Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công giống cây lá kiếm trang trí tại các vùng sinh thái khác nhau, chàng trai trẻ Lê Trương Trung Hiếu (sinh năm 1994), Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp New Life Đà Lạt đã thu lợi nhuận ước tính lên đến 1-1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Chàng trai Đà Lạt trồng thành công cây lá kiếm, lợi nhuận nghe mà mê
Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công giống cây lá kiếm trang trí tại các vùng sinh thái khác nhau, Công ty TNHH Nông nghiệp New Life Đà Lạt đang mở rộng diện tích liên kết với nông dân chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, đạt lợi nhuận ước tính ban đầu lên đến 1-1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Đầu xuân 2022, Giám đốc trẻ Lê Trương Trung Hiếu (sinh năm 1994), Công ty TNHH Nông nghiệp New Life Đà Lạt đưa phóng viên xuống thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt tham quan hàng cây lá kiếm đang vào thời kỳ kinh doanh với chiều cao trung bình từ 1,5 m đến 2 m, đường kính tán lá rộng hơn 2 m.
Chủ vườn Lê Đỗ Hoàng Việt cho biết, từ nguồn giống của Công ty TNHH Nông nghiệp New Life, bắt đầu từ tháng 10/2021 đến nay, anh Việt đã trồng và chăm sóc tất cả 250 cây lá kiếm trên tổng diện tích 500 m2 đất chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi.
Dự kiến vào giữa năm 2022, anh Việt bước vào thu hoạch cắt cành liên tục trong 3 tháng với năng suất khoảng 4 kg/cây. Hiện, khách hàng đã đặt anh Việt mua trước với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg cành lá kiếm loại 1 và loại 2.
“Hạch toán sơ bộ trồng cây lá kiếm trang trí đạt lợi nhuận tăng gấp 10 lần trồng cà phê chè trên cùng diện tích đất. Nhờ vậy, ở khu vực Đa Quý, Xuân Thọ tiếp tục có thêm 3 nông hộ chuyển đổi cà phê chè già cỗi sang trồng cây lá kiếm tổng diện tích khoảng 3.000 m2…”, anh Việt cho hay.
Tính chung đến đầu tháng 3/2022, Công ty TNHH Nông nghiệp New Life Đà Lạt đã cung cấp 5.000 cây giống lá kiếm. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho khoảng 10 hộ nông dân các địa bàn Phường 10, Phường 11, xã Xuân Thọ thuộc thành phố Đà Lạt, tương ứng trồng mới hơn 1 ha diện tích chuyển đổi từ cây cà phê già cỗi.
Riêng địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, công ty này cũng đang liên kết với 5 hộ nông dân chuyển đổi khoảng 5.000 m2 các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây lá kiếm, trong đó có 3.000 m2 đang thu hoạch đạt giá trị kinh tế khá khả quan.
Giám đốc trẻ Lê Trương Trung Hiếu chia sẻ: “Mật độ trồng cây lá kiếm ngoài trời trung bình 500 cây/1.000 m2. Chăm sóc đúng kỹ thuật đến 9 tháng sau bước vào thu hoạch cắt cành với năng suất trung bình 4 kg/cây. Nhân với giá thị trường đặt hàng trong năm 2022, trung bình 80.000 đồng/kg. Trừ tất cả mọi chi phí, lợi nhuận thu về trung bình 100 – 120 triệu đồng/100 m2/năm. Cây lá kiếm có thể thu hoạch đến 5 năm sau mới trồng lại cây con mới…”.
Giám đốc trẻ Lê Trương Trung Hiếu cho biết thêm, giống cây lá kiếm có tên khoa học Eucalyptus parvula, được các đối tác của Công ty TNHH Nông nghiệp New Life cung cấp trồng thử nghiệm đầu tiên tại các khu vực địa hình đồi dốc Phường 10, Trại Mát, Xuân Thọ thuộc thành phố Đà Lạt với 150 hạt giống nhập về từ nước Úc vào đầu mùa mưa năm 2021.
Kết quả xuống giống đạt tỷ lệ hạt nẩy mầm, cây sống hơn 95%. Tiếp theo 9 tháng chăm sóc, thu hoạch cắt cành và tiêu thụ khá nhanh đến các vựa hoa từ thành phố Đà Lạt đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Ưu điểm của cây lá kiếm được đánh giá ban đầu khá phù hợp với các khu vực thiếu nước tưới trên vùng sinh thái Đà Lạt và các huyện phụ cận, chênh lệch độ cao từ 800 m trở lên so với mặt biển. Cây lá kiếm trồng ngoài trời, chủ yếu tạo môi trường sinh trưởng tự nhiên, nên tiết kiệm đáng kể sử dụng lượng phân bón, thuốc phòng, trừ bệnh hại các loại…
Từ những thành công và triển vọng mở ra nêu trên, Công ty TNHH Nông nghiệp New Life Đà Lạt tiếp tục xây dựng và mở rộng chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định đối với sản phẩm cây lá kiếm Đà Lạt và các huyện phụ cận. Như vậy, trong thời gian tới, cây lá kiếm hứa hẹn sẽ là một sự lựa chọn mới, đóng góp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.
Văn Việt (baolamdong.vn)