Giữ chức giám đốc kỹ thuật của công ty về công nghệ khi là sinh viên năm nhất đại học, ít ai biết Dương Thế Long từng phải làm phụ hồ, bồi bàn để có tiền học cấp 3.
Lớp 9 đi làm bồi bàn, phụ hồ
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, thậm chí là khó khăn về kinh tế, Dương Thế Long (sinh năm 2000, quê Nam Định) nhiều lần định bỏ học cấp 3.
Để có tiền đi học, cậu bắt buộc phải làm thêm. Không chỉ làm bồi bàn, bưng bê, mà còn phụ hồ, rửa bát, trông xe, gia sư,… Bất cứ việc gì có tiền, miễn không trái đạo đức, Long đều làm.
“Mình vẫn nhớ những ngày nắng gắt ở công trường, cốc nước lúc nào cũng dính xi măng và cát. Đó là khi mình làm phụ hồ, hồi cuối năm lớp 9. Mình vẫn nhớ những ngày đi phụ bếp, đói quá, chui vào một góc, ăn cơm thừa của khách”, Long trầm giọng, nói không dám nghĩ lại những ngày đó.
Thế nhưng, chính những trải nghiệm ấy đã đem đến cho Long bản lĩnh của người trưởng thành. Đó cũng là mốc đánh dấu việc chàng trai 16 tuổi có thể tự lập.
“Từ cuối lớp 9 đến nay, mọi chi phí từ tiền ăn uống, sinh hoạt mình cũng đều tự lo bằng cách kiếm việc làm thêm. Tiền học thì nhờ phần lớn vào học bổng”, Long nói và cho biết những ngày cực khổ đã khiến cậu càng trân trọng cơ hội được học để thoát nghèo.
Làm Giám đốc công ty công nghệ
Dương Thế Long từ khi học cấp 3 đã ấp ủ kế hoạch tạo ra robot. Long nhớ một lần trường tổ chức triển lãm trưng bày về công nghệ và robot, cậu rất thích thú và muốn sờ thử nhưng không được chạm vào.
“Mọi người xua tay mình ra vì sợ nó hỏng. Mình tò mò liệu nó có quý giá đến mức đó không? Sau khi lên mạng tìm hiểu thì mới thấy nó không khó làm lắm. Từ đó, mình nhen nhóm ước mơ vào Bách khoa để học về công nghệ chế tạo máy, làm sao để làm được con robot rồi đem về trường cấp 3 của mình”, chàng trai quê Nam Định chia sẻ.
Sau khi thi đậu trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Long quen một anh khóa trên và một vị giáo sư. Ba người cùng một nhóm sinh viên nữa đồng nghiên cứu, thành lập công ty về robot và giáo dục STEM.
Phương pháp giáo dục STEM là chương trình giảng dạy thực tế, tích hợp Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Mathematics (Toán). Nó giúp trẻ đưa lý thuyết áp dụng vào thực tế đời sống và giải quyết vấn đề một cách khoa học. Phương pháp này tạo cho học sinh những kỹ năng mềm như cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện,…
Long và đồng sáng lập định hướng xây dựng công ty phát triển chương trình giáo dục thông qua các khóa học về thiết kế, lập trình, robotic, dành riêng cho học sinh từ 6 – 15 tuổi. Ý tưởng sử dụng phương pháp giáo dục STEM và sáng tạo robot trùng với ước mơ của Long hồi cấp 3 nên chàng trai này rất hào hứng nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty.
Tháng 9/2019, Học viện Công nghệ Brick One – Phát triển tư duy và sáng tạo cho trẻ ra đời với 3 cổ đông. Long là Giám đốc kỹ thuật.
“Chúng tôi xây dựng một công ty phi lợi nhuận. Số tiền kiếm được sau khi trả lương nhân viên, chi phí tái đầu tư, thuê mặt bằng,… sẽ dùng để làm từ thiện, giúp đỡ các bạn nhỏ khó khăn”, Long chia sẻ.
Dù công ty đã thành hình nhưng địa điểm họp cổ đông vẫn là quán trà đá vỉa hè. “Người ngoài thấy một nhóm uống cốc trà đá 3.000 đồng rồi bàn với nhau về định hướng công ty hay những dự án vài tỷ, họ nói chúng mình viển vông. Nhưng đó là phong cách đời thường của chúng mình. Chúng mình chỉ cần ăn một đĩa cơm rang trước cổng trường, rồi ra quán trà đá ngồi, gọi thêm đĩa hướng dương, thế là có một cuộc họp tốt đẹp”, Long cười.
Bờ vực phá sản
Tuy có định hướng tốt song công ty của Long cũng không tránh khỏi sự càn quét của dịch Covid-19. Đợt dịch đầu tiên đầu năm 2020, Brick One vẫn có thể xoay xở và phát triển bằng cách mở các khóa học online. Việc mở trên 300 lớp online (mỗi lớp 4-5 bé) đã đem lại cho công ty doanh thu ở mức ổn định.
Tuy nhiên, đến năm 2021, khi đang định mở rộng quy mô ra các tỉnh thì dịch đến, khiến Hà Nội phải đóng cửa. Cuối tháng 4, các cơ sở của công ty đều phải đóng lại, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí thuê mặt bằng và lương nhân sự. Công ty bắt đầu đi xuống.
Sự tấn công của những làn sóng dịch liên tiếp khiến công ty này gần như bị mất tất cả, cách bờ vực phá sản chỉ một bước chân.
“Công ty mình phải gồng gánh, thậm chí đi vay nợ để đảm bảo cho nhân sự mức thu nhập ổn định. Mình không có nhiều kinh nghiệm trong quản trị nên bắt đầu lâm cảnh khó khăn, kéo dài suốt một năm. Đến tháng 4 năm nay, mọi thứ có dấu hiệu sáng hơn. Trung tâm bắt đầu hoạt động offline trở lại, khó khăn đỡ dần đi”, Long chia sẻ.
Bước qua đợt dịch, công ty vẫn hiện đang triển khai thêm một số dự án bên ngoài và tập trung thương mại hóa sản phẩm robot. Mục tiêu xa hơn, Long hy vọng các sản phẩm đó đạt được tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á và châu Á.
Dù công ty đã quay trở lại với những mục tiêu lớn, song cách đây 3 tháng, Long không còn quản lý trực tiếp mà chỉ còn là cổ đông. Cậu cũng từ bỏ Đại học Bách khoa Hà Nội khi đang là sinh viên năm 3, khi chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp.
Quyết định rời Bách khoa sang VinUni
Long gọi việc rời bỏ Bách khoa là quyết định táo bạo. Mọi người thường hỏi bỏ 3 năm học ở Bách Khoa có thấy lãng phí không. Long trả lời là có, nhưng hỏi có chọn lại không thì câu trả lời là không.
“Đó không phải vấn đề về môi trường hay chất lượng giáo dục, mà là sự phù hợp. Đối với một người trẻ như mình thì việc tiến đến các môi trường quốc tế là điều cần thiết. Mình có ước mơ sẽ làm được những điều lớn lao. Nhưng chỉ khi mình “lớn” thì mới có thể đem lại được nhiều giá trị cho cộng đồng”, Long giải thích cho quyết định của mình.
Bằng nỗ lực đó, Long xuất sắc nhận học bổng 90% của trường Đại học VinUni, ngành Quản trị kinh doanh.
Chia sẻ về “bí quyết” chinh phục thành công các mục tiêu, Long cho rằng có ít nhất 2 điều cần phải có, đó là tinh thần luôn học cái mới và thích ứng nhanh.
Long học được từ Steve Jobs một phương pháp hữu ích “connect the dots” (kết nối những cái chấm). Mỗi việc mình làm đều là một cái chấm trên bản đồ. Một ngày nào đó những chấm này sẽ kết nối lại với nhau và nó sẽ giúp ích cho mình, dù nhiều khi tưởng chừng cái chấm đó sẽ không liên quan gì đến cuộc sống.
Ví dụ, hồi mới nhận việc ở công ty mới, Long đã hát một vài bài trong buổi liên hoan. Cậu tưởng việc hát hò không mấy liên quan đến công việc nhưng nó đã giúp Long gần gũi hơn với đồng nghiệp. Sáng hôm sau đi làm, mọi người thân thiết và ấn tượng với Long nhiều hơn, công việc cũng từ đó mà suôn sẻ, không còn ngần ngại như những ngày đầu.
Đó là lý do Long luôn tìm hiểu và học thêm những cái mới, từ cổ chí kim đến hiện đại, cả khoa học và phi khoa học, như văn hóa trà đạo, cổ phục, hay nhân tướng học, lá số tử vi,… Những thứ tưởng chừng không mấy liên quan nhưng lại giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là dải kiến thức rộng.
Về thích ứng nhanh, chàng trai 22 tuổi khá tự tin vì đã có “nhiều năm kinh nghiệm”. Việc sang VinUni đột ngột cũng khiến Long phải áp dụng “quân bài” này.
“Sang môi trường mới, mình thấy có những thứ dường như thuộc về thế giới khác. Ví dụ khi học môn cảm thụ âm nhạc cổ điển, đi xem những buổi hòa nhạc piano, dương cầm, những bản nhạc huyền thoại trong nhà hát, thấy các bạn bàn tán với nhau là cái này hay, cái kia đẳng cấp,.. mình thì không biết gì cả bởi vì chưa từng được cảm thụ.
Thứ nghệ thuật mà các bạn nghe, với thứ nghệ thuật mình được nghe từ bé đến lớn nó khác hoàn toàn, bởi mình sinh ra và lớn lên với âm nhạc đồng quê của Việt Nam…
Sự khác biệt đó đòi hỏi mình phải học hỏi và thích ứng để không bị tụt hậu. Điều đó thôi thúc mình học rộng hơn, để biết nghe nhạc, biết thưởng thức ẩm thực, hay đơn giản là cách sắp xếp thìa dĩa trên bàn tiệc. Mỗi thứ mình học một tí thì sẽ làm cuộc sống của mình thêm màu sắc hơn. Vì nếu biết càng ít thì sẽ càng thua thiệt so với mọi người”, Long nói.
Tuy học cùng những bạn có điều kiện khá giả nhưng Long cũng không ái ngại vì thua kém các bạn về mặt kinh tế. “Dù đi xe máy hay xe bus, mình vẫn chơi được với các bạn có điều kiện hơn. Mọi người đều tôn trọng sự khác biệt của nhau”, chàng trai 22 tuổi nói.
Dù biết mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng cũng có đôi lúc, Long mảy may cảm thấy ghen tị và kém may mắn hơn các bạn một tí.
“Mọi người có bề dày về giáo dục và văn hóa, được bố mẹ đầu tư cho rất nhiều, đơn cử việc học tiếng Anh. Còn bố mẹ mình không phải người học cao, cũng không có điều kiện kinh tế để đầu tư cho con học nhiều. Nhưng bố mẹ mình dạy mình rất kỹ về cách đối nhân xử thế”, Long nói và cho biết gia đình có ảnh hưởng lớn đến sức mạnh vượt khó của mình hiện nay.
Hiện việc học của Long tại môi trường mới đã dần ổn định. Chàng thanh niên 22 tuổi cũng dành thời gian để tìm hướng đi mới cho mình. Ngoài ra, nam thanh niên còn dành thời gian đến các trường học để chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp.
“Việc bận sẽ cho mình nhiều năng lượng. Nếu cho mình một công việc nhàn rỗi thì sẽ không chịu nổi. Mình thích có những thử thách, vất vả, khi vượt qua được sẽ rất vui và cảm nhận được thành tựu. Giống như việc làm bồi bàn, phụ hồ, nếu không có sự vất vả ngày ấy thì sẽ không có Long ngày hôm nay”, chàng sinh viên chia sẻ.
Theo Tổ Quốc