Cặp đôi đã mở 3 quán cafe sau 4 năm về quê khởi nghiệp.
Từ 700 triệu đồng đầu tư cho quán cafe đầu tiên cho đến mở thêm 2 chi nhánh
Cuối năm 2020, Uyên Trân (SN 1992) cùng chồng về quê chồng tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để mở quán cafe đầu tiên. Cho đến cuối năm 2022, do nhận thấy tình hình kinh doanh ổn định, nên họ đã mở thêm 2 chi nhánh cafe khác ở quê nhà. Bên cạnh quản lý 3 quán cafe, Uyên Trân còn làm freelancer về virtual assistant (trợ lý ảo) và nhà sáng tạo nội dung.
Uyên Trân chia sẻ: “Lý do chúng mình mở quán cafe rất đơn giản. Trước đó, chồng mình đã làm về cafe và mình cũng rất thích đi cafe. Đến cuối năm 2020, chúng mình quyết định làm một quán nhỏ để có chỗ tiếp khách và nơi nếm thử các mẫu cafe nhà làm.
Hiện, các quán cafe của mình đều bán sản phẩm xoay quanh chính là cafe và trà, với nguyên liệu xuất xứ từ Bảo Lộc. Mình muốn xây dựng mô hình quán lấy cafe làm trung tâm, tuy nhiên mình nghĩ sẽ cần nhiều thời gian để khách hàng dần đón nhận”.
Trong lần mở quán cafe đầu tiên, họ đã chi khoảng 700 triệu đồng cho khâu chuẩn bị, bao gồm tiền góp vốn của hai vợ chồng và cổ đông khác.
“Trong số khoảng 700 triệu đồng này, mình đã dùng đến gần 200 triệu đồng là tiền làm sai và sửa lại. Bởi lẽ lần đầu tiên mở quán làm non tay và chúng mình không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng nhờ vậy mà 2 quán sau của chúng mình đã có cải thiện và làm tốt hơn rất nhiều.
Thêm nữa, từ một phần kinh nghiệm sửa quán, chồng mình có thêm công việc setup quầy bar và giám sát thi công trở thành nghề tay trái. Nên ngẫm lại, mình nghĩ số tiền bị mất đi cũng trở thành học phí” , Uyên Trân nói thêm.
Làm sao để đẩy nhanh tốc độ hoàn vốn của quán và không tháng nào bị thua lỗ?
Hiện, 3 quán cafe của vợ chồng Uyên Trân đều có thời gian hoàn vốn dưới 18 tháng và hầu như chưa từng gồng lỗ tháng nào. Cô chia sẻ, sở dĩ để quán cafe vừa mở bán đã có lợi nhuận là nhờ lựa chọn mô hình kinh doanh – yếu tố quyết định rất lớn đến lộ trình kinh doanh và thời gian hoàn vốn.
Theo đó, ở cả 3 chi nhánh, cô chọn mô hình đánh vào nhu cầu đã có sẵn về cafe của tệp khách hàng địa phương. Sau đó, bước tiếp theo cần làm là xây dựng lòng trung thành của khách hàng, từ đó chọn được tệp khách hàng lui tới quán thường xuyên.
Tất nhiên, chọn đúng mô hình kinh doanh chỉ là bước khởi đầu để quán cafe có lợi nhuận “ăn nên làm ra”. Đối với những quán cafe của mình, vợ chồng Uyên Trân cũng gạch ra những yếu tố then chốt để duy trì lợi nhuận và giảm bớt cạnh tranh từ đối thủ xung quanh.
– Thứ nhất, có kế hoạch về tài chính và dòng tiền cho hoạt động kinh doanh
Theo đó, chủ quán nên biết đâu là điểm hòa vốn, mức bạn có thể “gồng lỗ” và giới hạn cho các khoản chi phí. Khi mở quán, không phải bạn cứ bán được nhiều cốc cafe là lời.
Thực tế, nếu bạn biết kiểm soát chi phí và cân đối thu chi thì quán hoạt động vẫn có lời như bình thường, chứ không nhất thiết đạt được hiệu quả về số lượng cốc bán ra. Tuy nhiên, nên nhớ kiểm soát dòng tiền thì cũng không được để ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của quán.
– Thứ hai, đảm bảo quy trình quản lý nhân sự
Quan điểm của Uyên Trân khi làm quán là không mất quá nhiều thời gian can thiệp vào hoạt động hàng ngày. Bạn nên xây dựng quy trình quản lý từ đầu, khi quán cafe bắt đầu vận hành kinh doanh. Quy trình quản lý cũng là thứ giúp nhân sự làm việc hiệu quả và hiểu ý nhau hơn.
– Thứ ba, tìm kiếm và đào tạo nhân viên
Ở khu vực tỉnh nhỏ như tỉnh Lâm Đồng, nhân viên không dồi dào và kỹ năng cao như ở thành phố lớn chẳng hạn Hà Nội, TP.HCM. Cũng vì thế, thời gian đầu thì vợ chồng cô nàng đã tốn nhiều thời gian và công sức để đào tạo nhân sự nhưng hiệu quả đến chậm. Đó còn chưa kể, nhân sự cứ làm được vài tháng ba lại xin nghỉ.
“Sau đó, chỉ khi chúng mình có chiến lược rõ ràng và chấp nhận mất nhiều thời gian đào tạo, quản lý thì nhân sự mới ổn định. Cách mà mình làm là tập trung vào 20% nhân sự quán, xây dựng đội ngũ nòng cốt và để các bạn lan tỏa văn hóa, giá trị đến các nhân viên còn lại. Cách này sẽ giúp mình đỡ ‘hụt hẫng’ và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, năng lượng. Và một điều quan trọng đó là tìm một bạn Quản lý thay mình công việc vận hành hàng ngày” , Uyên Trân nêu ra phương án giải quyết.
– Cuối cùng, dù bạn mở đến bao nhiêu quán cafe thì phải duy trì chất lượng sản phẩm ổn định, đồng đều giữa các chi nhánh. Khi bạn đã có quy trình kinh doanh và đội ngũ nhân sự tốt thì chất lượng sản phẩm đồng đều chính là kết quả của 2 yếu tố đó.
Uyên Trân tâm sự, trải qua 3 lần mở quán cafe, cô nàng thấy thử thách lớn nhất vẫn là đào tạo đội ngũ nhân sự. Uyên Trân cho hay: “Yêu cầu của mình dành cho nhân sự khá cao. Chẳng hạn như pha chế thì phải học về nếm thử và có kiến thức về cafe; vị trí phục vụ được khuyến khích gọn gàng, ngăn nắp, quan sát tốt, hỗ trợ khách hàng nhiệt tình.
Ở địa phương mình thì đây là yêu cầu rất khó vào thời điểm 4 năm trước. Mình có rất nhiều thời điểm stress vì mọi thứ không được như ý muốn, nhưng trộm vía là bây giờ mình hài lòng với các bạn nhân sự ở quán”.
Dù mở bao nhiêu chi nhánh thì người quản lý cần duy trì đồng đều chất lượng sản phẩm và dịch vụ giữa các chi nhánh
Đừng nghĩ quán dễ mở, dễ có khách
Đối với người Việt Nam, cafe là một thức uống quen thuộc, xuất hiện trên mọi loại menu từ quán vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người lựa chọn kinh doanh quán cafe làm hình thức khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu thị trường “đất chật người đông” thì quán cafe của bạn cần tạo được màu sắc riêng nếu không muốn nhanh chóng thất bại và phải rút lui khỏi thương trường.
Uyên Trân chia sẻ, trước khi mở quán cafe, cô từng có nhiều lầm tưởng như: Mô hình kinh doanh này dễ mở quán, dễ có khách; Chu trình kinh doanh đơn giản là kiếm mặt bằng, decor quán xinh xinh, học công thức đồ uống rồi mở quán; đầu tư tầm 200-300 triệu đồng là mở quán được rồi. Uyên Trân còn nghĩ đến “viễn cảnh” được làm chủ, “sáng mở quán pha cafe chill rồi chiều thu tiền”.
Còn thực tế thì sao? Theo trải nghiệm của cô nàng, quán cafe dễ mở nhưng cũng dễ đóng do cạnh tranh từ thị trường cao. Quán cafe cũng dễ mất khách do khó xây dựng khách hàng trung thành, dẫn đến khách hàng có thể “cả thèm chóng chán” và “khó tính”.
“Sau 4 năm làm quán cafe, mình nhận ra kinh doanh không đơn giản như mình nghĩ. Đầu tiên, mình nghĩ mở quán chỉ cần: Quán đẹp, có gu một tí; Cafe ngon một tí; Dịch vụ khách hàng chu đáo một tí; Thường xuyên ra món mới; Truyền thông đều đặn và có bản sắc riêng một tí; Tạo khác biệt cho quán một tí. Nhưng sau đấy, mình nhận ra mở quán cafe là làm kinh doanh. Nó có quá nhiều thứ cần phải học và hành trình này sẽ không bao giờ dừng lại”, Uyên Trân tâm sự.
Sau cùng, Uyên Trân có lời khuyên dành cho những bạn trẻ dự định mở quán cafe: “Hãy chuẩn bị kế hoạch kỹ càng, lên kế hoạch kinh doanh để biết đâu là mong đợi phù hợp với mình. Và hãy nghiêm túc làm việc, tìm hiểu, nếu được hãy tìm mentor để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
Mỗi người sẽ có định nghĩa về thành công riêng, hãy tìm sự thành công phù hợp với mình, làm mình hạnh phúc. Đừng chỉ chạy theo doanh thu và những thứ phù phiếm như có nhiều follower, nhiều view. Dù là kinh doanh cà phê hay đi làm, mình nghĩ ai cũng nên hiểu về mong muốn của mình để tìm được điều làm mình thấy vui, thỏa mãn và hạnh phúc”.
Ảnh: NVCC- Vân Anh–Nhịp sống thị trường