Thời gian qua, khái niệm công dân toàn cầu liên tục được nhắc đến tại Việt Nam. Nhưng các bạn trẻ Việt sẽ trở thành công dân toàn cầu như thế nào nếu một cái email không biết viết, CV thì tệ chưa từng thấy?
“Giữa sinh viên trong nước và quốc tế có khoảng cách rất lớn”, anh Võ Quang Dũng, cựu du học sinh Việt Nam tại Anh Quốc nói. Và Dũng muốn san bằng khoảng cách này.
Xuất phát điểm không cao, nhưng nếu đi đúng, sẽ làm được thôi
Võ Quang Dũng hiện là Giám đốc kinh doanh của Impactus – Học viện đào tạo các kỹ năng và định hướng sự nghiệp cho sinh viên và người đi làm. Dũng cũng từng có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia trước đó.
Ở thời điểm hiện tại, Dũng tỏ ra vui vẻ với hướng đi của mình. “Tôi đang làm những thứ mà tôi muốn”, anh nói, “xuất phát điểm không cao nhưng nếu đi đúng hướng, bạn có thể làm được nhiều thứ”.
Vào Ngoại Thương, xuất phát điểm của Dũng là 3 không: không tiếng Anh, không kỹ năng mềm, không quan hệ. Vốn liếng của Dũng chỉ là kiến thức về toán cũng như những giải thưởng xung quanh môn học này, chẳng áp dụng được gì nhiều. Chàng trai đến từ Hà Tĩnh vào đại học với ước mơ “được làm gì đấy liên quan đến kế hoạch, chiến lược. Những hành động sau đó của Dũng, chủ yếu là để bù đắp những thiếu sót của mình nhưng vẫn xoay xung quanh trục của giấc mơ.
Cụ thể, ngoài giờ lên lớp, Dũng thường xuyên tham gia các câu lạc bộ để cải thiện các kỹ năng mềm. Chàng trai này cũng từng làm hướng dẫn viên miễn phí cho khách nước ngoài. Khi các khả năng được cải thiện hơn, Dũng đã ứng tuyển thành công vào các sự kiện có tính quốc tế như Hội nghị Lãnh đạo trẻ Asean tại Thái Lan, Giao lưu thanh niên Asean Ấn Độ…
Với những kết quả tốt này, sau khi tốt nghiệp đại học, với mong muốn trải nghiệm môi trường quốc tế, Dũng tìm thấy cho mình cơ hội tại các tập đoàn đa quốc gia. “Tôi đã trúng tuyển vào chương trình Management trainee – quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia lớn”, anh nói.
Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu đi làm, Dũng đã bị “vỡ mộng” bởi chương trình đào tạo giai đoạn đầu rất khắc nghiệt và khác xa với những gì anh tưởng tượng. “Tôi phải đi bán bỉm”, anh nhắc lại đầy hài hước.
“Thú thật là tôi cũng có hiểu được bản chất tại sao mình phải bắt đầu từ công việc này. Nó là trải nghiệm thực tế giúp nhân viên hiểu được khách hàng hiểu được thị trường chuẩn xác”, Dũng nói. Nhưng giữa việc biết và thực tế vẫn có khoảng cách.
“Tôi cũng cảm thấy chán chứ”, anh cảm thán. Nhớ lại, anh cho biết công việc tiếp thị hàng, bán hàng không hề đơn giản khi 8 tiếng phải đi ra ngoài bất kể nắng, mưa. Công việc tiếp xúc với khách, chào mời mua hàng, cũng chả mấy liên quan đến kiến thức đã học. Khách hàng cũng rất đa dạng và không phải ai cũng tỏ ra dễ chịu.
“Tôi cảm thấy mình bị quăng ra đời. Rồi những chỉ tiêu về doanh số, KPI… khiến tôi cảm thấy nản vô cùng”, anh chia sẻ.
Nhưng rồi sau tất cả, Dũng cho biết nhờ những ngày tháng lăn lộn với “bỉm”, với những khách hàng khó tính, anh đã trưởng thành hơn và có cái nhìn thực tế so với việc chỉ ngồi trong phòng máy lạnh và nghĩ ra thứ gì đấy cho người khác làm.
“Các công ty đa quốc gia khác đều có quá trình đào tạo như vậy. Nó rồi trở thành kỷ niệm đẹp”, Dũng cười và nói rằng 2 năm ở tập đoàn đa quốc gia này khiến anh học được rất nhiều thứ, bổ trợ cho giấc mơ thời đại học của anh.
Khi nhận học bổng toàn phần sang Anh học về quản trị chiến lược, không chỉ tập trung thời gian trên giảng đường, Dũng cho biết bản thân cố gắng để có thể tối đa hoá trải nghiệm ở đây. Anh quan niệm nếu không tích cực hoà nhập, việc du học chỉ là chuyển địa điểm học từ nơi này sang nơi khác và chấm hết.
“Du học không chỉ là học mà còn là học cách tư duy và cách thức làm việc, văn hoá của họ”, Dũng cho biết.
Khoảng cách lớn giữa sinh viên Việt Nam và quốc tế
Những trải nghiệm của Dũng cho anh cơ hội được tiếp xúc với sinh viên nhiều nước. Từ đó, Dũng hình thành sự so sánh.
“Sinh viên nước ngoài được định hướng tốt về nghề nghiệp, còn chúng ta lại không. Mặt khác, dù có tố chất rất tốt nhưng về mặt kỹ năng mềm, hầu như sinh viên Việt Nam đuối hoàn toàn so với sinh viên quốc tế. Trong những cuộc thảo luận, tranh luận, sinh viên quốc tế tự tin đồng bảo vệ quan điểm nhưng đồng thời cân bằng được cả kỹ năng lắng nghe nên công việc hiệu quả hơn rất nhiều… Chúng ta có khoảng cách rất lớn trong việc này”, anh nhận xét.
“Đơn giản như viết email hay CV, cũng tệ vô cùng”, Dũng nói.
Những email mà anh nhắc đến hoặc không có tiêu đề, hoặc có tiêu đề nhưng nội dung không có gì, chỉ đính kèm tài liệu. Hay những CV xin việc mà anh đánh giá là tệ vô cùng khi nó kém hấp dẫn, chỉ “cung cấp thứ bản thân có mà không phải thứ nhà tuyển dụng cần”…
Chính vì thế, khi có cơ hội, Dũng đã về Impatus để cùng xây dựng một học viện đào tạo kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người trẻ trong môi trường đa quốc gia. Trước khi Dũng về làm việc, Impactus chỉ thuần đào tạo về ngoại ngữ.
“Mục tiêu lớn nhất của mình và các bạn co-founder là muốn san bằng khoảng cách, giúp các bạn sinh viên dù ở đâu cũng tự tin là thành công được”, Dũng nói và cho biết anh muốn mỗi học viên của mình có thể khám phá ra điểm mạnh, yếu của bản thân để phát triển sự nghiệp.
Các khoá học của Impactus thuộc hai mảng. Thứ nhất là việc dạy các kỹ năng bằng tiếng Anh như thuyết trình, networking, nâng cao kỹ năng, hiệu quả làm việc. Thứ hai là khám phá con đường sự nghiệp của mỗi người và hướng dẫn thi tuyển thành công vào các tập đoàn quốc tế.
“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở một khoá học mà tự xem mình là người đồng hành cùng học viên”, Dũng nhấn mạnh.
Bởi theo anh, doanh thu dù quan trọng nhưng niềm vui lớn nhất của Impactus là có bao nhiêu học viên được hỗ trợ và thành công.
Ánh Dương – Theo Nhịp sống kinh tế