Bỏ phố về quê, từ đôi bàn tay trắng vươn lên, chị Phạm Thị Nhân (tỉnh Quảng Nam) đã khẳng định thương hiệu trứng gà ác trên thị trường, nhờ vào cách chăn nuôi khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải.
Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường đại học Tài chính Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, dù ở lứa tuổi 9x, chị Phạm Thị Nhân đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế.
Nhưng không may, chị bị tai biến khi mang thai, không thể tiếp tục công việc văn phòng. Chị quyết định về quê lập nghiệp tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Vốn liếng bao năm tích cóp dành dụm đã lo trang trải thuốc men điều trị, nên khi có ý định xây dựng mô hình kinh tế tại quê nhà chị Nhân đã không còn gì cả.
Từng thử qua một số công việc chăn nuôi, chị Nhân có ý định nuôi gà lấy trứng. Nhưng nuôi giống gà gì để mang lại lợi ích kinh tế và phù hợp với khí hậu địa phương là cả một quá trình tìm tòi học hỏi. Chị Nhân lặn lội vào miền Nam học tập các mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao. Cuối cùng chị quyết định chọn giống gà ác nuôi lấy trứng.
Tháng 7/2019 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Duy Trinh và sự động viên của gia đình cùng bạn bè, chị Nhân đã mạnh dạn vay vốn 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại gà ác quy mô 1.000m2 tại thôn Đông Yên, số lượng gà đẻ trứng ban đầu là 2.000 con. Việc nuôi gà đẻ trứng không còn là mới mẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhưng đầu tư nuôi gà ác như chị Nhân lại là vấn đề khác.
Trả lời câu hỏi: “Tại sao không phải là trứng gà ta, đang được thị trường ưa chuộng. Tại sao không phải là trứng gà công nghiệp (gà Đỏ – Ai Cập) đang rất thông dụng, tiện lợi?”, chị Phạm Thị Nhân cho biết: “Sau khi tìm hiểu các trang trại nuôi gà đẻ trứng, tôi quyết định chọn nuôi gà ác. Gà ác hay còn gọi là Ô cốt kê, gà đen là loại gà có kích thước và trọng lượng tương đối nhỏ. Vì trứng gà ác có hàm lượng dinh dưỡng cao, thậm chí cao hơn cả trứng gà ta, lòng đỏ trứng nhiều, trọng lượng gà trưởng thành chỉ có 1 kilogram, chi phí chăn nuôi chỉ tốn kém có một nửa so với gà Đỏ và gà thường. Gà ác là giống gà đẻ cho năng suất trứng cao”.
Bí quyết tăng thu nhập từ nuôi gà ác
Ngoài phương pháp truyền thống, để cho ra những con gà khỏe mạnh, chất lượng trứng tốt nhất chị Nhân đã đầu tư cơ sở vật chất khá tốn kém. Bên cạnh việc xây dựng mô hình trang trại cho gà đẻ một cách khoa học, chị còn đầu tư thiết bị quạt gió, hệ thống điện, lò sưởi, hệ thống âm thanh cho gà nghe nhạc. Đây là mô hình không còn xa lạ khi gắn với nông nghiệp sạch, nhưng cách làm của chị Nhân là hoàn toàn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Gà được nuôi trên đệm lót sinh học và nghe nhạc giao hưởng. Chính vì vậy mà số lượng trứng chất lượng hơn, gà đẻ nhiều đều mỗi ngày. Khách sỉ, lẻ trong và ngòai tỉnh ngày càng ưa chuộng trứng gà ác Hảo Nhân.
Nhận thấy nhu cầu thiết thực tăng cao, sau hơn 1 năm đầu tư trang trại chị Nhân mạnh dạn đầu tư thêm trại gà với tổng số vốn hiện tại hơn 1,8 tỷ đồng quy mô 3.000m2 với hơn 6.000 con. Trong đó, gà ác là 3.000 con, gà đỏ 1.000 con và gà ác hậu bị từ 2.000 – 2.500 con mỗi tháng. Gà hậu bị úm khoảng 18 tuần là chuyển sang trại khai thác trứng.
Thường vòng đời của gà ác đẻ trứng là 12 tháng, sau đó bán lại cho các đầu mối thu mua làm gà thịt. Cứ 3.000 con gà ác mỗi ngày cho ra 2.500- 3.000 trứng. Giá giao động từ 25.000 – 35.000 trên chục trứng gà ác, tùy theo loại. Riêng gà đỏ Ai Cập, mỗi ngày chị Nhân thu hoạch 700 – 1.000 trứng, giá giao động từ 27.000 – 32.000 trên chục trứng. Doanh thu mỗi ngày của chị bình quân đạt 3.500.000 đồng.
Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi gà, chị Nhân cho biết chị luôn đặt vấn đề vệ sinh chuồng trại lên hàng đầu. Chị cho thiết kế hệ thống quạt gió hút mùi một chiều, giúp môi trường nuôi gà được thoáng mát. Bên dưới chuồng trại, chị đặt nệm lót sinh học có độ dày khoảng 20cm để khử mùi chất thải của gà không gây hôi thối, chuồng khô ráo, không ruồi muỗi, giảm thiểu bệnh tật cho gà. Chuồng trại chăn nuôi diện tích rộng rãi, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Đồng thời đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ ở mức phù hợp với từng độ tuổi của gà.
Ngoài ra, thực phẩm bổ sung cho gà đẻ trứng cũng rất đáng lưu ý. Chị Nhân chia sẻ thêm, chị sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, bắp, bột đậu tương trộn lẫn cám công nghiệp theo tỷ lệ 3/7 làm thức ăn hàng ngày. Chị cũng nhỏ vacxin theo chu kỳ, cho gà uống kháng sinh hữu cơ mỗi tháng 2 lần bằng nước tỏi ngâm rượ), tăng cường ăn rau xanh và các loại lá cây thảo dược như cây chè khổng lồ cung cấp lượng canxi tự nhiên dồi dào.
Nhờ chú trọng vào yếu tố chăn nuôi nên thịt gà ác của trang trại Hảo Nhân được nhiều người tìm mua về bồi bổ. Thịt gà ác có tính âm dùng làm thực phẩm bồi bổ sức khỏe lý tưởng cho người bệnh. So với thịt gà thường, thịt gà ác vừa có vị thơm ngon hơn, vừa cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn.
Đối với chất thải gà, chị Nhân đã nhận đơn đặt hàng cung cấp cho các nhà vườn và cơ sở sản xuất phân hữu cơ trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Định kỳ 6 tháng, trại gà ác Hảo Nhân cung cấp cho đối tác tầm 3 tấn phân gà. Chính vì vậy, mà trang trại chăn nuôi của chị không thải chất thải gây ô nhiễm ra môi trường bên ngoài.
Ngay từ ban đầu, thiết kế chuồng trại theo hướng khoa học ứng dụng nên trại gà Hảo Nhân khai thác tốt từ trứng, thịt cho đến chất thải. Đây là mô hình chăn nuôi tận dụng và khai thác triệt để đem lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận như các trang trại chăn nuôi truyền thống khác.
Trứng gà ác Hảo Nhân đã dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, nhờ vào cách chăn nuôi khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải. Chị Nhân cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của đối tác cũng như người tiêu dùng để trang trại gà Hảo Nhân ngày càng phát triển hơn.
Theo PNVN