“Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với những người trẻ thiếu kinh nghiệm như tôi. Nhưng tôi luôn tâm niệm nếu có đam mê, quyết tâm, kiên trì theo đuổi rồi thành công sẽ đến”, Bình chia sẻ.
Vốn mê lan từ nhỏ, chàng trai đồng bào dân tộc thiểu số Lô Văn Bình (SN 1991, trú bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) luôn ấp ủ ước mơ được sở hữu một vườn lan của riêng mình.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Bình tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian nhập ngũ, anh được học rất nhiều kỹ thuật nuôi và chăm sóc gia súc , gia cầm, trồng rau… Trở về địa phương, anh ra Bắc Ninh làm công nhân. Hai năm sau, khi đã có chút ít vốn, anh trở về quê lập nghiệp .
Những ngày đầu trồng và chăm sóc hoa lan, Bình gặp không ít khó khăn do không nắm vững kỹ thuật, nên lan bị chết và hao hụt nhiều. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên sau hai năm, anh đã nắm bắt được nghề trồng lan, có thể nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Từ đó, hoa lan do anh trồng được nhiều người biết đến.
“Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với những người trẻ thiếu kinh nghiệm như tôi. Nhưng tôi luôn tâm niệm nếu có đam mê, quyết tâm, kiên trì theo đuổi, tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại rồi thành công sẽ đến”, Bình chia sẻ.
Vườn lan của Bình được xây dựng bằng giàn để treo hoa, cách đất từ 1,5 – 2m, bên trên được bố trí lưới che mát (loại lưới có độ che nắng 60%). Hiện trong vườn nhà Bình có hơn 200 chủng loại với khoảng 500 dò lan rừng lớn nhỏ như lan kiều, xí điệp, lan quế,…
Có loại đơn thân trồng giò, loại thì thân thòng treo ngược hay những loại ghép lũa tinh tế với những nét riêng mê hoặc người xem.
Thông qua mạng xã hội và các diễn đàn hoa, anh nắm lấy cơ hội để mang lan đi giới thiệu, từ đó nhiều khách hàng biết đến, liên hệ đặt hàng. Hiện, trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, một năm vườn lan của Bình cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Chàng trai 9X chia sẻ, muốn lan phát triển tốt thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng thì yếu tố quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan. “Giờ nghề kinh doanh gắn chặt với đam mê lan rừng muốn dứt cũng không được”, Bình nói.
Kết hợp nuôi dúi
Song song với việc kinh doanh hoa lan, Bình còn phát triển mô hình nuôi dúi thương phẩm. Theo anh, con dúi vốn là loài hoang dã sống trong rừng núi, nên việc thuần dưỡng, nuôi nhốt anh chưa bao giờ nghĩ tới. Cho đến khi đi tìm hiểu một số mô hình thực tế ở các tỉnh, thấy dúi sinh trưởng tốt, có thể mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả nên anh đã mạnh dạn triển khai.
“Quá trình sinh trưởng, dúi con nuôi được 6-7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt.
Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 2-3 tháng là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 6 – 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5kg.”, Bình cho biết.
Quy trình nuôi dúi khá đơn giản, chuồng trại không tốn nhiều diện tích. Chuồng nuôi dúi được thiết kế bằng gạch men hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn của dúi đơn giản và dễ kiếm như bắp, sắn, tre…
Vừa qua, Tỉnh đoàn Nghệ An cũng đã hỗ trợ 50 triệu đồng để anh Bình tiếp tục nhân rộng mô hình. Chia sẻ về dự định tương lai, anh cho hay, sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng vườn lan, đồng thời, phát triển mô hình nuôi dúi tại địa phương.
Chị Lữ Thị Băng Châu, Bí thư Huyện Đoàn Con Cuông chia sẻ: “Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, Lô Văn Bình đã nỗ lực vượt khó, có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bạn đoàn viên thanh niên khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ cho những bạn có ý tưởng lập thân, lập nghiệp như anh Bình”.
Theo Tiền phong