Theo người dân Đại Hoàng, một trong 3 nguyên mẫu của nhân vật Chí Phèo có đứa con rơi bị người mẹ bỏ trả ở cái lò gạch cũ, con cháu người đó nay vẫn sống trong làng.
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh Thị Nở “ nhớ lại những lúc ăn nằm với Chí, thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng: ‘Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm thế nào?’. Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại”.
Những người hàng xóm của nhà văn Nam Cao tại vùng đất xưa là làng Đại Hoàng cho biết, trong các nhân vật có thật trong làng được Nam Cao dùng xây dựng hình tượng Chí Phèo, một người quả thực có đứa con ngoài hôn thú với người phụ nữ trong làng, và chuyện cũng liên quan đến lò gạch.
3 NGUYÊN MẪU LÀM NÊN MỘT CHÍ PHÈO
Làng Đại Hoàng xưa thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, nay là xóm 11, thôn 4, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Rất nhiều câu chuyện có thật, con người có thật ở đây được nhà văn Nam Cao đưa vào các tác phẩm của mình, và độc giả nhận thấy làng Vũ Đại trong truyện của ông chính là bóng dáng của làng Đại Hoàng.
Cũng như gia đình Nam Cao, dân cư gốc của làng đều là người họ Trần, thuộc các chi khác nhau. Hầu hết nguyên mẫu các nhân vật của ông cũng vậy, từ Bá Kiến, Lý Cường, Lão Hạc, Binh Tư… đều họ Trần. Họ sống nhiều đời cùng nhau, hiểu rõ và cùng lưu giữ nhiều câu chuyện cũ từ thế kỷ trước về những người láng giềng, họ hàng của mình.
Trong số đó, có những người được coi là “pho sử sống” về làng mình, như ông Trần Văn Đô, 74 tuổi, giáo viên về hưu, người luôn miệt mài tìm hiểu về lịch sử làng Đại Hoàng qua các tư liệu nghiên cứu, qua cha mẹ và các bậc cao niên thế hệ trước. Theo ông Đô, chất liệu tạo nên Chí Phèo được lấy từ 3 người dân Đại Hoàng, trong đó có 2 người tên là Chí.
Ông giáo già chia sẻ: “Về các nguyên mẫu của Chí Phèo, tôi từng hỏi ông Trần Khang Hộ, người bạn học cùng với Nam Cao và là con cụ Ký Lân, thầy dạy của Nam Cao. Ông Hộ cho biết có một anh Chí không biết quê quán ở đâu, họ là gì nhưng là người có máu mặt trong vùng, hay đi đòi nợ thuê cho những gia đình có tiền cho người nghèo vay, và đó là những khoản nợ khó đòi.
Đòi xong nợ, Chí được cho vài xu, anh ta đi mua rượu uống rồi nằm phèo ra cái điếm canh đê ở làng. Anh Chí đòi nợ thuê này có tật hay uống rượu và cũng hay ăn vạ mỗi khi say”.
Còn anh Chí thứ hai quê gốc làng Đại Hoàng, cha mẹ mất sớm, nhà quá nghèo không có ruộng vườn nên phải đi làm thuê cho nhà Trương Pháo chuyên nghề mổ lợn. Chí mổ lợn thuê, có tài làm món phèo (ruột non) rất ngon. Mỗi khi làm thịt lợn xong, Chí chỉ xin chai rượu và một đoạn phèo, sau khi ăn uống no say thì về cái điếm ở chợ để ngủ. Anh Chí này rất hiền lành, không rạch mặt, ăn vạ hay chửi trời chửi đất gì cả.
“Hai người tên Chí, một người chuyên đi đòi nợ thuê lấy tiền về mua rượu uống rồi nằm phèo ra điếm canh đê và một anh Chí làm nghề mổ lợn thuê chuyên lấy phèo về uống rượu. Có lẽ vì những nguyên nhân này mà nhà văn Nam Cao đã lấy tên tác phẩm là ‘Chí Phèo’”; thầy Đô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai anh Chí này không ai đâm chết người.
Theo ông Trần Hữu Vịnh, người cũng biết nhiều chuyện của làng và đang nhận nhiệm vụ trông coi Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao, ngoài 2 người tên Chí mà thầy Đô kể, còn một nguyên mẫu khác của nhân vật Chí Phèo.
“Người này tên là Trinh, vốn là dân ngụ cư, không cha, không mẹ, lại có thêm cái bệnh nghiện rượu. Mỗi khi uống rượu là ông này uống đến say khướt, say hơn cả Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao”, ông Trần Hữu Vịnh nói.
Ông Vịnh cho biết, theo lời kể của các cụ sống ở làng Đại Hoàng thời Nam Cao, mỗi lần say rượu, ông Trinh lại chửi bới những người dân trong làng. Đặc biệt, người đàn ông này có tật ăn vạ mỗi khi ai đó làm gì mình.
Thời ấy, sau khi anh Chí chuyên đòi nợ thuê bỏ làng đi biệt xứ, ông Trinh dựng lên một túp lều tạm bợ ngoài bến đò, bên cạnh cái lò gạch ở phía đông làng Đại Hoàng.
“Ông Trinh có lối sống càn quấy, ăn vạ và đã ngủ với một người đàn bà bán trứng, bán trầu không trong chợ sau những lần ỡm ờ. Người phụ nữ này không xấu, không dở hơi, đã có chồng cùng một đàn con đông đúc. Bà ấy thường xuyên đi chợ sớm vì không biết thời gian, giờ giấc.
Sau thời gian qua lại với ông Trinh, người phụ nữ ấy sinh ra một bé trai và đặt tên là Trần Viết D. Vì quá xấu hổ với chồng con nên sau khi sinh, bà mang đứa trẻ ra bến đò, gần cái lò gạch mà ông Trinh sống để trả rồi bỏ đi biệt tích. Có thể từ câu chuyện này mà nhà văn Nam Cao đưa vào truyện chi tiết nhân vật Thị Nở nghĩ về cái lò gạch cũ”, người trông coi Khu tưởng niệm Nam Cao nói.
HẬU DUỆ CỦA CHÍ PHÈO
Ông Trần Hữu Vịnh cho biết, con trai ông Trinh – Trần Viết D. dù mẹ bỏ đi nhưng được cha nuôi dưỡng, lớn lên khá tháo vát trong chuyện làm ăn. Ông D. chuyên buôn bán chuối và trứng, hơn 40 tuổi mới lấy vợ.
“Người vợ không biết do ai mối lái, có tên là T., là công nhân làm đường. Bà này sinh được 2 người con gái là Trần Thị T. sinh năm 1978 và Trần Thị H. sinh năm 1980”, ông Vịnh nói.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu (Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam), cho biết, cả cụ Trần Hữu Đạt (em trai nhà văn Nam Cao) và cụ Ký Lân đều kể lại với ông vào những năm 1990 rằng, ông Trinh, một nguyên mẫu Chí Phèo, có để lại hậu duệ trong làng.
“Bản thân tôi từng về gặp ông Trần Viết D. hồi ông ấy còn sống, mà những người cao niên kể lại đó là con ông Trinh, một trong những con người có thật được chọn làm nguyên mẫu của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên. Ông Trinh ăn nằm với một người phụ nữ đã có chồng, bà này đẻ con rồi vứt bỏ ở bến đò, cạnh cái lò gạch, nơi ông Trinh sống.
Nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện mà những người cao niên trong làng kể lại, việc ông D. có phải con của Chí Phèo hay không sẽ không thể xác thực bằng khoa học, bằng huyết thống hay bằng giám định gene”, ông Vinh nói.
Ông D. mất năm 1997. Hiện con gái lớn của ông sống trong căn nhà mái bằng rộng gần 100m2 được xây cách đây 3 năm. Chị T. cho biết để có gần 900 triệu đồng xây ngôi nhà này, chị đã cắt bán một phần đất cha mẹ để lại. Nhà xây vài năm mới có tiền để sơn nên vẫn có mùi sơn mới.
Bên cạnh ngôi nhà mới này là căn nhà ngói ngày xưa của ông Trần Viết D.. Nhà tuy đã cũ, hỏng nhưng những gì còn lại vẫn cho thấy đây là công trình khá khang trang ở thời của nó, và chủ nhân cũng là người sung túc.
Được hỏi về ông nội, hai con gái của ông D. đều ngập ngừng một lúc rồi nói: “Chúng em không được biết ông nội là ai và cũng không ai kể ông nội em là người thế nào; chỉ nghe dân làng nói gần, nói xa, ông nội em là người giàu có ở trong làng”. Tuy nói vậy, hai người phụ nữ im lặng và không phủ nhận khi được xem cuốn sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh viết về việc ông D. là con trai ông Trinh, một trong các nguyên mẫu Chí Phèo.
Chị T. lập gia đình muộn, gần 40 tuổi mới được giới thiệu lấy một người đàn ông từng ly hôn ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, cách quê nhà chỉ một con sông với cây cầu bê tông bắc qua.
“Lấy chồng được hơn 3 năm, em bị hắt hủi, đánh đập nên khi có thai đứa con đầu lòng, em bỏ về nhà mẹ đẻ để sinh con gái vào năm 2021. Sau khi sinh con, em bán một phần đất của bố mẹ để xây ngôi nhà này”, chị T. tâm sự.
Còn chị H., con gái thứ hai của ông Trần Viết D. cũng lập gia đình khá muộn nhưng sống hạnh phúc, nhà chồng khá giả, sinh được hai đứa con đều xinh xắn, thông minh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh nói, quê hương Nam Cao – xã Nhân Hậu (nay đã sáp nhập với xã Nhân Hòa để thành xã Hòa Hậu) có cái tên giống như tính cách những con người ở đây, rất hiền lương, chăm chỉ và không bao giờ đánh nhau. Để xây dựng nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã tổng hợp những cái xấu xa của bao người nông dân vốn lương thiện bị bần cùng hóa mà ông gặp suốt cả quãng đường từ Bắc vào Nam.
“ Có thể nói, nếu ông Trần Viết D. đích thực là con ông Chí Phèo thì chị T., chị H. là cháu nội ông Chí Phèo. Cũng là điều mừng khi ông Trinh, một nguyên mẫu Chí Phèo, để lại hậu duệ của mình. Tổ tiên của họ là những người từng bị bần cùng hoá bởi chế độ thực dân phong kiến hà khắc”, ông Vinh nói, cho rằng quá khứ đau khổ một thời của miền quê cũng giúp con người quý trọng cuộc sống bình an, no ấm đang có và thêm động lực để vươn lên.
Khắp trên quê hương của Chí Phèo, Lão Hạc ngày nay là những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng tráng lệ và những gương mặt bừng sáng, đầy năng động. Hình ảnh tăm tối, mịt mùng của những vườn chuối, cái lò gạch cũ hay căn lều dột nát chỉ còn trong những trang sách quý là di sản mà người dân Đại Hoàng luôn tự hào.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh bảo, ơn Đảng, ơn Chính phủ, sự đổi mới của đất nước và sự vươn lên của những con người chất phác, thật thà nơi đây đã làm cho cuộc sống ngày càng tràn đầy hạnh phúc, viên mãn.
Theo VTC News