Mọi thứ bắt đầu từ một cửa hàng bánh sandwich (bánh mì kẹp) và bây giờ ông chủ người Italy này mở rộng hoạt động kinh doanh của mình với nhiều địa điểm mới.
Tommaso Mazzanti bắt đầu làm việc ở tuổi 16 với vai trò là cậu bé bán hàng trong cửa hàng đồ ăn của cha mình, ngay trung tâm Florence, Tuscana, Italy. 19 năm sau, quán ăn ngon đó đã trở thành cửa hàng bánh sandwich mang thương hiệu quốc tế – All’Antico Vinaio – với hơn 200 nhân viên, doanh thu 23 triệu euro (gần 600 tỷ đồng) và 14 địa điểm trên khắp Italy.
Thành công nhờ bí quyết tiếp cận khách hàng
Câu chuyện của All’Antico Vinaio bắt đầu từ hơn 70 năm trước tại trung tâm Florence. Tommaso Mazzanti chia sẻ rằng Antico Vinaio từng là nhà máy sản xuất đồ uống, nhưng không xác định được chính xác thời gian do trận lũ lụt năm 1966 khiến giấy tờ bị thất lạc. “Có lẽ nơi đây đã có từ những năm 1950, sau đó vào năm 1989, cha tôi tiếp quản công việc kinh doanh và chúng tôi quyết định giữ tên Antico Vinaio”.
Ngay từ khi còn nhỏ, sau khi tan học, Tommaso Mazzanti thường đến cửa hàng ăn trưa cùng với bạn bè. Đối với anh, việc nhìn thấy cha mẹ chiêu đãi mọi người bằng chiếc bánh sandwich đơn giản cùng đồ uống đã trở thành công việc tuyệt vời nhất trên thế giới và cho đến nay vẫn vậy.
Nhưng thành công trong nước và quốc tế đều nhờ vào sự khéo léo của Tommaso Mazzanti. Năm 2012, Antico Vinaio đạt được vị trí tốt nhất trên TripAdvisor ở Tuscana, trở thành món ăn đường phố ngon nhất Tuscana và đứng thứ 5 tại Italy một năm sau. Năm tiếp theo, thương hiệu bánh sandwich này trở thành địa điểm được đánh giá cao nhất trên thế giới.
Vào năm 2015, Tommaso Mazzanti đã viết chuyên mục cá nhân trên Facebook – nơi anh giới thiệu các loại bánh sandwich khác nhau.
Trong lần thứ 2 hoặc thứ 3 đăng tải bài viết giới thiệu, Mazzanti đã nghĩ ra câu khẩu hiệu “Hãy cẩn thận với làn khói từ bánh mì mới nướng”, dựa trên câu nói thường thấy của người dân Florence “Hãy cẩn thận với cái này…” hay “Coi chừng cái kia…”. Sau đó, khẩu hiệu của Mazzanti dần được mọi người hưởng ứng và trở thành câu nói gắn liền với thương hiệu.
Anh cũng thừa nhận rằng phương tiện truyền thông xã hội giúp ích rất nhiều. Chia sẻ với ilgiornale.it, Tommso Mazzanti khẳng định rằng trong 15 năm qua, cách giao tiếp của anh cũng thay đổi. Nếu không có mạng xã hội, Antico Vinaio sẽ khó nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khách hàng. Ngày nay, mạng xã hội là phương thức liên lạc đầu tiên anh có với khách hàng.
Chàng trai 33 tuổi này đã đưa thương hiệu bánh mì của mình sang thành phố New York với 2 cửa hàng và một cửa hàng tại Los Angeles (Mỹ).
Tommaso Mazzanti không học kinh tế hay tài chính, nhưng mô hình kinh doanh của Antico Vinaio đã trở thành đề tài nghiên cúu tại Đại học Bocconi. Vài năm trước, Tommaso Mazzanti còn nhận được lời đề nghị hấp dẫn từ một công ty ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
“Lời đề nghị của họ chắc chắn khiến tôi tự hào, có 4 cơ hội mở cửa trên một thị trường mà tôi thấy rất thú vị”. Tuy nhiên, anh đã từ chối lời mời hợp tác này vì hai bên không có chung đích đến.
Khi được hỏi làm thế nào anh có thể chinh phục được nửa thế giới chỉ bằng một chiếc focaccia (bánh mì dẹt có men của Italy) đơn giản, Mazzanti trả lời: “Đó là quá trình chuyển đổi dần dần. Tôi không muốn nói với bạn điều gì đó vô nghĩa, nhưng tôi nghĩ tôi đã quyết định tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình vào khoảng năm 20 tuổi”. Và sau đó là rất nhiều thời gian học nghề.
Tậu siêu xe tiền tỷ
Cuối tháng 5, Tommaso Mazzanti đã sắm chiếc SUV Lamborghini Urus nhân dịp kỷ niệm việc khai trương các địa điểm ở Mỹ. Anh cũng tuỳ chỉnh chiếc xe với lớp sơn màu vàng neon nổi bật nhờ sự giúp đỡ của Evosound Custom.
Theo tiêu chuẩn, Lamborghini Urus có giá khởi điểm khoảng 235.000 USD (tương đương 5,7 tỷ đồng).
Phát biểu với Supercar Blondie, Tommaso Mazzanti cho biết chiếc Urus có lẽ là món quà chỉ có một lần vì anh dự định đầu tư mọi đồng tiền có thể vào công việc kinh doanh sandwich của mình.
Sau khi chia sẻ về chiếc Lamborghini, Tommaso Mazzanti đã bị một số người dùng mạng xã hội chỉ trích về việc khoe siêu xe. Song chàng trai người Italy không mấy quan tâm. “Họ nói rằng lẽ ra tôi không nên phô trương việc mua hàng, nhưng tôi đã chia sẻ niềm vui”.
Theo forbes.it, corriere.it-Lam Phương-Theo Nhịp sống thị trường