Vì một tai nạn bất ngờ, anh Nguyễn Văn Chung nghĩ rằng cánh cửa tương lai đã “đóng sập” ngay trước mắt. Nhưng vì những nỗ lực của bản thân và vì tình yêu của mẹ nên chính anh đã mở cho mình một cánh cửa mới.
Quyết tâm làm lại sau tai nạn tuổi 18
“Khi gặp tai nạn và được anh trai đưa ra khỏi máy, câu đầu tiên tôi nói với anh của mình là em đã làm khổ mẹ rồi! Tương lai phía trước sẽ ra sao, cuộc đời sẽ như thế nào, nếu tôi không còn đôi chân…”, Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Cuối năm 2002, trong một lần bắt cá ở trạm bơm của xã, Chung vớt hộ người cùng làng chiếc cờ lê bị đánh rơi. Vô tình, anh bị cánh quạt máy bơm hút. Được mọi người kéo lên bờ, Chung ngất lịm đi, lúc tỉnh lại, anh thấy đang nằm trên giường bệnh với đôi chân đã bị cắt cụt.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thường Tín, Hà Nội với 6 anh chị em, bố mất sớm. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Chung đã phải tự kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt và xin mẹ tiếp tục con đường tri thức với ước mong một tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, tai nạn không ngờ tới năm 18 tuổi, khiến mẹ Chung như chết lặng. Dù không có tiền, phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, người mẹ nghèo vẫn cố cứu đứa con trai cho bằng được.
Điều trị 2 tuần ở Bệnh viện Việt Đức, đôi chân của Chung phải cắt cụt gần đến bẹn. Sáu tháng tiếp theo điều trị ở quê chẳng khác gì “địa ngục”, xung quanh là ánh mắt ái ngại, thương cảm.
“Đang đúng độ tuổi đẹp nhất của đời người, tôi không biết sẽ phải tiếp tục cuộc sống và công việc như thế nào. Thời gian nằm trên giường bệnh có lẽ là kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Chỉ nghĩ đến việc không thể đi lại như bình thường, trong đầu tôi luôn nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, sự cố gắng của bà để cứu sống tôi sau tai nạn, tôi lại nghẹn lòng…” – anh Nguyễn Văn Chung kể lại trong cuốn sách “Khởi nghiệp: Lựa chọn hay Bản năng”.
Vì chân bị cắt cụt còn quá ngắn, tập đi chân giả khiến Chung vô cùng đau đớn, sau mỗi buổi tập ở đôi chân lại rỉ máu ra. Tuy nhiên, nghĩ đến mẹ, thương mẹ, anh đã tự dặn lòng không thể bỏ cuộc. Và Chung bắt đầu viết lại câu chuyện của đời mình từ những bước chân khó nhọc ấy. Anh tự nhủ mình phải cố gắng sống, thậm chí phải sống tốt để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ.
Con đường thành công không “trải” hoa hồng
Một người lành lặn khởi nghiệp đã khó, nhưng với một người khuyết tật như Chung thì khó khăn đó còn nhân lên gấp bội phần. Hàng ngày anh phải vượt hàng chục cây số để tìm hiểu thông tin cũng như công thức để sản xuất xà bông thảo dược. Chung cho biết, tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên tốn rất nhiều công sức, thời gian. Những mẻ nấu đầu tiên, anh thực hiện bằng dụng cụ nấu ăn hàng ngày tại phòng trọ.
Thay vì sử dụng các chất hóa học để tạo mùi thì xà bông Sam – Sôn được sử dụng tinh dầu chiết xuất từ tự nhiên và bột màu thực phẩm. Như phôi xà bông có thành phần chính từ dầu cọ, dầu dừa, dịch chiết bồ hòn, tinh dầu, phụ gia đường mía, muối tinh, dịch chiết quả chanh… Còn thành phần nấu gồm có mật ong, bột nghệ, phấn hoa, bột sả và các loại tinh dầu… Sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tự nhiên và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào.
Anh Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Khi bắt đầu vào làm, khó khăn cũng bắt đầu ập đến khi chúng tôi nấu hoàn toàn bằng thủ công nên việc căn giờ, lượng nhiệt rất khó, mất đến cả chục lần mới ghi chép lại được công thức cụ thể, phải sau gần một năm tôi mới thành thạo được công thức này”.
Để làm ra một bánh xà bông là cả một quá trình kỳ công, đặt biệt là phải tỉ mỉ, cẩn thận trong khâu cách thủy, không thì phải nấu lại từ đầu. Mỗi mẻ bánh xà bông, riêng công đoạn nấu phải mất đến ba tiếng, khó nhất là lúc phải đợi phôi tan, vì chỉ một sơ ý nhỏ phôi sẽ tràn và bị hư hỏng hết, nếu phôi tràn xem như mẻ đó mất trắng.
Được sự giúp đỡ của Đức, một người bạn cùng khu trọ, cùng nghị lực phi thường, Chung đã về Ninh Bình, tìm đến trang trại trồng thảo dược. Chính tại đây, Chung đã được Đức giới thiệu công dụng của từng cây dược liệu để có thêm kiến thức, tự tin phát triển nghề. Quan trọng hơn, những chuyến đi này đã mang lại cho anh những ý tưởng để sáng tạo chất lượng sản phẩm, nguyên liệu sao cho phù hợp với nhiều loại da khác nhau.
Nghị lực bền bỉ
Sau hơn 6 năm khởi nghiệp, đến nay, Nguyễn Văn Chung đang sản xuất ra thị trường 8 loại xà bông với các loại như: Sáp ong, mướp đắng, than tre, bạc hà… Ngoài ra, anh còn nghiên cứu và sản xuất thêm dòng muối tắm cho trẻ sơ sinh, với các thành phần cũng được chiết xuất từ thiên nhiên. Sản phẩm này tắm cho em bé để ngăn ngừa các bệnh như: Mề đay, rôm sảy, dị ứng…
“Tôi thấu hiểu được cảm giác của cha mẹ khi con mình bị rôm sảy, mẩn ngứa… Bậc cha mẹ luôn mong muốn tìm được một sản phẩm an toàn cho con em mình. Và sản phẩm muối tắm hoàn toàn làm từ tự nhiên, an toàn cho bé lại còn giúp điều trị các bệnh thường gặp”.
Các sản phẩm của Nguyễn Văn Chung giải quyết được 2 nhược điểm của các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường đó là tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Năm 2015, anh bắt đầu thành lập xưởng sản xuất xà bông thiên nhiên. Các sản phẩm của anh 100% làm từ thiên nhiên như gừng, sả, mướp đắng… Thời điểm đầu duy nhất chỉ có anh phụ trách tất cả các khâu từ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chế biến, làm khuôn và giao bán. Đến nay, xưởng sản xuất được đặt tại hợp tác xã Nho Quan, Ninh Bình, tạo việc làm cho khoảng 30 xã viên với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Khởi nghiệp không phải là điều dễ dàng với những người khuyết tật như Chung nhưng với ý chí, nghị lực, anh đã vượt lên số phận viết nên những bước ngoặt cho cuộc đời mình, xây dựng nên thương hiệu xà bông Sam – Sôn.
Trải qua những khó khăn, gặt hái được những thành công như hiện tại, Nguyễn Văn Chung thầm cảm ơn cuộc đời đã luôn công bằng với mình. “Sống hãy cứ cho đi và mỉm cười… Ông trời rất công bằng và không lấy hết của ai thứ gì, nên hãy tự mình vượt qua mọi khó khăn bạn sẽ tìm được cuộc sống đúng nghĩa”.
Theo PNVN