Giới chuyên gia nhận định, khi Mỹ tăng cường tập trung vào thách thức từ Trung Quốc thì việc xây dựng mạng lưới đồng minh rộng khắp sẽ là ưu tiên hàng đầu của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến công du kéo dài một tuần tới châu Á. Trước chuyến thăm tới Ấn Độ (từ ngày 19/3-21/3), đã có nhiều suy đoán rằng New Delhi có thể sẽ giữ “vai trò to lớn hơn nhiều” trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Trước đó, vào ngày 16/3, Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về những động thái hung hăng của Bắc Kinh tạo ra mối đe dọa cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Austin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi tại Tokyo trong khuôn khổ các cuộc thảo luận giữa hai quốc gia.
Sau đó, trong một tuyên bố trước truyền thông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – người cũng có mặt trong cuộc hội đàm trên – cho hay, Mỹ sẽ sát cánh cùng với các đối tác để thách thức bất cứ mối đe dọa an ninh nào ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng đồng tình với tuyên bố này và khẳng định thêm: “Chúng tôi đều thấy rằng các hành động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có và đang đặt ra nhiều thách thức khác nhau đối với liên minh Mỹ-Nhật, cũng như cộng đồng quốc tế“.
Theo ông Austin, trong lúc Mỹ dồn trọng tâm vào Trung Đông suốt 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung xây dựng năng lực quân sự hiện đại hóa. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, chuyến công du lần này là nhằm trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Trong số các đồng minh nhóm QUAD của Mỹ, chuyến công du của Bộ trưởng Austin tới Ấn Độ được xem là quan trọng nhất do New Delhi đang phải đối diện với nhiều động thái gây hấn từ Trung Quốc.
Trước việc Ấn Độ, Đài Loan và Bhutan đều đang bị ảnh hưởng lớn bởi chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, Mỹ được cho là đang có kế hoạch cải tổ vai trò của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ấn Độ cũng đang tăng cường tương tác với các đồng minh QUAD bằng cách tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung. Sắp tới, New Delhi sẽ cử lực lượng tham gia cuộc tập trận ‘La Pérouse’ do Pháp chủ trì vào tháng 4 năm nay ở vịnh Bengal, cùng với các nước thành viên khác của QUAD.
Dự kiến, Ấn Độ sẽ triển khai các tàu chiến tiền tiêu và máy bay tuần tra hàng hải P-8I cùng một số khí tài khác tới cuộc tập trận.
Ấn Độ cũng tuyên bố mở rộng cuộc tập trận Varuna với Pháp khi có thêm sự tham dự của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Cuộc tập trận này dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư năm nay tại tây bắc biển Ả Rập, gần Vịnh Ba Tư.
Chuyến thăm của ông Austin tới New Delhi diễn ra vào thời điểm quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc thảo luận để tháo gỡ cuộc đối đầu biên giới ở Ladakh. Chuyến thăm này được đánh giá là cơ hội để tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn và thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Giới chuyên gia nhận định, khi Mỹ tăng cường tập trung vào thách thức từ Trung Quốc thì việc xây dựng mạng lưới đồng minh rộng khắp sẽ là ưu tiên hàng đầu của Washington.
Việc quân đội Mỹ lo sợ rằng Đài Loan, Ấn Độ, cùng Bhutan có thể là mục tiêu mới của chủ nghĩa bành trướng đã buộc họ phải suy nghĩ lại về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ có vai trò quân sự lớn hơn trong Cơ cấu Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ khi ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) lịch sử, giúp củng cố quan hệ giữa hai nước như một liên minh quân sự.
Đối mặt với sự gây hấn liên tục từ Trung Quốc ở biên giới phía đông, Ấn Độ đã liên tục củng cố quan hệ đối tác với các nước trong nhóm QUAD, đặc biệt là với Mỹ, để tăng cường năng lực quân sự của mình.
Theo EurAsian Times, trong bối cảnh Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu giành quyền kiểm soát Đài Loan, Bhutan và Đường kiểm soát thực tế (LAC), Mỹ có thể sẽ đưa Ấn Độ trở thành “Vương quốc Anh của châu Á”.
Theo tài liệu nghiên cứu “Vai trò của Mỹ tại châu Á” của tổ chức phát triển quốc tế phi lợi nhuận Asia Foundation, cụm từ “Vương quốc Anh ở châu Á” xuất phát từ một phát ngôn của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage.
Khi đó, ông Armitage đề cập rằng, Mỹ sẽ không bao giờ nghĩ tới việc tiến hành một sáng kiến toàn cầu quy mô lớn mà không tham vấn Anh trước tiên.
Sau này, cụm từ “Vương quốc Anh ở châu Á” đã được sử dụng trong một số tài liệu nói tới mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Mỹ và Nhật Bản. Cách ví von này đề cập tới việc Tokyo nên được Mỹ tham vấn trước tiên, trước khi Washington muốn có hành động hoặc những thay đổi chính sách đối với châu Á.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị