Vốn quen với việc đồng áng nên chị Ma Thị Ninh, dân tộc Tày ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn vào học tại trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Tốt nghiệp đại học, cô gái trẻ trở về quê theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp.
Chị nhận thấy địa phương mình có nhiều nông sản đặc trưng nhưng chưa được nhiều người biết đến, địa phương cũng chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm của bà con làm ra khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm do mình làm ra, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của dân tộc vùng cao, chị Ninh đã vận động các hộ dân trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) Yến Dương vào tháng 6/2018 với 20 thành viên. Sau 2 năm thành lập, HTX đã hoạt động ổn định với 30 thành viên, bước đầu sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong số 30 thành viên HTX có 12 hộ có kinh tế trung bình, còn lại là hộ nghèo, cận nghèo và vừa thoát nghèo.
“Mục tiêu của HTX Yến Dương không chỉ tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, mà HTX hướng đến việc đi sâu vào các giá trị của quả bí thơm ngày càng được nâng lên. Việc sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm là hướng đi lâu dài, từ đó tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa HTX và người dân trên địa bàn”- Ma Thị Linh, Chủ nhiệm HTX Yến Dương
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa được sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, HTX Yến Dương đã thành lập các nhóm sản xuất ký hợp đồng trồng và tiêu thụ các sản phẩm như: Nhóm sản xuất bí thơm; nhóm sản xuất và chế biến miến dong tráng tay; nhóm sản xuất mướp đắng rừng; nhóm sản xuất mác mật tươi; nhóm chế biến măng khô; nhóm đan lát thủ công truyền thống, đồ mỹ nghệ… Mỗi nhóm đều có tổ trưởng, nhóm trưởng phụ trách.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây bí thơm, từ năm 2021, HTX Yến Dương đã sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm với sản lượng xuất bán ra thị trường là hơn 3 tấn. Nhờ sự năng động sáng tạo của chị Ninh, sản phẩm trà bí thơm đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lần thứ 2 năm 2021” do Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Kạn tổ chức. Hay như giống lúa nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào Dao Quế Lâm tại xã Yến Dương, HTX đã kết hợp với bà con dân tộc Dao Quế Lâm cùng sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm.
Năm 2021, HTX đã tiêu thụ thành công sản phẩm gạo nếp Tài với diện tích 18,5 ha cho 82 hộ dân tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị liên kết với năng suất đạt 42 tạ/ha. Đồng thời sản phẩm lúa nếp Tài được cấp chứng nhận hữu cơ PGS và duy trì là sản phẩm OCOP 3 sao.
Đến nay, sau 5 năm khởi nghiệp từ nông sản địa phương, Hợp tác xã đã có 388 hộ liên kết sản xuất với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng, vốn lưu động 1 tỷ đồng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Sản phẩm của HTX tập trung vào các sản phẩm chủ lực địa phương và đã đạt chứng nhận Hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS từng năm, như: Bí xanh thơm, trà bí thơm, gạo nếp tài, miến dong. Bên cạnh đó tiếp tục phát triển các sản phẩm thổ cẩm, đan lát thủ công truyền thống gắn du lịch trải nghiệm….
Dựa trên những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, năm 2023, HTX xã xây dựng kế hoạch, phương án phát triển sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tiêu thụ thành công các sản phẩm chủ lực, mang lại thu nhập cho các hộ liên kết và tạo việc làm ổn định cho các lao động tại địa phương.
Trên cơ sở các nhóm sản xuất được thành lập, HTX Yến Dương đã tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành tổ chức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Với việc cùng nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, các mô hình Hợp tác xã được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất. Năm 2022, HTX Yến Dương còn liên kết sản xuất, bao tiêu hiệu quả 500 tấn quả bí thơm và gần 20 tấn gạo nếp Tài.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Những năm qua, cây bí thơm trở thành một trong những cây trồng chính mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Ba Bể. Vùng nguyên liệu 30 ha, trong đó 10 ha đạt chuẩn hữu cơ PGS.
Sản phẩm Bí thơm của HTX là sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Theo chị Ninh, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến nay sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước. Sản lượng trung bình hàng năm tiêu thụ từ 500 đến 700 tấn/năm, với năng suất đạt 25-30 tấn/ha bí phấn và 30-35 tấn/năm đối với bí xanh.
Từ việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, HTX đã phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí thơm như: Trà bí thơm túi lọc, trà bí thơm hoà tan, nước ép bí thơm… Năm 2022, trà bí thơm của HTX Yến Dương đã được cấp chứng nhận hữu cơ PGS, Chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 và đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp tỉnh.
“Những kết quả HTX Yến Dương đạt được trong thời gian qua đã và đang góp phần đưa nông sản địa phương vươn rộng ra thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của chị Ma Thị Ninh”- Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, chị Ma Thị Ninh cùng các thành viên trong HTX không ngừng giới thiệu và quảng bá sản phẩm của địa phương tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đó ngày càng có nhiều người biết đến nhiều hơn các đặc sản của vùng cao Bắc Kạn. Các hợp đồng mua bán ngày càng nhiều hơn.
Trong thời gian tới, HTX Yến Dương sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo.
Theo PNVN