Quy mô xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 9/2019 – đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương chiến với Mỹ.
Xuất khẩu Trung Quốc giảm liên tiếp 2 tháng, tệ hơn dự báo
Reuters dẫn số liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc vừa công bố, cho thấy chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 tồi tệ hơn so với các dự báo ban đầu.
Theo đó, quy mô xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 3.2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái (tính theo đơn vị đồng USD), trong khi nhập khẩu giảm 8.5%. Tổng thặng dư thương mại tháng 9 là 39.65 tỉ USD.
Chỉ số này giảm sâu hơn so với dự báo của hãng Bloomberg, rằng xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc sẽ sụt khoảng 2.8% và nhập khẩu là 6%. Đây cũng là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ mức giảm 20.7% hồi tháng 2. Nhập khẩu giảm sút cho thấy nhu cầu trong nước suy yếu, và tình trạng nhập khẩu đi xuống đã kéo dài trong cả năm nay.
Số liệu vừa công bố được cho là thể hiện tác động của thuế quan 15% mà Mỹ áp lên 112 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ hôm 15/9 vừa qua.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 sụt giảm đến 21.9% xuống còn 36.5 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 26.4% xuống 10.5 tỉ USD.
Thỏa thuận giải cứu tạm thời
Những số liệu thương mại yếu ớt được công bố ít ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ-Trung Quốc đạt được một thỏa thuận tạm thời tại vòng đối thoại tuần trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thỏa thuận này bao gồm quyết định Trung Quốc mua vào 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ hàng năm, cùng hướng dẫn về cách quản lý đồng nhân dân tệ.
Đổi lại, Mỹ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng thuế – theo dự kiến ban đầu vào ngày mai (15/10) – từ 25% lên 30% với 250 tỉ ÚD hàng Trung Quốc.
Ông Trump viết trên Twitter vào tối ngày Chủ nhật (13/10, giờ địa phương): “Thỏa thuận của tôi với Trung Quốc là họ sẽ ngay lập tức bắt đầu thu mua số lượng rất lớn nông sản của chúng ta, chứ không đợi đến khi thỏa thuận được ký trong 3-4 tuần nữa. Họ đã bắt đầu rồi!”
Những vấn đề còn tranh cãi trong đàm phán thương mại – như bảo vệ sở hữu trí tuệ và việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước – sẽ được gác lại cho giai đoạn sau của đàm phán.
Với thỏa thuận “giai đoạn 1” vừa đạt được, hiện chưa rõ kế hoạch tăng thuế tiếp theo của Mỹ dự kiến vào ngày 15/12 nhằm vào các sản phẩm như điện thoại thông minh, laptop và thiết bị chơi game,… của Trung Quốc có được hoãn lại hay không.
Cho đến nay, thuế quan Mỹ vẫn đang “bủa vây” 365 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu và tiếp tục tạo sức ép nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hai tháng sụt giảm xuất khẩu liên tiếp là cho thấy kỳ tăng trưởng hồi tháng 7 dường như chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão”, khi các khách hàng Mỹ chạy đua với thời gian để nhập về hàng hóa trước kỳ áp thuế ngày 1/9.
Đáng chú ý, ngay cả việc đồng nhân dân tệ mất giá 3.8% trong tháng 8 cũng không thể giúp Trung Quốc chặn đà suy giảm xuất khẩu – dù Washington vẫn tỏ ra lo ngại Bắc Kinh lợi dụng tỷ giá đồng nội tệ để giúp các nhà xuất khẩu nước này có được lợi thế không công bằng. Điều này cũng đưa đến câu hỏi, chỉ số thương mại của Trung Quốc sẽ kém đến mức nào nếu đồng tệ không trượt giá so với đồng USD.
Sức ép đè nặng nền kinh tế Trung Quốc
Chỉ số xuất khẩu yếu sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế đang đình trệ của Trung Quốc. GDP quý ba – có thể được công bố vào thứ Sáu tới (18/10) – dự kiến thể hiện nền kinh tế tăng trưởng chậm ở mức 6.1-6.2%, theo một khảo sát của các nhà phân tích trên Bloomberg.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm dần trong thập kỷ qua, kể từ lần gần đây nhất tăng trưởng 2 con số vào nửa đầu năm 2011. Tăng trưởng quý 2/2019 đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ khi chỉ số tăng trưởng quý được công bố lần đầu tiên vào quý 1/1992, nhưng vẫn được đánh giá là tương đối mạnh.
Các nhà phân tích cũng nêu lo ngại về mức độ tiêu thụ của thị trường Trung Quốc trong những tháng qua. Doanh số của lĩnh vực bán lẻ không khả quan, trong khi hàng loạt giải pháp kích cầu tiêu dùng của chính phủ đối với những mặt hàng giá trị như nhà, xe,… không hiệu quả. Nhập khẩu chậm chạp cũng hé lộ gói hỗ trợ nhà nước chưa tác động thực tế được vào nền kinh tế.
Sụt giảm nhập khẩu còn chỉ ra sự đi xuống trong lĩnh vực sản xuất, bởi nhiều mặt hàng nhập vào Trung Quốc là các linh phụ kiện phục vụ các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong các chỉ số quản lý đơn hàng chế tạo chính thức gần đây – được coi là thước đo tâm lý của nhà sản xuất, lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục nằm trong khu vực tiêu cực 15 tháng liên tiếp.
theo Trí Thức Trẻ