trương Khắc Trà (DĐDN)