Lịch sử đã lưu lại một số trải nghiệm ly kỳ về việc một số người sau khi chết lại hoàn dương, có người còn mang theo ký ức có thể được chứng thực tại thế gian.
Hồ Bỉnh Thực, tự Nhược Hư, người huyện Võ Xương, trong cuộc đời ông từng có một đoạn trải nghiệm dị thường sau khi ông ấy “chết” đi rồi sống lại.
Sau khi chết nhìn ra bổn tướng, đứa trẻ đã chết là ai?
Hồ Bỉnh Thực có ba đứa con, tất cả đều chết từ khi còn nhỏ, điều này khiến ông cực kỳ đau khổ. Cuối cùng, đến lượt đứa con út của ông cũng qua đời. Nhìn lũ trẻ lần lượt chết trẻ, ông không thể chịu đựng nổi, khi trong tâm nghĩ chỉ muốn đi theo bọn trẻ, thì ông đột nhiên hôn mê, thân thể lạnh ngắt, chỉ còn quả tim vẫn hơi ấm. Khi đó, người nhà tưởng ông đã chết.
Nhưng vài ngày sau, ông tỉnh lại, nói câu đầu tiên như thể hồ ngôn loạn ngữ, khiến người nhà bối rối, ông nói: “Hãy lấy tiền đưa cho người đã đưa tôi trở về.”
Khi người nhà hỏi chuyện gì đã xảy ra, ông kể lại chính xác những gì bản thân đã trải qua trong những ngày tử vong. Ông nói: “Sau khi con chết, tôi đã đuổi theo nó, đuổi theo nó một quãng đường rất dài. Nhưng đứa trẻ dần dần biến đổi một cách kỳ quái, biến thành không còn là con của tôi nữa. Nó thậm chí còn mắng tôi rằng ‘Bác tại sao cứ đuổi theo tôi?’”
“Vì vậy, tôi quay lại và không đuổi theo nó nữa. Tôi ngồi trên cầu nghỉ ngơi lấy sức. Lúc này tôi nhìn thấy rất nhiều trẻ con, trong đó một đứa nói: ‘Con đã ở nhà bác được mấy năm rồi!’ Một đứa trẻ khác đứng bên cạnh cũng nói: ‘Con cũng đã ở nhà bác được mấy năm rồi!’ Khi tôi nhìn kỹ chúng, toàn bộ đều là những đứa con đã chết trẻ của tôi, nhưng chúng không nhận tôi là cha của chúng, điều này khiến tôi phẫn nộ và đau buồn.
“Lúc này đột nhiên có một ông lão xuất hiện, là người quen của tôi, nhưng tôi biết ông ấy đã chết rồi. Ông ấy kêu lên: ‘Tại sao cậu lại đến đây? Nếu không quay lại thì không thể quay lại được! Bây giờ tôi muốn đưa cậu đến gặp Diêm Vương để kiểm tra thông tin của cậu.’”
“Ông lão đưa tôi đến gặp Diêm Vương. Diêm Vương nhìn vào sổ sinh tử, nói với tôi: ‘Ngươi sẽ là lang biệt giá (phụ tá của quan thích sử bang), thọ mệnh vẫn còn dài, trong mệnh của ngươi đến già mới có con, chúng hiện tại đều còn chưa đến lúc xuất sinh, ngươi đến nhầm chỗ rồi.”
Bức tranh kinh điển Đôn Hoàng thế kỷ 10 “Địa ngục thập vương kinh” (một phần) mô tả vong hồn đi qua điện thứ nhất – Tần Quảng Vương điện. Ảnh: Bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp. (Phạm vi công cộng)
“Vậy nên Diêm Vương ra lệnh cho mã tốt quỷ sai đưa tôi trở về. Ông lão đã cho tôi mượn tiền trước khi chết, nhưng tôi chưa kịp trả nợ thì ông ấy đã chết. Ông lão dặn tôi nhớ phải trả tiền, không thì món nợ sẽ đến kiếp sau… Tôi vội vàng viết việc phải trả món nợ lên tay mã tốt để khỏi quên.”
“Mã tốt đưa tôi về nhà, bảo tôi nhảy từ giếng trời xuống giường. Tôi nhảy xuống xong, mọi người nghe thấy lời tôi nói, lập tức đốt tiền, chính là để đưa tiền cho mã tốt trả món nợ cho ông lão.”
Sau khi Hồ Bỉnh Thực trở về từ âm phủ, ông không bao giờ lại hoài niệm về những đứa con đã chết trẻ đó. Những đứa trẻ đoản mệnh, tục xưng là “trẻ mượn nhà”. Ông đã minh bạch rằng bọn trẻ đó chỉ là mượn tạm nhà mình một thời gian để sống, rồi sẽ chết trẻ, chúng không phải là thực sự đầu thai đến nhà ông để kết duyên, còn bản thân ông thì suýt vì chúng mà tang mệnh ở Hoàng Tuyền.
Sau này, Hồ Bỉnh Thực quả nhiên có bốn người con trai, bản thân ông được làm quan, trở thành huyện lệnh An Nghi ở Nam Khang (nay là huyện An Nghi, tỉnh Giang Tây), chịu trách nhiệm thúc đẩy và nâng cao trình độ văn hóa giáo dục địa phương. Ông làm việc rất tốt, thanh danh vang xa. Ông cũng trường thọ, giống như âm phủ Diêm Vương đã nói.
Đông Môn Ngô không đau buồn sau khi con chết
Trong “Liệt tử – lực mệnh” và “Chiến quốc sách – Tần sách tam”, đều có câu chuyện Đông Môn Ngô mất con trai. Thời kỳ Chiến Quốc, con trai của Đông Môn Ngô ở nước Ngụy chết trẻ, nhưng ông không hề tỏ ra đau buồn. Có người hỏi ông: “Công yêu con có thể nói là độc nhất vô nhị, thiên hạ không ai được như thế, vì sao lúc con chết, công không đau buồn?” Đông Môn Ngô trả lời: “Trước đây khi chưa có con trai, tôi cũng không lo không có con, bây giờ con trai tôi đã chết rồi, bỏ tôi đi, tôi lại trở về trạng thái như xưa không có con trai, có gì đáng buồn đây?”
Đối với Đông Môn Ngô mà nói, con cái và người thân đều là những người qua đường trong cuộc đời, nên ông đối đãi với sinh tử ly biệt của mình bằng thái độ cởi mở và đạm bạc.
Trái tim như tấm lưới, bên trong có hàng ngàn nút thắt
Có một câu trong bài thơ “Thiên thu tuế – số thanh” của Trương Tiên thời nhà Tống, mà câu từ được lưu truyền thiên cổ, đó là “Thiên bất lão, tình nan tuyệt. Tâm tựa song ty võng, trung hữu thiên thiên kết.”, ý tứ là tình người khó đoạn tuyệt, cũng như ông trời mãi không già, trái tim tựa như tấm lưới, bên trong có ngàn ngàn nút thắt. Tình, bất kể là tình thân, tình bạn, tình yêu… đều giống như một tấm lưới bằng tơ lụa kiên trì và bền bỉ bao bọc trái tim con người. Đời người chính là sống trong tấm lưới tình này, thường là một trái tim ngàn nút thắt, những cảm xúc tình tự từng chảy qua trái tim giờ đã biến thành những nút thắt vướng víu. Mỗi nút thắt đều được khóa bằng một đoạn ký ức, một điểm giao hội, hoặc một giao thức phức tạp của những yêu hận tình thù.
Tình cảm luôn tự nhiên hình thành mối liên kết xuyên suốt qua hết thảy những mối quan hệ nhân tế trong cuộc đời. Dù “tình” có thể khiến con người vui vẻ say sưa, nhưng đó đồng thời cũng có thể là gánh nặng khiến mọi người khó giải thoát khỏi “xiềng xích”. Câu chuyện về nguyên thần của Hồ Bỉnh Thực khi nhập vào âm phủ và nhận thức “trẻ mượn nhà” hẳn là sẽ khiến thế nhân cảm động. Nhân sinh quan của Đông Môn Ngô có thể giúp mọi người giải phóng gánh nặng của “khóa tình” trong cuộc sống, dễ dàng hồi quy trở về bản chất của sinh mệnh!
Nguồn: “Nhĩ đàm”, “Liệt Tử – Lực mệnh”, “Chiến Quốc sách – Tần sách III”
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch