Đến năm 2030, startup này hướng tới cột mốc 500 triệu USD doanh thu.
Coolmate, thương hiệu quần áo nam được CEO Phạm Chí Nhu ra mắt vào năm 2019, gần đây đã huy động được 6 triệu USD từ Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ. Đây được coi là thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh mùa đông công nghệ chưa có dấu hiệu ‘tan băng’, còn Coolmate thậm chí hướng tới một mục tiêu tham vọng hơn là trở thành kỳ lân vào năm 2030.
Vào thời điểm Temu, Shein và TikTok Shop thống trị không gian bán lẻ Đông Nam Á, điều gì khiến Coolmate tự tin rằng họ có thể tồn tại?
CEO Phạm Chí Nhu ban đầu bán quần áo trên Shopee, song sớm nhận ra rằng cách này không bền vững. Phí thị trường ăn vào lợi nhuận; đồng thời rất khó để giữ chân khách hàng bằng các sản phẩm không có thương hiệu.
Vì vậy, cùng với 2 người đồng sáng lập khác, vị CEO này ra mắt một nền tảng trực tuyến chuyên bán các mặt hàng thiết yếu cho nam giới, bao gồm quần short, đồ thể thao, áo phông, polo và đồ lót. Khách hàng mục tiêu là những người không muốn hoặc không có khả năng chi trả mức giá cao cho các thương hiệu như Nike hoặc Adidas, song lại thích những sản phẩm chất lượng thay vì đồ Trung Quốc giá rẻ.
Ví dụ, một chiếc áo phông tập luyện dành cho nam trên Coolmate có giá khoảng 200.000 đồng Việt Nam (8 USD), tức bằng khoảng 1/4 giá của các sản phẩm Nike hoặc Adidas. Để so sánh, nhiều áo phông tập luyện dành cho nam trên Temu Việt Nam chỉ có giá dưới 8 USD.
“Chúng tôi không phải là thời trang nhanh. Khách hàng của chúng tôi là những người từ 18 đến 34 tuổi, coi quần áo là thứ thiết yếu và họ ưa chuộng những thiết kế tối giản”, CEO Phạm chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia tại trụ sở chính của Coolmate tại Hà Nội. “Về cơ bản, khách hàng của chúng tôi là những người giống như tôi”, vị CEO 33 tuổi này nói thêm.
Được biết ở Việt Nam, Coolmate là nhà cung cấp hiếm hoi cho phép người tiêu dùng đổi trả hàng hóa trong vòng 60 ngày. Chính sách này ưu việt đến nỗi cứ khách không hài lòng, kể cả mặc rồi cũng có thể… trả lại. Mọi sự nhanh chóng đến mức tiền còn hoàn vào tài khoản trước cả khi shipper đến lấy lại hàng.
“Làm sao thuyết phục người ta khi 50% không hài lòng, mất niềm tin? Họ không tin vào sản phẩm online, và chỉ mua khi rất rẻ hay voucher nhiều. Để thay đổi, bắt buộc chúng tôi phải có chính sách nào đó đủ mạnh. Từ đó, tôi nghĩ ra cam kết đổi trả như vậy, trước là đổi trả 45 ngày, sau nâng lên 60 ngày”, CEO Phạm Chí Nhu nói.
Không thể phủ nhận, chính sách trả hàng của Coolmate là tiền đề để doanh nghiệp chiếm được lòng tin của khách hàng và tạo dựng được uy tín nhanh chóng trên thị trường. Công ty sẽ luôn phải sản xuất ra những sản phẩm chất lượng nhất, công bố thông tin chân thực và chính xác nhất, giao hàng nhanh chóng, đảm bảo nhất (có thể) để giảm thiểu trường hợp khách hàng trả đồ do không ưng ý.
Mô hình của Coolmate hiện là Direct to Customer Ecommerce (D2C Ecommerce), cung cấp sản phẩm may mặc sản xuất tại Việt Nam, bán trực tiếp tới tay khách hàng qua nền tảng Thương Mại Điện Tử với giá cả hợp lý hơn do tiết kiệm được nhiều các chi phí mặt bằng và bán hàng truyền thống. Doanh thu hãng dự kiến tăng gấp đôi hàng năm, đạt 26 triệu USD vào năm 2024 và 45 triệu USD vào năm 2025.
Đến năm 2030, công ty hướng tới cột mốc 500 triệu USD doanh thu. Coolmate đồng thời cũng sẽ mở rộng tại thị trường Đông Nam Á và Mỹ, với doanh thu dự kiến chiếm 30% tổng doanh thu của công ty. Phân khúc khách hàng là phụ nữ và trẻ em sẽ sớm được tiếp cận.
Theo: Tech in Asia, Tổng hợp-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường